Bộ Công Thương giải đáp cơ chế giá điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp
Theo Bộ Công Thương, mới có 23 dự án trong số 84 dự án năng lượng tái tạo của các chủ đầu tư gửi hồ sơ để tham gia đàm phán, số dự án còn lại vẫn “không chịu gửi” hồ sơ nên không có cơ sở đàm phán
Tại Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương tổ chức ngày 18/4, nhiều địa phương có doanh nghiệp đầu tư các dự án năng lương tái tạo (điện gió, điện Mặt Trời) đã kiến nghị Bộ Công Thương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đàm phán giá điện chuyển tiếp giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chủ đầu tư.
Lãng phí khi chưa đưa vào vận hành
Theo đó, đại diện các tỉnh có tiềm năng năng lượng tái tạo (điện gió, điện Mặt Trời) cho biết nhiều nhà máy điện gió đã hoàn thành, có khả năng phát điện nhưng không kịp tiến độ vận hành trước 31/10/2022 để được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) của nhà nước hiện vẫn đang chờ hoàn tất các thủ tục để đàm phán theo cơ chế giá điện chuyển tiếp do Bộ Công Thương mới ban hành.
Do chưa được huy động nguồn điện năng lượng tái tạo lên lưới đã dẫn tới sự lãng phí nguồn lực của nhà đầu tư.
Cụ thể, theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, đặc thù là địa phương có lợi thế về năng lượng tái tạo, hiện tỉnh có khoảng 150MW điện năng lượng tái tạo đã hoàn thành và đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa được vận hành thương mại.
“Theo báo cáo của nhà đầu tư cũng như EVN thì việc đàm phán còn gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành các cơ chế chính sách, có hướng dẫn để đưa các dự án năng lượng này vào khai thác, việc chưa vào vận hành gây lãng phí…,” ông Hà Sỹ Đồng nói.
Đây cũng là tình cảnh chung của các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông chia sẻ và kiến nghị.
“Về các dự án điện gió thì cũng như Quảng Trị và các tỉnh bạn, rất mong Bộ trưởng Bộ Công Thương sớm có sự chỉ đạo EVN để việc thương thảo hợp đồng bán điện cho EVN được thông suốt. Hiện nay, về giá điện hai bên vẫn chưa có sự thống nhất, chúng tôi thấy rất xót xa vì thấy lãng phí. Các trụ điện gió cứ xây dựng lên nhưng lại không được phát điện thì rất lãng phí…,” lãnh đạo tỉnh Đăk Nông nêu ý kiến.
Cần hoàn tất các thủ tục pháp lý
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay việc huy động các nhà máy điện lên hệ thống, bao gồm cả nhà máy điện truyền thống và điện năng lượng tái tạo đều được tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật và thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và đảm bảo công khai, minh bạch.Việc này cũng được công bố hàng tuần trên cổng thông tin của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.
Về các dự án năng lượng tái tạo không đáp ứng được thời điểm để thực hiện giá ưu đãi phải đàm phán giá chuyển tiếp, ông Võ Quang Lâm cho biết đến nay trong 84 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, có 23 dự án đã chuyển hồ sơ cho Công ty mua bán điện thuộc Tập đoàn, trong đó có 4 dự án đã làm việc với Công ty mua bán điện và hai bên đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục triển khai.
Ngoài ra, có 5 dự án hiện nay Công ty mua bán điện đang rà soát các hồ sơ và 14 dự cũng đã gửi hồ sơ nhưng chưa đủ thì hiện nay Công ty mua bán điện đang đề nghị các chủ đầu tư này hoàn thiện và bổ sung thêm hồ sơ để thực hiện việc đàm phán theo các Thông tư 15 và Quyết định 01 của Bộ Công Thương…
“EVN cũng báo cáo về việc huy động các nhà máy điện mà chưa có ký hợp đồng mua bán điện theo các quy định của pháp luật hiện nay thì chưa cho phép. Chúng tôi sẽ tập trung cùng với các nhà đầu tư để kết thúc các hợp đồng mua bán điện theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương…,” ông Võ Quang Lâm nói.
Làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quản lý Nhà nước trong việc ban hành Thông tư hướng dẫn và Khung giá điện (chuyển tiếp), vấn đề còn lại bây giờ là việc đàm phán giữa EVN và các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, mới có 23 dự án/tổ hợp dự án trong số 84 dự án của các chủ đầu tư gửi hồ sơ để tham gia đàm phán, số dự án còn lại đến giờ vẫn “không chịu gửi” hồ sơ nên không có cơ sở để đàm phán.
- Tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trong tháng 3/2023:
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc các chủ đầu tư muốn huy động trước khi đàm phán thì không đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Mặt khác, trong số các tổ hợp này thì cũng không ít tổ hợp hiện còn thiếu những thủ tục, thực hiện không đúng quy định hiện hành của pháp luật. Cho nên các chủ đầu tư cũng rất là ngại ngần khi nộp hồ sơ để có thể đàm phán với EVN.
Do đó, ông Diên đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo ngành công thương, ngành điện tại địa phương phải rốt ráo làm việc với các chủ đầu tư.
“Nếu chủ đầu tư muốn huy động, muốn đàm phán và muốn huy động thì phải hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật, không thể huy động khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định. Mặt khác, việc huy động điện phải tùy thuộc vào nhu cầu dùng điện, hay nói khác là phụ tải, nếu chúng ta huy động về mà không có phụ tải thì cũng không huy động để làm gì cả, đó là một thực tế…,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, trong các ngành sản xuất có tốc độ tăng trưởng giảm quý đầu năm, lĩnh vực sản xuất và phân phối điện giảm 1%. Trong đó, điện cho sản xuất công nghiệp nói chung giảm 3,98% trong quý 1/2023 (có 33 tỉnh, thành phố cung cấp điện thấp hơn so với cùng kỳ); điện cho kinh doanh tăng trưởng 17,81% và điện cho sinh hoạt tăng trưởng 4,46%.../.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận