Bloomberg: "Cơn ác mộng suy thoái" vẫn chưa buông tha nước Mỹ
Chính phủ Mỹ đã thoát đóng cửa vào phút chót nhưng Bloomberg Economics vẫn nhận thấy loạt rủi ro phía trước, từ đình công kéo dài của công nhân ngành ô tô tới lãi suất và giá dầu cao hơn...., đều có thể đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Khi mọi người mong chờ một cú hạ cánh nhẹ nhàng, họ cần chuẩn bị sẵn sàng cho một cú va chạm. Một mùa hè mà lạm phát có xu hướng giảm xuống, việc làm dồi dào và người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu đã củng cố niềm tin, đặc biệt là tại FED, rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tránh được suy thoái.
Một thỏa thuận vào phút chót nhằm tránh việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa tạm thời đẩy lui rủi ro trước mắt nhưng không có nghĩa đã xóa bỏ hoàn toàn trong tương lai. Chỉ trong 45 ngày nữa, khi thỏa thuận chi tiêu tạm thời hết hiệu lực, nước Mỹ lại phải tìm ra tiếng nói chung để ngăn Chính phủ phải đóng cửa – yếu tố có thể dễ dàng lấy đi 1 điểm phần trăm khỏi mức tăng trưởng GDP trong quý IV.
Trong khi đó, đình công ở ngành ô tô cũng trở thành nỗi lo với nước Mỹ. Những cú sốc khác cũng đang trực chờ, từ việc suy giảm tiết kiệm đến lãi suất cao, giờ đây là giá dầu tăng cao….
Chuỗi tác động dây chuyền này đủ để đẩy nước Mỹ vào suy thoái ngay trong năm nay. Và đây là những lý do khiến Bloomberg Economics tin rằng suy thoái kinh tế vẫn ám ảnh nước Mỹ.
Tung hô “hạ cánh mềm” luôn đạt đỉnh ngay trước suy thoái
“Rất có thể, nền kinh tế Mỹ sẽ có một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng”, Chủ tịch FED San Francisco thời điểm đó, bà Janet Yellen, nói vào tháng 10/2007 – chỉ 2 tháng trước khi suy thoái kinh tế bắt đầu. Không chỉ có bà Yellen, người sau này trở thành Chủ tịch FED và hiện đang là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, tỏ ra lạc quan khi đó. Và có một điểm chung, khi sự đồng thuận về hạ cánh mềm thường đạt đỉnh điểm ngay trước khi nền kinh tế suy thoái.
Biểu đồ dưới đây cho thấy mật độ xuất hiện của “hạ cánh mềm” trên báo chí, truyền thông và thời điểm xảy ra suy thoái trong vài thập niên trở lại đây.
Số từ "hạ cánh mềm" luôn được nhắc tới với số lượng kỷ lục trên báo chí, truyền thông ngay trước khi suy thoái xảy ra. Hiện tại, mức độ xuất hiện của "hạ cánh mềm" đang đạt đỉnh trong nhiều thập niên trở lại đây.
Lãi suất của FED có tác động mạnh
Milton Friedman có câu nói nổi tiếng: “Chính sách tiền tệ vận hành với một độ trễ kéo dài và nhiều biến số”. Biến số có thể không chỉ đề cập đến sự khác biệt giữa cuộc suy thoái này với cuộc suy thoái khác mà còn liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế trong một chu kỳ.
Những người lạc quan về hạ cánh mềm chỉ ra rằng chứng khoán đã có một năm tốt đẹp, ngành sản xuất đã chạm đáy còn giá nhà ở đang tăng trở lại. Vấn đề ở chỗ đây là những lĩnh vực có độ trễ “ngắn nhất” với chính sách tiền tệ của FED.
Điều đó có nghĩa là mức tăng lãi suất của FED chỉ có thể được nền kinh tế cảm nhận rõ nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024. Như vậy, còn quá sớm để nói rằng nền kinh tế Mỹ đã vượt bão thành công.
FED đã tạm dừng tăng lãi suất trong những lần điều chỉnh gần đây nhưng vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong phần còn lại của năm.
Trong khi đó, chính FED cũng để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2023 và giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài.
Những cú sốc liên tiếp
Cả giá dầu và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đều đang ở mức đỉnh của năm 2023.
Bloomberg Economics ước tính cứ mỗi tuần ngừng hoạt động sẽ làm giảm khoảng 0,2 điểm phần trăm khỏi tăng trưởng GDP hàng năm của Mỹ. Trong khi đó, chỉ phần lớn, chứ không phải tất cả, sẽ được phục hồi sau khi chính phủ mở cửa trở lại.
Thành Hưng
______________________________________________________________________________
Nguồn: Investing
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận