[BizDEAL] Quỹ đầu tư của Singapore “bơm” 500 triệu USD vào chuỗi bán lẻ của Vingroup
GIC cũng đang sở hữu cổ phần tại một loạt doanh nghiệp đầu ngành đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam như Vietcombank, Vinhomes, Masan Group, Vietjet Air, Vinamilk, FPT, PAN Group…
Quỹ GIC của Singapore rót thêm 500 triệu USD vào chứng khoán Việt Nam
Các quỹ, đứng đầu là Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) mới đây đã thông báo đạt được thỏa thuận với CTCP Tập đoàn Vingroup (mã VIC) về việc đầu tư 500 triệu USD (11.600 tỷ đồng) để sở hữu một lượng cổ phần thiểu số tại CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM.
Sau giao dịch, Tập đoàn Vingroup vẫn nắm giữ lượng cổ phần chi phối tại VCM, theo thông báo của GIC. Tỷ lệ sở hữu và mức giá trong thương vụ này hiện chưa được tiết lộ cụ thể.
Về phần GIC, trước khi đầu tư vào hệ thống VinMart và VinMart+, nhóm quỹ này cũng đã chi 1,3 tỷ USD để sở hữu cổ phần và cho vay một công ty con khác của Vingroup là CTCP Vinhomes (mã VHM).
Bên cạnh đó, GIC còn đang sở hữu cổ phần tại một loạt các doanh nghiệp đầu ngành đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam như Vietcombank, Vinamilk, FPT, Masan Group, Vietjet Air, PAN Group…
Chốt lời đúng đỉnh hơn 14 triệu cổ phiếu SIP, một cổ đông “bỏ túi” 1.600 tỷ đồng
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP) đã hoàn tất bán ra 14,35 triệu cổ phiếu SIP trong khoảng thời gian từ ngày 9/8 – 5/9/2019, qua đó giảm sở hữu từ 22,15% xuống còn 1,37% và không còn là cổ đông lớn.
Trên thị trường, sau khi lên sàn UpCOM ngày 6/6/2019, cổ phiếu SIP đã tạo nên “cơn sốt” khi liên tục tăng sốc, thậm chí có thời điểm leo lên mức gần 140.000 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 8 lần so với thời điểm chào sàn.
Trong thời gian cổ đông này thực hiện bán ra, cổ phiếu SIP thường xuyên giao dịch quanh vùng đỉnh. Ước tính, ông Tùng có thể bỏ túi khoảng 1.600 tỷ đồng nhờ chốt lời số lượng lớn cổ phiếu này.
Đáng chú ý, trong cùng khoảng thời gian này, giao dịch khớp lệnh cổ phiếu SIP diễn ra khá chậm với thanh khoản bình quân chưa đến 100.000 đơn vị/phiên. Trong khi đó, giao dịch thỏa thuận sôi động hơn với nhiều phiên “trao tay” lên đến hàng triệu cổ phiếu.
Nhiều khả năng, số cổ phiếu chiếm tới 20,78% lượng cổ phiếu lưu hành được bán ra lần này bởi ông Tùng đã được “sang tay” cho một hoặc một vài nhà đầu tư khác.
SBT hồi nhẹ từ đáy, một cổ đông muốn “bạo chi” mua 35 triệu cổ phiếu
Bà Huỳnh Bích Ngọc, Thành viên HĐQT đã đăng ký mua 35 triệu cổ phiếu SBT của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar – mã SBT) nhằm mục đích đầu tư cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh từ 17/9 – 16/10/2019.
Nếu giao dịch thành công, bà Huỳnh Bích Ngọc sẽ nâng sở hữu tại TTC Sugar từ 15,55 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,65%) lên mức 50,55 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8,62%) và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.
Hiện tại, TTC Sugar có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 66,54% lượng cổ phiếu lưu hành trong đó CTCP Đầu tư Thành Thành Công là cổ đông lớn nhất với 30,18% cổ phần. Cá nhân bà Đặng Huỳnh Ức My, con gái bà Huỳnh Bích Ngọc cũng là cổ đông lớn trực tiếp nắm giữ 12,29% cổ phần tại TTC Sugar.
Trước đó, bà Huỳnh Bích Ngọc đã được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT TTC Sugar từ ngày 12/7. Hiện, bà còn là Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn TTC và Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thành Thành Công.
Đáng chú ý, thời điểm cá nhân này đăng ký mua vào, cổ phiếu SBT đang trong nhịp hồi sau thời gian dài dò đáy. Kết thúc ngày 12/9, cổ phiếu này đã leo lên mức 17.100 đồng/cổ phiếu, tăng gần 7% so với đáy nhưng vẫn thấp hơn 18% so với mức giá cao nhất ghi nhận từ đầu năm.
Tạm tính tại mức thị giá hiện tại, bà Huỳnh Bích Ngọc sẽ phải chi gần 600 tỷ đồng nếu muốn mua đủ số cổ phiếu đăng ký.
“Sang tay” 10% cổ phần tại Taseco Air (AST) cho quỹ ngoại, Taseco thu về gần 284 tỷ đồng
CTCP Dịch vụ Hàng không Thăng Long (Taseco) đã hoàn tất bán ra 4,5 triệu cổ phiếu AST của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Air) trong 2 ngày 06/9 và 11/9/2019. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận với tổng giá trị lên đến gần 284 tỷ đồng, bên mua là quỹ ngoại Stic Pan-Asia 4th Industry Growth Private Equity Fund.
Sau giao dịch, Taseco đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 60,83% xuống còn 50,83%, tương ứng 22,875 triệu cổ phiếu, vẫn là cổ đông lớn nhất tại Taseco Air. Ở chiều ngược lại, Stic Pan-Asia 4th Industry Growth Private Equity Fund đã chính thức trở thành cổ đông lớn thứ 4 của Taseco Air với 10% cổ phần.
Ngoài ra, Taseco Air còn 2 cổ đông lớn khác là 2 quỹ ngoại thuộc PENM Germany (III & IV) với cùng 16,09% cổ phần, tương ứng 7,24 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, sau nhiều sóng tăng mạnh, cổ phiếu AST hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh 67.000 đồng/cổ phiếu. So với vùng đáy hồi cuối tháng 1/2019, thị giá AST đã tăng gần 37%, vốn hóa thị trường cũng theo đó vượt hơn 3.000 tỷ đồng.
Liên tục giảm sở hữu, PYN Elite Fund không còn là cổ đông lớn của Nam Long Group
Quỹ ngoại PYN Elite Fund đã hoàn tất bán ra 2 triệu cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long trong ngày 5/9 qua đó giảm sở hữu xuống hơn 10 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,39% và không còn là cổ đông lớn.
Theo báo cáo cập nhật đến 30/8, PYN Elite đang quản lý khối tài sản 408 triệu EUR trong đó NLG là khoản đầu tư lớn thứ 8 trong danh mục với tỷ trọng 3,49% và là cổ phiếu bất động sản lớn thứ 3 chỉ sau KDH và CEO. Tuy nhiên thời gian gần đây, quỹ ngoại này lại có xu hướng giảm dần sở hữu tại Nam Long Group.
Ngoài PYN Elite, nhiều cổ đông nội bộ và người có liên quan cũng có động thái bán bớt cổ phiếu NLG.
Trên thị trường, cổ phiếu NLG đang có nhịp tăng khá mạnh từ đầu năm 2019. Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/9, cổ phiếu này đã leo lên mức 28.700 đồng/cổ phiếu, tăng 25% trong 8 tháng. Tạm tính tại mức thị giá này, vốn hóa của Nam Long Group vào khoảng 7.100 tỷ đồng.
Cổ phiếu NVT tăng 60% sau 1 năm, cổ đông lớn nhất muốn thoái bớt vốn để trả nợ
Recapital Investment Pte.Ltd đã đăng ký bán 21,72 triệu cổ phiếu NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay với mục đích thanh toán khoản vay. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh trong khoảng thời gian từ 16/9 – 15/10/2019.
Trong cơ cấu cổ đông hiện tại, Ninh Vân Bay có 2 cổ đông lớn đều là các nhà đầu tư nước ngoài. Recapital Investment Pte.Ltd hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ 35,87% cổ phần trong khi Belton Investments Ltd sở hữu 7,07% vốn.
Nếu giao dịch thành công, Recapital Investment Pte.Ltd sẽ giảm sở hữu xuống còn 10,74 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 11,87% cổ phần và vẫn là cổ đông lớn.
Trên thị trường, cổ phiếu NVT đang dừng ở mức 8.760 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 23% so với đỉnh nhưng vẫn cao hơn tới 60% so với thời điểm cách đây một năm. Tạm tính tại mức thị giá này, Recapital Investment Pte.Ltd có thể thu về hơn 190 tỷ đồng nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận