24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Huyền Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bộ Công Thương vi phạm quản lý kinh doanh xăng dầu

Cơ quan thanh tra chỉ rõ Bộ Công Thương có vi phạm trong cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, điều hành giá xăng dầu...

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Sỹ Bảy ngày 4-1 đã ký ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý nhà nước về xăng dầu.

Vi phạm trong cấp phép, sử dụng quỹ

Theo kết luận, từ ngày 1-1-2017 đến 30-6-2022, Bộ Công Thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ. Theo Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, một trong những điều kiện để doanh nghiệp (DN) được cấp phép làm đầu mối xăng dầu là phải có kho, bể chứa hoặc thuê của đơn vị khác từ 5 năm trở lên. Do đó, nhiều thương nhân đã thuê kho theo mùa vụ để được cấp giấy phép. "Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm ở khâu cấp phép và thực hiện các điều kiện cấp phép của Bộ Công Thương" - kết luận của TTCP nêu rõ.

Sau khi được cấp phép, nhiều thương nhân đầu mối không bảo đảm được hệ thống phân phối. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới thị trường. TTCP kết luận Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo và không kịp thời phát hiện các vi phạm trong duy trì điều kiện kho, bể chứa và hệ thống phân phối xăng dầu.

Bên cạnh đó, TTCP cũng chỉ ra việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) tồn tại nhiều bất cập, vi phạm. Cụ thể, từ năm 2017 - 2021, liên bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định chi Quỹ BOG khi giá xăng dầu chưa tăng với số tiền gần 1.143 tỉ đồng và chi cao hơn mức tăng giá hơn 318,1 tỉ đồng. Đáng chú ý, từ ngày 1-1-2017 đến 23-4-2018, văn bản điều hành giá không rõ ràng dẫn đến 19 DN đầu mối trích lập sai Quỹ BOG với xăng RON95 hơn 1.013,4 tỉ đồng và chi sai gần 679,8 tỉ đồng.

TTCP nêu rõ có sự đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quy chế phối hợp, phân công giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trong quản lý quỹ và kiểm tra, giám sát DN đầu mối. Bộ Công Thương chưa kịp thời xử lý vi phạm về quỹ này của các DN trong khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt hành chính.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại quản lý Quỹ BOG, dẫn tới 7 DN sử dụng quỹ sai mục đích hơn 7.927 tỉ đồng. Số tiền này đã được DN để tại tài khoản thanh toán trong nhiều kỳ, không kết chuyển về tài khoản quỹ.

Bộ Công Thương vi phạm quản lý kinh doanh xăng dầu
Thị trường xăng dầu gặp trục trặc về nguồn cung vào tháng 3-2022 khiến một số địa phương bị thiếu xăng dầu cục bộ

Lơ là quản lý

TTCP kết luận việc tính giá cơ sở xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập, tồn tại. Cụ thể, Bộ Tài chính tính toán các chỉ tiêu cấu thành giá cơ sở xăng dầu không chính xác, không sát với thị trường; áp dụng chi phí định mức cố định đã ban hành từ năm 2014 không phù hợp với thực tế hiện nay. Điều này dẫn đến giá cơ sở không được tính đúng, tính đủ theo giá thế giới và các chi phí khác. Do đó, khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, nhiều DN đầu mối đã ngừng nhập khẩu để tránh thua lỗ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.

Theo cơ quan thanh tra, ngày 24-2-2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 242 về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu quý II/2022. Trong đó, giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu cho 10/34 thương nhân đầu mối nhưng hầu hết không đáp ứng tiến độ, khối lượng nhập khẩu thấp hơn hạn mức được giao. Bộ Công Thương không hướng dẫn, quản lý các thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu theo quý, dẫn đến không có kế hoạch, tiến độ chung để quản lý. Do đó, TTCP kết luận Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, điều hành thiếu khách quan, công bằng trong việc nhập khẩu xăng dầu. Chỉ riêng giai đoạn năm 2017 - 2021 đã có 26 DN đầu mối với 42 lượt vi phạm về hạn mức nhập khẩu tối thiểu nhưng chưa được bộ này kiểm tra, xử lý.

Về điều hành giá xăng dầu, liên bộ Công Thương - Tài chính thiếu kiểm tra, giám sát các thương nhân đầu mối dẫn đến một số thương nhân xây dựng giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu thiếu cơ sở.

TTCP cũng chỉ rõ Tổng cục Thuế và nhiều cục thuế thực hiện chưa đầy đủ, đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều thương nhân đầu mối nợ thuế bảo vệ môi trường (BVMT) hàng ngàn tỉ đồng kéo dài. Chẳng hạn, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai sai, thiếu thuế BVMT lần đầu và hằng tháng dẫn đến từ năm 2018 - 2021, tổng số tiền thuế BVMT kê khai lần đầu và kê khai lại tăng thêm hơn 3.287 tỉ đồng. Tại thời điểm ngày 31-10-2022, một số thương nhân đầu mối còn nợ, chưa nộp số tiền thuế BVMT gần 6.324 tỉ đồng. Đáng chú ý, mặc dù nợ thuế BVMT nhưng một số thương nhân đầu mối đã cho một số cá nhân vay nợ hàng ngàn tỉ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả