Bộ Công thương đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị điều tra thép nóng nhập khẩu
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, cơ quan chức năng đã nhận hồ sơ của một số doanh nghiệp có đơn yêu cầu xem xét dấu hiệu bán phá giá thép cán nóng tại thị trường Việt Nam, nhưng cần tiến hành các thủ tục theo đúng quy định, đảm bảo công bằng - khách quan; chưa thể khẳng định ngay bây giờ về việc có khởi xướng điều tra cũng như áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hay không…
Cuộc họp báo tại Bộ Công thương, chiều 29-3. Ảnh: VĂN PHÚC
Chiều 29-3, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ quý 1-2024. Tại cuộc họp, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, mới đây một số doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước đã nộp đơn và hồ sơ đề nghị Bộ Công thương xem xét khởi xướng điều tra dấu hiệu một số doanh nghiệp bán phá giá các sản phẩm thép cùng loại, nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Ông Trung cho rằng, đây là vấn đề mới và nóng.
Theo Luật Quản lý ngoại thương, khi doanh nghiệp nhận thấy có dấu hiệu bán phá giá thép nhập khẩu, gây thiệt hại cho nhà sản xuất trong nước thì có quyền nộp hồ sơ yêu cầu cơ quan chức năng xem xét, điều tra, ông Trung khẳng định.
Tuy vậy, chủ trì và điều hành cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, yêu cầu khởi xướng điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là quyền của doanh nghiệp, vì luật cho phép. Nhưng hiện nay lại đang có 2 luồng ý kiến. Trong đó, một luồng ủng hộ việc tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá; nhưng cũng có luồng ý kiến liên quan ngành thép hoặc trong ngành thép lại cho rằng không nên áp dụng.
Song, Bộ Công thương sẽ thực hiện theo đúng các quy định liên quan các bước quy trình, hồ sơ, thủ tục, trong đó có Luật Quản lý ngoại thương… và phải thực hiện đầy đủ các bước nghiên cứu hồ sơ, yêu cầu các bên bổ sung hồ sơ, đánh giá tính hợp lệ. Nếu hồ sơ đầy đủ thì mới có thể tiến hành điều tra với quy trình thực hiện rất chặt chẽ để đảm bảo tính khách quan, chính xác và “kết quả sau quá trình điều tra thì cũng có thể áp dụng hoặc là không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, tùy theo căn cứ, cơ sở thực tế.
“Hiện nay, chúng tôi đang xem xét và yêu cầu các bên cung cấp, bổ sung hồ sơ liên quan vụ việc này”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói và cho biết, thời điểm hiện tại, chưa thể đưa ra được kết luận cuối cùng là có khởi xướng điều tra hay là không khởi xướng điều tra.
Về trình tự và thủ tục, ông Chu Thắng Trung cho biết thêm, theo quy định hiện nay, nếu hồ sơ của doanh nghiệp đã đầy đủ thì quá trình thẩm định hồ sơ sẽ kéo dài 45 ngày, trên cơ sở có căn cứ bán phá giá thì Cục Phòng vệ thương mại sẽ kiến nghị Bộ Công thương khởi xướng điều tra hoặc không khởi xướng điều tra nếu không có đủ căn cứ.
“Sau khi khởi xướng, thời hạn tiến hành điều tra là 2 tháng, trong một số trường hợp có thể kéo dài 6 tháng. Trong quá trình đó, Bộ Công thương sẽ có thông báo để các bên liên quan cung cấp các chứng cứ để Bộ Công thương có thể xem xét một cách toàn diện, khách quan, công bằng, đưa ra biện pháp phù hợp”, ông Trung cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận