Bộ Công Thương: Thông tin 30% giá thành năng lượng tái tạo nằm ở thủ tục là chưa có cơ sở
Giá thành năng lượng tái tạo có tới 30% nằm ở khâu quy trình thủ tục là chưa có cơ sở.
Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Điện lực Bồng Sơn. Ảnh: Thành Chính
Thời gian vừa qua, có thông tin cho rằng, giá thành năng lượng tái tạo có tới 30% nằm ở khâu quy trình thủ tục. Trước thông tin này, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, nhận xét này là chưa có cơ sở.
Lý giải về thông tin này, Bộ Công Thương cho hay, có nhiều vướng mắc ảnh hưởng tới phát triển năng lượng tái tạo như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khả năng giải tỏa công suất và ảnh hưởng của nguồn năng lượng tái tạo đối với tính ổn định của hệ thống điện.
Cụ thể, về quy trình thủ tục đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo, theo quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Điện lực, Luật Xây dựng và các luật khác có liên quan, quy trình thủ tục đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo liên quan đến các cơ quan. Đó là, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến chủ trương khảo sát dự án, chủ trương đầu tư, cấp đất, giao đất, thuê đất, các giấy phép tại địa phương, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng, chiều cao tĩnh không, đấu nối với hạ tầng địa phương như giao thông, cấp thoát nước....
Với các cơ quan Trung ương và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các thủ tục về bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp, chủ trương đầu tư (tùy thuộc quy mô, nguồn vốn...), giấy phép hoạt động điện lực, thẩm định thiết kế (tùy quy mô dự án).
Với Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên quan đến hợp đồng mua bán điện, các thỏa thuận chuyên ngành như đấu nối, đo đếm, rơ le, thử nghiệm đóng điện, xác nhận ngày vận hành thương mại...
Đồng Tháp khuyến khích các hộ dân lắp đặt và sử dụng điện mặt trời. Ảnh minh họa: TTXVN
Bên cạnh đó, các vướng mắc chính ảnh hưởng đến tiến độ các dự án năng lượng tái tạo cũng còn rất nhiều như quy hoạch sử dụng đất.
Theo báo cáo của các tỉnh, đất dự kiến đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo thường là đất có hiệu quả kinh tế thấp, kém hiệu quả trong phát triển nông nghiệp. Một số dự án chồng lấn với đất quy hoạch hoặc dự trữ khoáng sản. Số ít đất các dự án thuộc quy hoạch đất năng lượng và còn lại phần lớn chưa được chuyển đổi mục đích.
Theo ý kiến của các tỉnh, trường hợp sau khi các dự án điện mặt trời được bổ sung quy hoạch, địa phương sẽ tiến hành thủ tục để đưa diện tích đất của các dự án vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất năng lượng theo đánh giá là một trong những thủ tục mất khá nhiều thời gian do phải trình qua nhiều cấp để thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Về vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, quá trình thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn còn một số khó khăn vướng mắc. Đó là do văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ và chưa phù hợp cũng như quy định về đơn giá đền bù tại một số địa phương chưa phù hợp; khó khăn và kéo dài trong định giá và lập phương án đền bù.
Trong khi việc quản lý đất đai còn một số hạn chế, bất cập dẫn đến tranh chấp, khiếu nại trong nhân dân thì việc lập và bổ sung quy hoạch đất đai cũng chưa cụ thể, chưa đủ chi tiết dẫn đến việc bị chồng lấn với các quy hoạch khác. Bên cạnh đó là trình tự thủ tục kéo dài trong việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Về phía người dân còn chưa hợp tác, ủng hộ do đơn giá bồi thường chưa sát với thực tế hoặc có tình trạng kéo dài thời gian đàm phán, thỏa thuận để nâng giá đền bù cao hơn nhiều so với thực tế...
Đây là những khó khăn vướng mắc dẫn đến việc đền bù giải phóng mặt bằng bị chậm và là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ xây dựng của các dự án điện và trong một số trường hợp đẩy chi phí lên cao so với dự tính ban đầu.
Thêm vào đó, về vấn đề giải tỏa công suất và ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống điện, Bộ Công Thương cho biết, công suất các dự án năng lượng tái tạo đề nghị bổ sung quy hoạch lớn và chỉ tập trung ở một số khu vực có tiềm năng, có nguy cơ gây ra lưới điện truyền tải sẽ bị đầy và quá tải. Mặt khác, khi tỷ lệ thâm nhập năng lượng tái tạo lớn sẽ gây ra các vấn đề về ổn định của hệ thống điện.
Chính điều này đã vô hình chung làm phát sinh chi phí của hệ thống khi phải xây dựng thêm một loạt các công trình lưới điện nhằm giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo cũng như đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện.
Một lý do khác cũng ảnh hưởng đến chi phí năng lượng tái tạo là các thông số ảnh hưởng đến biểu giá bán điện của các dự án điện mặt trời (FIT). Biểu giá bán điện của các dự án điện mặt trời áp dụng cho giai đoạn sau tháng 6/2019 đã được nhóm tư vấn thu thập, đánh giá. Các dữ liệu đầu vào được chia làm 5 nhóm chính với tổng số 21 thông số đầu vào quan trọng. Các thông số này được đưa vào mô hình tính toán do tư vấn quốc tế lập.
Kết quả khảo sát, tính toán của tư vấn trong và ngoài nước cho thấy, các chi phí khác không tính chi phí thiết bị, chi phí xây dựng chiếm từ 10-20% tổng mức đầu tư của dự án điện mặt trời tại thời điểm khảo sát này. Do vậy, từ tất cả các yếu tố trên, thông tin 30% giá thành năng lượng mặt trời nằm ở quy trình thủ tục là chưa có cơ sở.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, để xem xét thẩm định bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo một cách công khai, minh bạch, một số tiêu chí cơ bản được Bộ Công Thương sử dụng bao gồm: cường độ bức xạ mặt trời, tiềm năng gió tại khu vực dự án đề xuất bổ sung quy hoạch; sự phù hợp của dự án đề xuất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc tránh sử dụng đất rừng, nhất là rừng tự nhiên, khu vực khai thác và dự trữ khoáng sản như titan.
Bên cạnh đó là tính hiệu quả sử dụng đất của dự án đề xuất; sự thuận lợi của phương án đấu nối với hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất dự án. Cuối cùng là năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư.../.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận