24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thúy Quỳnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra những dự án nào liên quan đến bà Trương Mỹ Lan?

TAND TP.HCM giao C03 - Bộ Công an tiếp tục điều tra các dự án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan nằm trong giai đoạn 2 của vụ án và việc này cũng đã được Viện trưởng VKSND Tối cao nhắc đến tại buổi tiếp xúc cử tri tại TP.HCM.

TAND TP.HCM đã niêm yết và công bố bản án sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan trên Cổng thông tin điện tử và Trang thông tin điện tử của TAND TP.HCM.

Đáng chú ý, trong bản án, HĐXX kiến nghị tiếp tục điều tra, giải quyết vụ án.

Tòa giao C03 - Bộ Công an tiếp tục điều tra

Theo đó, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra các phương án, dự án chưa được xử lý trong vụ án này mà bị cáo Trương Mỹ Lan (hoặc các cá nhân, tổ chức cho Trương Mỹ Lan sử dụng) hợp tác, giao kết, giao dịch để xác định đúng bản chất các giao dịch nhằm xác định tài sản và hành vi sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) để có căn cứ xem xét, thu hồi khi giải quyết vụ án trong giai đoạn 2 theo quy định.

Pháp Luật TP.HCM điểm lại một số tài sản liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan bị kê biên trong vụ án cũng như các đề nghị của tòa.

Đối với 658 bất động sản (BĐS) do các Công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, theo HĐXX, xét về bản chất, toàn bộ các tài sản này là của bị cáo Trương Mỹ Lan nên xét cần tiếp tục kê biên, xử lý để thi hành án (THA) cho bị cáo này trong toàn bộ vụ án.

Cụ thể, đối với 76 BĐS tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai đã tiến hành kê biên, HĐXX xét các BĐS này có dấu hiệu liên quan đến hành vi sai phạm của một số người đứng tên hộ tài sản cho bị cáo Trương Mỹ Lan, cần phải tách ra giải quyết trong một vụ án khác nên xét cần tiếp tục kê biên, giao cho C03 - Bộ công an để tiếp tục điều tra làm rõ xử lý sau.

Đối với 475 BĐS liên quan đến Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (gồm 301 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – GCN, 21 Hợp đồng công chứng, 147 Thỏa thuận bồi thường các thửa đất tại xã Phước kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM thuộc Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển và 6 GCN tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM), cần tiếp tục kê biên để đảm bảo việc Công ty Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là gần 2.883 tỉ đồng.

Số tiền này để đảm bảo THA cho bà Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án, nếu hoàn trả đủ thì sẽ nhận lại được toàn bộ các BĐS cùng giấy tờ liên quan nêu trên.

Đối với 16 BĐS tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM (diện tích khoảng 1 ha, thuộc Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển), HĐXX cho rằng cần tiếp tục kê biên và giao C03 – Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ để giải quyết trong giai đoạn tiếp theo của vụ án.

Đối với hai BĐS tại tỉnh Long An, HĐXX cũng tiếp tục kê biên để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cho bà Trương Mỹ Lan.

Đối với căn hộ tại tầng 1 + tầng 2, số 78 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, HĐXX cũng tiếp tục kê biên xử lý tài sản này để thi hành nghĩa vụ cho bà Trương Mỹ Lan.

Đối với nhà đất 75B Trần Tế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM, HĐXX cũng tiếp tục kê biên để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.

Đối với nhà và quyền sử dụng đất (là biệt thự cổ) tại số 100 – 112 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM, HĐXX cũng tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.

Đối với BĐS là tòa nhà số 19-21-23-25 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, HĐXX xét thấy đây là tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan nên cần tiếp tục kê biên để đảm nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo Lan trong vụ án.

Đối với BĐS tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM, HĐXX cũng tiếp tục kê biên để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.

Đối với BĐS (thửa đất số 1 – 755, tờ bản đồ số 10 Sài Gòn Khánh Hội, tại địa chỉ 145-147 Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4, TP.HCM), HĐXX cũng tiếp tục kê biên để đảm bảo thực hiện.

Đối với 18.000.450 cổ phần chiếm 70,59% vốn điều lệ của Công ty CP T&H Hạ Long, 3 BĐS của Công ty CP T&H Hạ Long và 8 BĐS thuộc sở hữu của Công ty Âu Lạc (đều thuộc phường Tuần Châu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), HĐXX tiếp tục kê biên một số tài sản để đảm bảo việc thi hành nghĩa vụ.

Đối với 116.190.200 cổ phần tại Công ty CP địa ốc Đông Á (chiếm 96,84%), HĐXX xét thấy đây thực chất là tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan nên cần tiếp tục kê biên để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ.

Đối với 69,795% cổ phần tại Satsco Miền Nam (tương ứng với 3.036.100 cổ phần), 49% cổ phần tại Satsco Miền Bắc (tương ứng với 291.550 cổ phần), và 49% cổ phần tại Satsco Phú Quốc (tương ứng với 245.000 cổ phần), HĐXX tiếp tục kê biên để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ.

Đối với BĐS (thửa đất số 241, tờ bản đồ số 3, địa chỉ tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), HĐXX tiếp tục kê biên để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ.

Những dự án “đứng hình” của Vạn Thịnh Phát tại TP.HCM

1. Dự án IFC One Saigon

Từng được kỳ vọng là tòa cao ốc biểu tượng của TP.HCM vào năm 2009, thế nhưng Saigon One Tower tọa lạc trung tâm TP chục năm qua vẫn là khối bê tông dở dang.

Chủ đầu tư ban đầu của Saigon One Tower là CTCP Sài Gòn One Tower. Đây là liên danh gồm CTCP M&C, PNJ, Saigontourist, DongA Bank và Công ty TNHH Chứng khoán Đông Á. Dự án được khởi công năm 2007, dự kiến sẽ hoàn thành sau 2 năm.

Tọa lạc tại khu vực giao lộ Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt, quận 1, Sài Gòn One Tower được xem là một trong những dự án có vị trí đắc địa nhất TP.HCM. Dự án được xây dựng trên khu đất 6.672 m2, quy mô 5 tầng hầm, 3 tầng kỹ thuật và 41 tầng cao.

Theo quảng cáo, đây là tổ hợp chung cư, văn phòng và thương mại cao cấp với điểm nhấn là quán bar ngoài trời lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó dự án ì ạch, chủ đầu tư chỉ xây xong phần thô, dở dang thời gian dài.

Đến tháng 8-2017, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã thu giữ dự án Saigon One Tower để xử lý khoản nợ của chủ đầu tư.

Hy vọng hồi sinh dự án Saigon One Tower đến vào năm 2021 khi CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land (Viva Land) bất ngờ xuất hiện với vai trò là đơn vị phát triển dự án. Tên thương mại của dự án cũng được đổi thành IFC One Saigon.

Viva Land là doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan làm chủ.

Đến tháng 8-2022, công trường dự án xuất hiện công nhân thi công trở lại, những chỉ thay lớp kính bên ngoài đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị. Các hạng mục bên trong toà nhà, chủ đầu tư vẫn chưa được thi công do dự án đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Và đến nay, dự án IFC One Saigon vẫn chỉ là khối bê tông nằm phơi nắng mưa.

2. Thuận Kiều Plaza

Thuận Kiều Plaza được xây dựng trên khu đất có diện tích 9.971 m². Công trình gồm ba tháp, mỗi tháp có 33 tầng, trong đó có khu trung tâm thương mại, 648 căn hộ và các công trình tiện ích do Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (trực thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn) và Kings Harmony của Hồng Kông liên doanh xây dựng từ năm 1994 đến 1999. Vốn đầu tư thời điểm đó khoảng 55 triệu USD.

Năm 2015, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã hoàn tất việc mua lại dự án này và tên mới The Garden Mall chính thức được công bố vào ngày 3-11-2017.

Khi dịch COVID-19 xảy ra, chủ đầu tư đã cùng với UBND TP.HCM cải tạo phần lầu 1 và 2 của tòa nhà thành bệnh viện dã chiến với quy mô 1.000 giường để tiếp nhận bệnh nhân. 1.000 giường bệnh chỉ được cải tạo ở khu vực trung tâm thương mại, không liên quan đến các căn hộ ở 3 tòa tháp.

Đến nay, Thuận Kiều Plaza tiếp tục bị bỏ không.

3. Dự án One Central HCM

Dự án One Central HCM là một trong những dự án có vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM khi nằm đối diện chợ Bến Thành và nằm giữa 4 mặt tiền khu tứ giác Bến Thành gồm Phạm Ngũ Lão – Phó Đức Chính – Lê Thị Hồng Gấm – Calmette.

Dự án rộng tới 8.600 m2 và được các đơn vị quảng bá là sẽ xây 2 tòa tháp cao 46 tầng và 57 tầng. Trong đó, Saigon Glory làm chủ đầu tư, Tập đoàn Masterise là đơn vị phát triển dự án còn Newtecons làm tổng thầu thi công. Tòa tháp 56 tầng sẽ bao gồm văn phòng cho thuê và khách sạn. Tòa tháp 47 tầng sẽ bao gồm các căn hộ và dịch vụ cung cấp bởi khách sạn thông qua phần đế, tầng hầm.

Dự án ban đầu có tên gọi The Spirit of Saigon do Bitexco làm chủ đầu tư với số vốn khoảng 500 triệu USD. Dự án được xây dựng tầng tầm trong giai đoạn từ 2012 – 2013. Tuy nhiên, đến tận năm 2021, khi về tay Masterise Homes thì The Spirit of Saigon mới được đổi tên thành One Central HCM.

Sau đó không lâu, đến tháng 8-2022, nhà thầu Newtecons cùng với chủ đầu tư mới là công ty Viva Land (công ty con của Vạn Thịnh Phát) chính thức quản siêu dự án này.

Tuy nhiên, sau biến cố của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, toàn bộ bảng hiệu liên quan đến Viva Land ở dự án này đã bị tháo dỡ và “đứng im” đến nay.

4. Dự án Mũi Đèn Đỏ

Khu đô thị mới Saigon Pennisula (còn được gọi là dự án Mũi Đèn Đỏ) nằm tại ngã ba sông Sài Gòn (quận 7) có diện tích gần 118 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỉ USD được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ký hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để cùng phát triển.

Dự án Saigon Peninsula được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư vào năm 2007. Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 6 tỉ USD (khoảng 144.000 tỉ đồng). Nơi đây sở hữu vị trí đắc địa khi có 2 mặt giáp sông Sài Gòn và sông Soài Rạp, mặt tiền đường Đào Trí.

Sau khi khởi động thì dự án Saigon Peninsula đứng hình. Tháng 6-2017, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Xây dựng nêu lên quan điểm về năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án. Theo đó, chủ đầu tư vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để thể hiện được mình đủ năng lực tài chính thực hiện dự án.

Đầu năm 2022, dự án được Công ty Viva Land (công ty con của Vạn Thịnh Phát) quản lý. Sau đó, website của Viva Land cũng không cung cấp thêm thông tin về siêu dự án này. Hiện dự án vẫn “đứng hình”.

5. Biệt thự cổ 700 tỉ đồng

Căn biệt thự cổ 112 Võ Văn Tần được xây dựng trên khu đất 2.819 m2 theo kiến trúc Pháp cổ, là nhà cấp 2, 3 gồm 2 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 2.000 m2. Khi thị trường bất động sản sôi động, căn biệt thự trên đã được rao bán với giá 47 triệu USD.

Căn biệt thự được bà Trương Mỹ Lan mua lại đã cho trùng tu theo nguyên bản vào năm 2019. Sở Xây dựng TP.HCM đã cấp phép xây dựng cho Công ty Stonewest Limited của Singapore là nhà thầu của công trình. Do căn biệt thự cổ nằm trong danh sách được bảo tồn nên chủ công trình chỉ được trùng tu, sửa chữa nguyên trạng mà không được xây dựng mới.

Tuy nhiên sau đó căn biệt thự cổ vẫn chưa được sửa chữa, trùng tu xong. Hiện biệt thự cổ là một trong số bất động sản bị kê biên trong vụ án bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Những bất động sản “khủng” ở trung tâm TP.HCM

1. Tòa nhà Times Square

Toạ lạc tại số 22-36 Nguyễn Huệ và và 57-69F Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, tòa nhà Times Square của Vạn Thịnh Phát khởi công vào năm 2007, toà cao ốc này có quy mô 3 tầng hầm và 39 tầng nổi, với tổng diện tích xây dựng khoảng 90.000 m2.

Với chiều cao lên tới gần 165m, Times Square là toà nhà cao thứ 6 tại Việt Nam và cũng là tòa nhà thứ 2 của TP.HCM sở hữu bãi đậu trực thăng trên sân thượng.

2. Toà nhà Union Square

Toà nhà Union Square nằm ngay đầu tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, giáp 4 mặt tiền đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn và gần kề với trụ sở HĐND và UBND TP.HCM được Vạn Thịnh Phát mua lại vào tháng 6-2013 với số tiền lên tới 10.000 tỉ đồng.

3. Nhiều khách sạn 5 sao, cao ốc văn phòng

Ngoài ra, tập đoàn Vạn Thịnh Phát còn sở hữu những khách sạn 5 sao tại TP.HCM như khách sạn 5 sao Sherwood Residence cung cấp những căn hộ dịch vụ 2 - 3 phòng ngủ và căn hộ penthouse đường Pasteur (quận 3).

Tập đoàn này còn sở hữu Khách sạn Windsor Plaza (Windsor Plaza Hotel) tọa lạc tại trung tâm quận 5.

Trung tâm mua sắm An Đông Plaza, cũng thuộc Vạn Thịnh Phát, được xây nối liền với khách sạn Windsor Plaza gồm 4 tầng có hơn 1.400 cửa hàng bán lẻ địa phương.

"Về vụ án Trương Mỹ Lan, hiện vụ án này mới đưa ra xét xử một vụ liên quan đến ngân hàng, nhưng liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan thì còn điều tra ít nhất hai vụ án nữa liên quan đến các dự án đầu tư ở các địa phương, mong cử tri tiếp tục theo dõi".

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nói tại buổi tiếp xúc cử tri các quận 5, 8, 11 ở TP.HCM vào ngày 6-5.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả