BIS: Các ngân hàng trung ương đang đối mặt với sức ép lạm phát lớn
Xung đột Nga - Ukraine đang làm trầm trọng thêm những vấn đề mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt như chi phí năng lượng tăng đẩy lạm phát ngày càng cao.
Giám đốc bộ phận kinh tế và tiền tệ tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), được mệnh danh là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương, ông Claudio Borio cho biết cuộc chiến “đã làm gia tăng mạnh những bất ổn kinh tế” và diễn tiến của nó sẽ trở thành nhân tố chi phối, ảnh hưởng đến các thị trường.
Ông Claudio Borio nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đó, thách thức của các ngân hàng trung ương ngày càng trở nên phức tạp hơn khi áp lực lạm phát gia tăng ngay cả khi triển vọng tăng trưởng đã yếu đi”.
Giá năng lượng đã tăng vọt liên quan đến căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu do lo ngại nguồn cung từ Nga ngày càng giảm hoặc bị cắt hoàn toàn. Giá dầu thô Brent đã lên tới 100 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014, trong khi giá khí đốt tự nhiên TTF của Hà Lan cũng tăng hơn 30% trong phiên giao dịch ngày 28/2.
Lạm phát tăng vọt đã đặt ra nhiều vấn đề đối với các ngân hàng trung ương về việc có nên tăng lãi suất hay không và tăng đến mức nào khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi các biện pháp hạn chế để chống đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ.
Mặc dù BIS không bình luận về các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine, phát ngôn viên của ngân hàng hoạt động như tổ chức trung lập, có trụ sở tại Thụy Sĩ này, bà Jill Forden cho biết BIS sẽ tuân theo các lệnh trừng phạt Nga.
Trước đó, ông Fabio Panetta, thành viên hội đồng điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ECB nên có phản ứng thận trọng đối với sự bất ổn kinh tế liên quan đến tình hình Nga - Ukraine, do cuộc xung đột này có nguy cơ làm gia tăng lạm phát và kìm hãm tăng trưởng trong Khu vực đồng euro (Eurozone).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận