24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bình tĩnh đón nhận chuỗi cung ứng mới

Cũng trong đại dịch này, chuỗi cung ứng đã xuất hiện cái mới, đó là sản phẩm thay đổi, điển hình như câu chuyện về khẩu trang.

Những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các nước ASEAN đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Do đó, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nhanh chóng chuyển hướng sản xuất hoặc chọn chuỗi cung ứng mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. TS. Võ Trí Thành - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam - đã trao đổi xung quanh vấn đề này.

Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam được đánh giá đã thể hiện khả năng phản ứng mau lẹ, kịp thời với đại dịch cũng như năng lực gắn kết, phối hợp chính sách và hành động giữa các thành viên, phù hợp với chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN: “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Xin ông cho biết nhận định về vấn đề này?

Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang thể hiện là thành viên trách nhiệm, chủ động, tích cực và có khả năng phản ứng mau lẹ, kịp thời. Điều này thể hiện ở 4 điểm: Thứ nhất, ứng phó trước đại dịch Covid-19. Ngay từ khi dịch xuất hiện đầu năm 2020, Việt Nam đã tổ chức các cuộc họp cấp cao và ASEAN+1 để hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm xử lý dịch bệnh, bước đầu có hiệu quả nhất định.

Thứ hai, với tinh thần vừa chống dịch, vừa giảm tác động tiêu cực của dịch đối với sản xuất, kinh doanh. Thông qua các đề xuất, sáng kiến, Việt Nam, trong đó có Bộ Công Thương, đã thể hiện vai trò duy trì, kết nối, giảm thiểu tác động đứt gãy chuỗi cung ứng trong khu vực và thế giới. Đồng thời, đề xuất, đưa ra các giải pháp để các nước ASEAN hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm, từng bước giảm tác động bất lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi nước thành viên và cả khu vực.

Bình tĩnh đón nhận chuỗi cung ứng mới
TS. Võ Trí Thành - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương

Thứ ba, Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển bền vững, tích cực triển khai các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là chủ đề được các nước đồng thuận, chia sẻ.

Thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số trong ASEAN. Trước đó, ASEAN đã triển khai phát triển thương mại điện tử; nay với sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, bùng nổ của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, chuyển đổi số đã được thúc đẩy rất mạnh. Việt Nam đã tạo động lực thu hút, lôi cuốn sự quan tâm của thành viên và các nước cũng hồ hởi tham gia chủ đề này.

Được biết, hiện nay, ASEAN và các đối tác đang nỗ lực hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay. Theo ông, hiệp định này sẽ mang lại những lợi ích nào cho DN?

Hiệp định RCEP đã “trễ hẹn” 5 năm. Tuy nhiên, đến nay đang có sự tiến triển tốt, khả năng cuối năm 2020 sẽ được ký kết, dù không có sự tham gia đầy đủ của 16 thành viên. Trong bối cảnh “va đập” địa chính trị, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ, dân túy nổi lên… việc ký kết RCEP như biểu tượng rất quan trọng của ASEAN và đối tác. Điều này khẳng định rằng, tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư không thể đảo ngược. Mặt khác, hiệp định này cũng là “hạt giống” tích cực đối với liên kết kinh tế, hội nhập của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về tác động của RCEP, đây là hiệp định lớn nhất từ trước đến nay, xét về quy mô thương mại và dân số của 16 nước. Cùng với tự do hóa thương mại, khi “sân chơi” lớn càng mở rộng, càng thuận lợi trong tiếp cận thị trường, tác động của RCEP càng lớn, do các nước ASEAN hầu hết đều có hiệp định thương mại tự do riêng với đối tác (ASEAN+1). Bên cạnh đó, khu vực ASEAN và 6 nước thành viên là khu vực phát triển nhất trên thế giới về sản xuất, tham gia sâu nhất vào chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu, tạo thuận lợi lớn đối với dịch chuyển hàng hóa và chuỗi mạng lưới sản xuất vận hành hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cùng với mở rộng tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, hiệp định này cũng gắn liền với việc mở rộng đầu tư và các vấn đề về hợp tác cạnh tranh, phát triển, nâng cao năng lực cho DN vừa và nhỏ.

Thời điểm hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục tác động đến chuỗi cung ứng. Theo ông, DN cần làm gì để có sự kết nối và duy trì chuỗi cung ứng trong thời dịch và hậu dịch?

Tác động tiêu cực của đại dịch này khác so với các cuộc khủng hoảng trước, đó là chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Điều này đặt vấn đề, làm thế nào khôi phục được chuỗi cung ứng. Mặc dù có sự hỗ trợ của nhà nước, khu vực, nhưng từ góc độ DN, cần nhìn vào sự vận hành của chuỗi cung ứng.

Trước hết, nguồn cung ứng đó đủ hay không? Thứ hai, dịch chuyển trôi chảy hay không? Thứ ba, có đầu ra thị trường hay không? Thứ tư, cùng với dịch chuyển hàng hóa là dịch vụ kết nối, trong đó bao gồm cả người lao động tham gia vào chuỗi cung ứng. Khi nhìn nhận rõ sự vận hành này, các DN sẽ nắm bắt tốt hơn về câu chuyện đầu ra - đầu vào, từ đó có sự chuyển hướng về thị trường, đối tác. Ngoài ra, DN cũng cần chú ý đến khi dịch được khống chế tốt, hay sự nới lỏng của một quốc gia, phải ngay lập tức bám theo và quay trở lại. Câu chuyện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc là một ví dụ điển hình, giai đoạn đầu và giai đoạn sau hoàn toàn khác nhau.

Dù không trực tiếp cùng dịch vụ kết nối, song vai trò của chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, quản trị online lại rất quan trọng. Cho nên, DN cần lưu ý về chuyển đổi số và thương mại điện tử để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Nhiều DN đã đổi hướng sản xuất sản phẩm thiết yếu; lựa chọn, quyết định sản xuất và chọn chuỗi cung ứng mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nếu nhìn xa hơn nữa, trước khi xảy ra đại dịch, CMCN 4.0, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung… cũng làm thay đổi chuỗi cung ứng, dịch chuyển dòng đầu tư chiến lược. Khi đại dịch xảy ra, với kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, đây cũng là cơ hội cho DN đón “sóng” dịch chuyển đầu tư mới. Tuy nhiên, cần bình tĩnh đón nhận các nhà đầu tư tiên phong, nhà đầu tư tốt để tạo dựng những chuỗi cung ứng mới.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả