Bộ Công Thương 'hỏa tốc' xin ý kiến xuất khẩu gạo nếp
Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin ý về việc xuất khẩu gạo nếp trong thời gian tới.
Trong công văn hỏa tốc số 2666/BCT-XNK ngày 15/4, Bộ Công Thương nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4 về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến về vấn đề gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia không? Tác động, ảnh hưởng của gạo nếp trồng tại tỉnh Long An và tỉnh An Giang đối với an ninh lương thực quốc gia.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến (quy ra gạo) của gạo nếp tại tỉnh Long An và An Giang theo từng vụ và đề xuất, kiến nghị đối với việc xuất khẩu gạo nếp trong thời gian tới.
Trước đó, UBND tỉnh Long An đã có kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ cho các doanh nghiệp xuất khẩu lại gạo nếp không giới hạn số lượng nhằm để giải quyết lượng gạo nếp tồn kho trong các doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp tục thu mua nếp của người dân với giá thu mua tốt hơn.
Theo UBND tỉnh Long An, tỉnh này có diện tích trồng nếp chiếm khoảng 30-32% diện tích của toàn tỉnh, riêng vụ đông xuân diện tích trồng nếp chiếm 65.000ha.
Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nếp không biết thông tin thời gian nên không kịp khai tờ khai. Điều này, đã làm cho rất nhiều doanh nghiệp không chỉ ở Long An mà cả khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, UBND tỉnh An Giang cũng gửi kiến nghị đến Thủ tướng cho phép các hợp đồng được ký kết theo quy định thì cho phép doanh nghiệp tiếp tục thực hiện việc xuất khẩu gạo, trong đó ưu tiên cho xuất khẩu sớm số lượng gạo đã và đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng và số lượng gạo đã có hợp đồng đến tháng 5/2020.
Năm 2020 toàn tỉnh An Giang xuống giống lúa, nếp đạt trên 616.420ha, sản lượng ước đạt trên 4 triệu tấn lúa, nếp/năm, dự kiến sẽ xuất khẩu trên 462.000 tấn gạo. Sau khi trừ giống, để ăn, bán tiêu dùng nội địa và xuất khẩu thì số lượng còn tồn gần 271.000 tấn gạo.
Nếu tạm dừng xuất khẩu đến hết tháng 4 thì toàn tỉnh có trên 48.000 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã ký, tương đương trên 23,6 triệu USD của 16/18 doanh nghiệp.
Trường hợp tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 thì tiếp tục có khoảng 115.000 tấn gạo không xuất và không giao hàng theo hợp đồng đã ký.
Phần lớn các doanh nghiệp đều có liên kết tiêu thụ sản phẩm, trực tiếp giải quyết đầu ra lúa gạo cho nông dân, vì thế nếu tạm dừng hoặc hạn chế xuất khẩu gạo thì doanh nghiệp có khả năng bị vi phạm hợp đồng, còn nông dân sản xuất lúa sẽ thiếu vốn tái đầu tư mùa vụ...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận