Bloomberg: Việt Nam là nơi tránh bão chiến tranh thương mại
Giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang, một số quốc gia bỗng tỏa sáng như những nơi trú ẩn trước cơn bão này.
Việt Nam – được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập tới trong một dòng tweet trong ngày thứ Hai (13/05) – bỗng trở thành nơi có thành quả tốt hơn các quốc gia mới nổi khác, chỉ số VN-Index giảm chỉ 2%, thấp hơn mức 5% của chỉ số thị trường mới nổi trong tuần trước.
Brazil và Ukraine cũng được xem là quốc gia hưởng lợi từ cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi nhà đầu tư tìm kiếm các kênh trú ẩn an toàn trước chiến tranh thương mại và né tránh đà giảm mạnh trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
“Đừng xem các thị trường mới nổi là một khối mà hãy tách biệt ra đôi chút”, Alexander Wolf, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư khu vực châu Á tại JPMorgan Private Bank, nhận định. Số phận của nhà sản xuất hàng hóa và công ty xuất khẩu hàng hóa cũng sẽ khác nhau, và những quốc gia có nền kinh tế gắn liền với mạng lưới sản xuất công nghiệp toàn cầu cũng sẽ khác, ông nói.
Chứng khoán Mỹ và thị trường hàng hóa rớt mạnh trong ngày thứ Hai (13/05), đồng thời chứng khoán và tiền tệ của thị trường mới nổi cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019, sau khi Trung Quốc nâng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhằm đáp trả lại động thái nâng thuế của Washington trong tuần trước. Chứng khoán Mỹ tíc tắc rút khỏi mức đáy trong phiên sau khi Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6/2019 và cho biết ông vẫn chưa quyết định về việc áp thuế bổ sung lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Có thể cho là tác động tiềm ẩn từ việc nâng thuế và đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu sẽ tác động mạnh nhất tới những nền kinh tế gắn liền với động cơ tăng trưởng của Trung Quốc. Ngay cả là vậy, đậu nành ở Brazil, lúa mì ở Ukraine và lao động giá rẻ ở Việt Nam bỗng nhiên thu hút rất nhiều sự chú ý.
Việt Nam
“Nhiều công ty bị áp thuế sẽ rời Trung Quốc để đến Việt Nam và các quốc gia châu Á khác”, Tổng thống Mỹ Donald Trump tweet. “Đó là lý do tại sao Trung Quốc muốn một thỏa thuận đến vậy”.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Mỹ sẽ gia tăng vì “hoạt động sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng thấp”, Nader Naeimi, Chuyên gia quản lý quỹ tại AMP Capital Investors, cho hay.
Kim ngạch xuất khẩu tới Mỹ đạt mức 49.2 tỷ USD trong năm 2018, cao hơn mức 46.5 tỷ USD của năm 2017, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg.
Brazil
Brazil có lợi thế là nhà xuất khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, theo ông Wolf của JPMorgan. Giá của hợp đồng đậu nành Brazil tăng vọt trong tuần trước, khi căng thẳng thương mại làm dấy lên suy đoán nhu cầu từ Trung Quốc dần gia tăng.
Ukraine
Tình hình đang rất thuận lợi cho Ukraine sau khi họ đồng ý chương trình từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), theo Per Hammarlund, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường mới nổi tại SEB AB ở Stockholm.
Quốc gia Đông Âu này – vốn đứng đầu về xuất khẩu nhiều mặt hàng, bao gồm hạt giống hoa hướng dương, bắp ngô và lúa mì – có khả năng “gia tăng theo chu kỳ về xuất khẩu nông sản trong vài tháng tới và nhu cầu từ Trung Quốc gia tăng”, Hammarlund cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận