Bộ Công Thương chú trọng hỗ trợ kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản miền núi
Nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản miền núi, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện Đề án Đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản đến năm 2030 và Chương trình hỗ trợ phát triển tiêu thụ hàng hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ có nhóm giải pháp để hỗ trợ kết nối cung cầu như xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin cho nông sản vùng đồng bào dân tộc và miền núi; xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên liên tục, có tính điều phối vùng miền.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các mô hình hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; trong đó, đặc biệt quan tâm tới hệ thống phân phối của Bưu điện Việt Nam.
Hiện nay, với mạng lưới gần hàng chục nghìn điểm bưu điện đang trở thành điểm cung ứng hàng hoá thiết yếu và Bộ Công Thương kỳ vọng đây sẽ là điểm thu mua nông sản địa phương để mang về cho các địa bàn khác.
Bên cạnh kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng, Bộ Công Thương còn tập trung kết nối cho doanh nghiệp phân phối, đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, vai trò quan trọng của hệ thống phân phối truyến thống với 2 triệu tiểu thương nằm trong 8.500 chợ truyền thống; trong đó, có hơn 100 chợ truyền thống là chợ đầu mối phân phối nông sản; 1,4 triệu hệ thống cửa hàng tạp hoá có thể huy động để phân phối hàng hoá nông sản. Chính vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các đối tượng này để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá, nông sản có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản địa phương đã được Bộ Công Thương quan tâm và đẩy mạnh từ khi có Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động 2009.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nhiều đề án, chương trình cụ thể và giao cho Bộ Công Thương thực hiện rất nhiều hoạt động hiệu quả; trong đó, có hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản.
Bởi vậy, thời gian qua, hoạt động này đã thu được nhiều kết quả như giúp tiêu thụ cho những tỉnh có sản lượng nông sản lớn như Bắc Giang, Bình Thuận, Quảng Ninh, Sơn La...
Cụ thể gồm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với giải pháp quan trọng là triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn từ 2014 - 2020, hiện nay là giai đoạn 2021 - 2025.
Trong số đó hoạt động kết nối cung cầu là một trong những hoạt động quan trọng nhất được triển khai từ tuyến địa phương, nhất là các Sở Công Thương đến các hiệp hội, ngành hàng, ngành nghề, các tổ chức hiệp hội và các doanh nghiệp.
Ngoài ra, dựa vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia từ 2010 - 2020, hiện nay cũng đã được Chính phủ phê duyệt tiếp giai đoạn 10 năm tới nên hoạt động kết nối cung cầu cả về online và offline đã được triển khai rất tốt, không chỉ tại thị trường trong nước mà còn kết nối online để đưa ra nước ngoài những mặt hàng nông sản để tiếp tục thu về kim ngạch xuất nhập khẩu lớn.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã triển khai rất tích cực là lồng ghép việc tiêu thụ nông sản, kết nối để đưa vào các chương trình bình ổn thị trường của các tỉnh, thành phố. Do vậy, đã có hơn 50 tỉnh, thành phố triển khai được chương trình kết nối cung cầu để đưa hàng nông sản đến các thị trường lớn.
Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, nhờ có Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với chương trình phát triển hàng hóa OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), Bộ Công Thương đã rất tích cực kết nối hàng hóa đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao đưa vào hệ thống phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử để đưa đến thị trường khó tính ở nước ngoài.
Đi liền đó là bước tiến vượt bậc của thương mại điện tử đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ tiêu thụ được nông sản khi mà các chợ truyền thống, hay trung tâm thương mại, siêu thị gặp nhiều khó khăn trong chống dịch COVID-19.
Bộ Công Thương cho biết, bước sang giai đoạn mới, Chính phủ đã quan tâm và phê duyệt được hai đề án mới sẽ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đó là Đề án Đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, hoạt động kết nối cung cầu nông sản là điểm nhấn quan trọng.
Ngoài ra là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn đến năm 2030 và Chính phủ đã giao Bộ Công Thương hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào dân tộc và nhất là khu vực miền núi.
Theo đó, hàng triệu tấn nông sản đã được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Cụ thể như tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hàng trăm nghìn tấn vải thiều trong tình huống khó khăn nhất, kể cả dịch bệnh cũng như tình huống đóng biên biên giới khi đường tiểu ngạch đi lại khó khăn.
Đáng lưu ý, từ một hoạt động do Bộ Công Thương triển khai với sự vào cuộc của một vài doanh nghiệp bán lẻ quen thuộc, đến nay, hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ hàng Việt nói chung và nông sản miền núi nói riêng đã được rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trên cả nước, cả trực tiếp và trực tuyến cùng tham gia.
Qua thời gian triển khai, Bộ Công Thương nhận thấy vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động tiêu thụ nông sản là định hướng được tín hiệu thị trường cho các địa phương cũng như hỗ trợ nông dân, hợp tác xã sản xuất ra mặt hàng nông sản, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, làm thế nào để bảo quản được hàng hoá đi được xa nhất và ít bị hư hao tổn thất nhất.
Hơn nữa, doanh nghiệp có kiến thức rất tốt về quản trị doanh nghiệp, quản trị chuỗi cung ứng gópphần đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý, chất lượng tốt nhất.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn là nhà tập huấn tốt nhất cho nông dân và hợp tác xã biết được phải sản xuất hàng hoá như thế nào sẽ bán được tốt hơn đối với người tiêu dùng Việt Nam và mang đi xuất khẩu. Ngoài ra, cũng chính các doanh nghiệp mới có kỹ năng và khả năng truyền thông tốt nhất đến người tiêu dùng, tới các địa phương, cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng là lực lượng quan trọng nhất để tạo ra những hệ thống phân phối của thị trường trong nước với mặt hàng nông sản trong khuôn khổ triển khai các chương trình đề án cấp quốc gia mà Bộ Công Thương chịu trách nhiệm.
Vì thế, Bộ Công Thương đã đồng hành với nhiều địa phương tổ chức nhiều sự kiện để tiêu thụ và giới thiệu văn hoá cũng như mặt hàng nông sản gắn với bản sắc của từng vùng miền, gắn với văn hoá của đồng bào dân tộc. Đặc biệt là các sản phẩm OCOP gắn với đặc trưng của các vùng miền.
Điều này thể hiện qua nhiều lễ hội xoài, nhãn, vải, cá sông Đà được tổ chức thành công trong các hệ thống bán lẻ như Saigon Coop, Winmart, MM Mega Market và rất nhiều hệ thống khác.
Qua đó, người tiêu dùng đã biết được văn hoá như lịch sử, xuất xứ hàng hoá. Đây là phương thức kích cầu rất tốt với thị trường trong nước cũng như giới thiệu trên các kênh quốc tế, tạo đà cho nông sản miền núi vươn xa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận