Bộ Giao thông vận tải mời thầu 8 dự án PPP tuyến cao tốc Bắc - Nam
Sáng 17/5, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị Kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP.
Tại Hội nghị Kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 (2017-2020), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã cung cấp thông tin về Dự án, quy trình sơ tuyển, yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư,... nhằm kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP.
Theo Bộ GTVT, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã ban hành Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, giai đoạn 2017-2020 sẽ đầu tư xây dựng 654km, chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cụ thể, 3 dự án đầu tư công bao gồm: Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn Cam Lộ - La Sơn và đoạn cầu Mỹ Thuận 2; 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP bao gồm: Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, đoạn Nha Trang - Cam Lâm, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng nguồn ngân sách 55.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư dự án giai đoạn 2017-2020, giai đoạn tiếp theo từ 2021-2025 sẽ đầu tư thêm khoảng 718km, giai đoạn sau năm 2025 sẽ đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - mũi Cà Mau.
Bộ GTVT cũng cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư là 118.716 tỷ đồng phương thức đầu tư dựa theo hình thức đầu tư công và đối tác công tư (PPP). Trong đó, vốn của nhà nước là 55.000 tỷ đồng bao gồm: 14.155 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng, 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đường thi công và 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), tương đương khoảng 39%.
Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng tương đương 61%, bao gồm vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải tính toán, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia Dự án tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu với tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, để triển khai dự án, chính phủ và các bộ ngành, địa phương cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đề ra.
"Bên cạnh việc công khai, minh bạch toàn bộ thông tin liên quan đến Dự án, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước được đảm bảo quyền bình đẳng theo quy định pháp luật Việt Nam, công tác sơ tuyển, đấu thầu nhà nước đầu tư sẽ được bên mời thầu thực hiện theo đúng luật định trên nguyên tắc công bằng, minh bạch, cạnh tranh", ông Nhật nói.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Trước đó, trao đổi với BizLIVE, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điều khó nhất hiện nay trong việc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là khuôn khổ pháp luật. Cần đảm bảo sự an toàn, minh bạch để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài, còn nguồn lực trong dân và cách thức huy động vốn thì chúng ta không thiếu.
Đầu tư cho cơ sở hạ tầng bao giờ cũng là thứ đầu tư an toàn, cho nên nhu cầu của khu vực tư nhân trong nước trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng rất lớn. "Đối với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đây là công trình liên quan đến ý chí thống nhất đất nước, tinh thần quốc gia, dân tộc, vì vậy cần tập trung đầu tư cho tuyến đường này", ông Lộc nói.
Ngoài ra, chủ tịch VCCI cũng hy vọng các doanh nghiệp trong nước sẽ bắt tay cùng các cơ quan nhà nước bằng hình thức đối tác công tư để thực hiện dự án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận