menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sơn Đức

Bộ Công Thương lên kịch bản cung ứng hàng hóa cho tình huống có thể xấu hơn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh đã đến lúc chúng ta phải chuẩn bị cho những tình huống dịch bệnh diễn biến xấu hơn để đưa ra những kịch bản phù hợp.

Bộ Công Thương lên kịch bản cung ứng hàng hóa cho tình huống có thể xấu hơn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cần chuẩn bị cho những tình huống dịch bệnh có thể diễn biến xấu hơn để đưa ra những kịch bản phù hợp để đối phó.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TPHCM và các tỉnh phía Nam vừa chủ trì cuộc làm việc với các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương trên tinh thần cần chuẩn bị các giải pháp hiệu quả hơn nữa bởi dịch Covid-19 đã diễn biến rất nhanh và lan rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Đã đến lúc cần có những kịch bản phù hợp hơn

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh đã đến lúc chúng ta phải chuẩn bị cho những tình huống dịch bệnh diễn biến xấu hơn để đưa ra những kịch bản phù hợp. Điều này nhằm chủ động ứng phó, vừa đảm bảo an toàn chống dịch nhưng vẫn phải thực hiện mục tiêu kép.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, trên địa bàn Hà Nội, gần đây nhất là việc Công ty TNHH Cung ứng thực phẩm Thanh Nga, đơn vị cung cấp nguồn hàng cho hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+ và một số chợ truyền thống, chợ đầu mối có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng đến việc cung ứng, kinh doanh tại một số cơ sở kinh doanh hàng hóa, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố.

Liên quan đến công tác hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài cho biết, với kinh nghiệm xúc tiến trực tuyến vải thiều ở Bắc Giang, Hải Dương, nhãn lồng Hưng Yên…, tới đây, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ, địa phương và doanh nghiệp, tiếp tục tổ chức xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương, đặc biệt là nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên.

Định hướng trong thời gian tới, Cục sẽ xây dựng kế hoạch xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương theo nhóm hàng, chứ không riêng lẻ từng mặt hàng. Cùng với đó, Cục cũng tập trung hỗ trợ kết nối các nhà xuất - nhập khẩu, kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.

Về lĩnh vực thương mại điện tử, bà Nguyễn Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, trong thời gian qua, Cục đã phối hợp sát sao đồng bộ với 6 sàn thương mại điện tử lớn để đẩy mạnh triển khai thương mại nông sản qua thương mại điện tử.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có 2 vấn đề cần lưu ý. Đó là logistic và điểm tập kết hàng hóa để có thể đảm bảo thông suốt cho cả quy trình mua bán qua thương mại điện tử.

Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục nắm bắt và tháo gỡ khâu logistics trong thương mại điện tử nhất là tại Hà Nội và TPHCM, Cục sẽ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nội dung hướng dẫn các hợp tác xã tại các tỉnh, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử cũng như tăng cường truyền thông theo phương thức đa kênh. Đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan để đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp chưa bị tác động mạnh bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Giá trị tăng thêm toàn ngành 11,45%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 11,42%. Tuy nhiên, đến tháng 7, tình hình căng thẳng hơn, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ở các tỉnh, thành phố phía Nam.

Để duy trì sản xuất ở các doanh nghiệp, tránh xảy ra các đứt gãy sản xuất, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng, vắc xin vẫn là giải pháp căn cơ và cần thiết phải tiến hành sớm.

Có thể triển khai Tổ công tác tiền phương trên cả nước

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm và hết sức nặng nề trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, ông nhắc lại tinh thần được đưa ra ngay tại đầu cuộc họp: Cần chuẩn bị cho những tình huống dịch bệnh có thể diễn biến xấu hơn để đưa ra những kịch bản phù hợp để đối phó.

Thứ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã đảm bảo được nhiệm vụ cung ứng hàng hóa cho người dân, nhất là các địa phương đang có dịch.

Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ thành lập Tổ công tác tiền phương về đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho TPHCM và các tỉnh phía Nam. Tổ công tác đã có những hoạt động tích cực, đưa những giải pháp phù hợp và bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, dịch đang diễn biến phức tạp và đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành. Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu tới đây, hoạt động của Tổ công tác sẽ được triển khai rộng trên phạm vi cả nước để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cũng như tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa.

Tuy nhiên, dự báo dịch bệnh có thể sẽ bùng phát mạnh hơn trong thời gian tới, do vậy Thứ trưởng yêu cầu, bên cạnh việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, các đơn vị chức năng thuộc Bộ phải chú trọng thêm về nhiệm vụ giữ vững sản xuất công nghiệp, duy trì hoạt động xuất khẩu.

Thứ trưởng yêu cầu các cục, vụ chức năng phải nỗ lực thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ mà Chính phủ và Bộ Công Thương giao phó. Cùng với đó, làm tốt công tác phối hợp giữa các đơn vị ở trong và ngoài Bộ Công Thương.

Về việc cung ứng hàng hóa, Thứ trưởng giao Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối, mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động của Tổ công tác tiền phương, không chỉ ở các tỉnh, thành phố phía Nam mà phải mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị, Vụ Thị trường trong nước phải xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa tương đương với các cấp độ của dịch bệnh. Đồng thời nhấn mạnh, trong mọi tình huống, phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở các địa phương có dịch và đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Đối với nhiệm vụ sản xuất công nghiệp, Thứ trưởng giao Cục công nghiệp làm đầu mối, phải làm việc với các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nắm bắt được những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, nhất là trong các khu công nghiệp, chế xuất… từ đó có những giải pháp, đề xuất kịp thời để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất.

Về hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phải có những biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cấp bách cho các địa phương đang có nông sản vào thời vụ thu hoạch. Trong đó, ưu tiên tập trung tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Về lĩnh vực thương mại điện tử, Thứ trưởng cho rằng đây là phương thức rất quan trọng và là xu thế tất yếu, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Vì vậy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần phát huy hơn nữa hiệu quả của phương thức này.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, Thứ trưởng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu làm đầu mối, nắm bắt các nhu cầu, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu để kịp thời đề ra những giải pháp, tham mưu các chính sách phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Đối với các đơn vị khác như Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ…, Thứ trưởng yêu cầu, cần tăng cường sự phối hợp, bám sát các thị trường xuất khẩu để có thông tin về thị trường, từ đó có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông sản.

"Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương phải đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở những địa phương đang có dịch; đảm bảo sản xuất công nghiệp, nhất là trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo, duy trì đà tăng của hoạt động xuất nhập khẩu", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 2/8, Bộ Công Thương đã phát bản tin liên quan đến vấn đề cung ứng hàng hóa tại Hà Nội.

Theo đó, Hà Nội sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đặt tại các quận huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại