24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hùng Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bloomberg: Người dân Bắc Giang đổi đời nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

Cách đây chưa lâu, tỉnh Bắc Giang còn là một khu vực nghèo nhất của Việt Nam, chủ yếu sản xuất gạo, quả vải và gà đồi. Đó là trước khi chuỗi cung ứng của ngành công nghệ toàn cầu bắt đầu đảo hướng.

Hiện nay, các quan chức tại vùng nông thôn phía Bắc Hà Nội này thường xuyên tiếp những đại diện của những công ty công nghệ lớn như Apple hay Hon Hai Precision (còn gọi là Foxconn). Vốn đầu tư nước ngoài vào Bắc Giang gần như tăng gấp đôi hàng năm – thậm chí trong đại dịch Covid-19 – và tỉnh dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm nay, tăng gấp 10 lần so với cách đây 6 năm. Người dân của tỉnh đổi những chiếc xe máy đầy vết bẩn sang những chiếc xe mới cóng, một số thậm chí lái xe SUV Toyota hay chiếc sedan hiệu Mercedes trên những con đường mới.

"Hiện tại, mọi thứ cứ như là thiên đường vậy, đó là nhờ có các nhà máy", ông Nguyễn Văn Lành nói với Bloomberg. Người đàn ông 64 tuổi này từng không có tiền mua thịt cho bữa ăn, nhưng giờ gia đình ông đã xây được phòng trọ để cho công nhân thuê sau một thời gian làm trong nhà máy. Một người họ hàng của ông Lanh hành nghề cho công nhân vay tiền giờ đã vi vu trên chiếc Mercedes.

Sự bùng nổ mạnh mẽ ở Bắc Giang làm nổi bật những thay đổi ngoại mục mà chuỗi cung ứng toàn cầu có thể mang lại cho những khu vực trước kia từng tụt hậu. Khả năng thu hút những ngành sản xuất tinh vi hơn của Việt Nam đang được đẩy cao giữa lúc chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao, thương chiến Mỹ-Trung, và những trở ngại về logistics trong bối cảnh dịch Covid-19.

Chuyển hướng

Trong thời hậu chiến tranh, Việt Nam mở cửa biên giới chào đón nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy hoạt động thương mại. Khi đó, Bắc Giang vẫn còn nghèo. Vào năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh này mới chỉ đạt 650 USD/năm, bằng một nửa mức trung bình toàn quốc. Hiện nay, Bắc Giang đang tận hưởng thời kỳ bùng nổ đầu tiên, với thu nhập bình quân đầu người được dự báo đạt 3,000 USD trong năm 2020.

Các công ty sản xuất đang gõ cửa các tỉnh phía Bắc của Việt Nam và cam kết đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng cơ sở sản xuất, trong đó có Samsung Electronics. Tại đây, tập đoàn công nghệ Hàn Quốc sản xuất một nửa sản lượng điện thoại thông minh. Petragon, đối tác lắp ráp của Apple, lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Hải Phòng, nối đuôi một số nhà cung ứng khác của "táo khuyết" chuyển sản xuất tới Việt Nam. Gần đây, Apple đã đăng tuyển nhân sự ở Việt Nam, bao gồm một kỹ sư chất lượng, nhà quản trị chuỗi cung ứng, và nhân viên quan hệ với cơ quan quản lý.

Tại thời điểm này, các khoản đầu tư từ các nhà cung ứng thiết bị điện tử tiếp tục rót vào đất nước hình chữ S, khi các lĩnh vực khác gặp khó khăn giữa đại dịch. Doanh thu du lịch của việt Nam đã giảm 50%, trong khi các nhà máy hàng may mặc và hàng hóa khác đang sa thải hàng chục ngàn nhân công khi hoạt động xuất khẩu chững lại.

Bloomberg: Người dân Bắc Giang đổi đời nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu
Một khách sạn đang trong quá trình xây dựng tại Việt Yên

Chi phí thấp, chính trị ổn định, các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, hạ tầng ngày càng cải thiện và các biện pháp hỗ trợ các startup công nghệ của Chính phủ là những yếu tố làm nên sức hút của Việt Nam, Gene Tyndall, Chuyên gia về chuỗi cung ứng của eMATE Consulting có trụ sở ở Atlanta, Mỹ, nhận định.

Tại trung tâm tỉnh Bắc Giang, đường 1 làn xe giờ đã bị thay thế bởi đường 6 làn. Hơn 20 khu công nghiệp được đề xuất thành lập. Trong 9 tháng đầu năm nay, Bắc Giang đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10.9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức 2.12% của cả nước.

"Chúng tôi đang dựa vào sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Nguyễn Đại Lượng, Phó chủ tịch huyện Việt Yên, Bắc Giang, cho hay. Được biết, 4 trong số 5 khu công nghiệp đang hoạt động của Bắc Giang đều đặt ở Việt Yên. Tốc độ dịch chuyển của các nhà sản xuất tới Bắc Giang tăng vọt từ năm 2016 khi các công ty rót 3.8 tỷ USD vào tỉnh này, tăng gấp 4 lần so với trong khoảng thời gian 4 năm trước đó.

Chính phủ Việt Nam đang xây dựng cảng đường thủy nội địa để vận chuyển các bộ phận, phụ tùng linh kiện và cấp đất để xây dựng nhà ở cho công nhân (theo yêu cầu của Apple) ở gần khu phức hợp 16 hécta của Luxshare Precision Industry – nhà sản xuất AirPods lớn nhất thế giới, ông Lương cho biết.

Bloomberg: Người dân Bắc Giang đổi đời nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu
Cơ sở sản xuất của Luxshare tại khu công nghiệp Vân Trung

Hiện Bắc Giang đã gần đạt mức toàn dụng nhân công, trong đó người dân ở các tỉnh lân cận cũng đổ tới Bắc Giang để tìm việc làm tại các nhà máy như Luxshare. Tập đoàn Trung Quốc này dự kiến sẽ tuyển 20,000 công nhân trong 4 tháng cuối năm, nâng tổng số công nhân tại nhà máy ở Việt Yên lên 47,000, ông Lượng chia sẻ. Tại các nơi khác trong tỉnh, Luxshare sử dụng 12,000 lao động nữa.

Lương cao hơn

Thu nhập sau thuế của công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp thiết bị điện tử có thể lên tới khoảng 5,500 USD/năm, bao gồm phụ cấp làm thêm giờ và tiền thưởng, cao hơn mức lương bình quân của lao động toàn quốc là dưới 3,000 USD/năm, ông Lượng cho biết.

Nguyễn Thị Hà, 22 tuổi, từng làm phụ hồ trước khi trở thành công nhân nhà máy lắp ráp hàng điện tử với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. "Trước đây, tôi chỉ kiếm được một nửa thu nhập hiện tại dù phải chịu nắng và đôi khi là mưa", Hà nói.

Những nhà hàng như Lão Chư Quán đón phần lớn là công nhân. "Họ chi tiêu phóng khoáng”, Nguyễn Thị Ly, 26 tuổi, quản lý nhà hàng này, cho biết. Gia đình của Ly giờ đây đã tậu được một chiếc xe hơi Mazda và 5 chiếc xe máy mới. Từ cảnh gần như không có gì trước khi nhà máy đến, giờ đây cuộc sống của Ly đã phất lên. “Đời sống của chúng tôi đã thay đổi, thật tuyệt vời”.

Đà tăng trưởng đột ngột cũng có cái giá của nó: Công nhân làm trong dây chuyền lắp ráp thiết bị điện tử chịu áp lực rất lớn. Hoàng Phương Duy (30 tuổi) tham gia vào một cuộc đình công trong tháng 9/2020 tại Luxshare, từ đó dẫn tới sự xung đột giữa người lao động và những giám sát viên không biết nói tiếng Việt.

Ông duy nói Công ty nhanh chóng giải quyết xung đột để chiều lòng người lao động. “Làm việc trong dây chuyền lắp ráp thật sự rất khổ”, ông nói. “Chúng tôi luôn luôn phải thật nhanh nhẹn và tập trung cao độ trong nhiều giờ làm việc”.

Thách thức của Việt Nam trong thời gian tới là đảm bảo rằng giáo dục cần được cải thiện để đất nước không bị rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" một khi các nhà máy rời đi, bởi kiểu gì cũng đến lúc chi phí tăng lên và nền kinh tế đòi hỏi phát triển theo hướng kỹ năng cao, Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế học về phát triển Scott Rozelle thuộc Đại học Stanford.

Giáo dục chất lượng cao cho thế hệ tương lai chính là giấc mơ của người dân Bắc Giang như ông Lành, người chủ nhà trọ ở đầu câu chuyện này. Khi bé, ông Lành thường chèo thuyền thúng đi gặt lúa giữa những cánh đồng ngập nước mà giờ đây trở thành nơi xây nhà máy.

"Trước đây, chúng tôi gần như chẳng có gì để ăn và cũng chẳng có áo để mặc", ông Lành kể về thời thơ ấu. Nhìn đến cô cháu gái 3 tháng tuổi, ông nói thêm: "Con bé sẽ được ăn ngon mặc đẹp. Chúng tôi sẽ cho nó học đại học để có nhiều cơ hội hơn ông bà, cha mẹ".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả