Bộ Công Thương đề xuất 3 cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà
Chiều 4/5, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo tham vấn kỹ thuật Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu.
Hội thảo do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì. Tham dự Hội thảo còn có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, gồm: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Tiết kiệm năng lượng, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty thành viên. Bên cạnh đó, Hội thảo còn có sự tham gia của các lãnh đạo các Hiệp hội, Viện nghiên cứu chính sách về năng lượng, chuyên gia am hiểu về lĩnh vực điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì tại hội thảo ngày 4/5
Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Hiện, Bộ Công Thương đang nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo nghị định về điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định này quy định về phát triển điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Nghị định này cũng quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Mái nhà của công trình xây dựng hiện hữu gồm: Nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh đã được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Các trường hợp không thuộc đối tượng của Nghị định này như sau: Điện mặt trời mái nhà thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Về chính sách, Nghị định này quy định điện mặt trời mái nhà nếu đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Hiện nay, Dự thảo nghị định quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mái nhà mặt trời tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia. Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng. Nội dung này thực hiện theo yêu cầu tại Quy hoạch điện VIII.
ĐMTMN không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Nội dung này, Dự thảo quy định ĐMTMN tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Nội dung này thực hiện theo yêu cầu tại Quy hoạch điện VIII.
Đáng chú ý, Nghị định này cũng quy định cơ chế khuyến khích ĐMTMN tự sản, tự tiêu bao gồm:
Thứ nhất, về cơ chế khuyến khích về kỹ thuật: ĐMTMN tự sản, tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia (nhằm bảo đảm chất lượng điện năng, hoạt động ổn định của thiết bị ĐMTMN và được mua điện từ lưới điện khi ĐMTMN không đáp ứng nhu cầu sử dụng lúc bức xạ mặt trời yếu hoặc ban đêm), tổng công suất tăng thêm đến năm 2030 là khoảng 2.600 MW; khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp ĐMTMN tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện.
Thứ hai, cơ chế khuyến khích về pháp lý: ĐMTMN tự sản, tự tiêu được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. ĐMTMN tự sản, tự tiêu có công suất thuộc kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được xác định là phù hợp với Luật Điện lực. Công trình xây dựng có lắp đặt ĐMTMN tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật về điện lực, đất đai, xây dựng.
Thứ ba, về cơ chế khuyến khích về hành chính: Để đơn giản hoá các thủ tục hành chính khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện phát triển ĐMTMN, đề xuất giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại Dự thảo Nghị định này. Ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.
Toàn cảnh hội thảo
Tại Dự thảo quy định các mẫu đăng ký đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu và trình tự thủ tục đăng ký.
Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu để dự thảo các quy định về trình tự, thủ tục đơn giản nhất cho các tổ chức, cá nhân thực hiện và đảm bảo được sự quản lý của các cơ quan liên quan trong quá trình phát triển ĐMTMN tự sản tự tiêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận