Bộ Công an đôn đốc việc dẫn độ hàng trăm đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài
Mới đây, Bộ Công an vừa có báo cáo tổng kết thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong hoạt động dẫn độ (giai đoạn 2008-2024) gửi tới Bộ Tư pháp.
Theo báo cáo, tính đến tháng 10 năm nay, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 43 yêu cầu dẫn độ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài gửi đến.
Trong đó đã thực hiện việc dẫn độ cho phía nước ngoài 21 đối tượng; từ chối 7 yêu cầu dẫn độ (vì thời điểm nhận được yêu cầu thì người bị yêu cầu dẫn độ đã bỏ trốn hoặc không có mặt trên lãnh thổ Việt Nam, đã đề nghị phía nước ngoài bổ sung thông tin nhưng không nhận được phản hồi hoặc đã dẫn độ cho quốc gia khác).
Cơ quan chức năng tiếp tục xử lý 15 yêu cầu dẫn độ theo quy định của pháp luật.
Về yêu cầu dẫn độ của Việt Nam, báo cáo của Bộ Công an cho biết công an các đơn vị, địa phương đã đề nghị hướng dẫn lập yêu cầu dẫn độ 128 đối tượng truy nã bỏ trốn ra nước ngoài (thống kê đến tháng 10).
Cụ thể, Bộ Công an cho biết đã lập và chuyển 98 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (70 yêu cầu dẫn độ theo các hiệp định song phương về dẫn độ; 28 yêu cầu dẫn độ theo nguyên tắc có đi có lại).
Đến nay đã dẫn độ được 16 đối tượng về Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Công an. Phía nước ngoài từ chối dẫn độ 18 đối tượng; kết thúc 2 yêu cầu dẫn độ do đối tượng bị yêu cầu dẫn độ đã chết hoặc bị bắt giữ khi quay trở về Việt Nam.
"Bộ Công an đang tích cực đôn đốc phía nước ngoài xem xét, giải quyết các yêu cầu dẫn độ với các đối tượng còn lại", báo cáo thông tin.
Tính đến tháng 10 năm nay, Việt Nam là thành viên của 22 điều ước quốc tế, 10 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ và 18 hiệp định song phương về dẫn độ.
Báo cáo đánh giá Bộ Công an đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên. Số lượng các yêu cầu dẫn độ trên cơ sở điều ước quốc tế đã giải quyết thành công chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các yêu cầu dẫn độ đã tiếp nhận và gửi đi.
"Việc tăng cường ký kết và áp dụng các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ là yêu cầu tất yếu nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác này. Trên thực tế, các điều ước quốc tế nói chung và các hiệp định về dẫn độ nói riêng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề không tương thích về pháp luật giữa các quốc gia, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia có thể căn cứ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ hợp tác trong hoạt động dẫn độ", Bộ Công an phân tích.
Vì vậy, Bộ Công an cho rằng tăng cường ký kết và áp dụng các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ đã, đang và sẽ là yêu cầu tất yếu nhằm củng cố cơ sở pháp lý hợp tác cho hoạt động này.
Việc hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật trong nước liên quan đến dẫn độ nhằm phù hợp với các công ước quốc tế, điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên là rất cần thiết, theo đánh giá của Bộ Công an.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận