Bình quân, mỗi ngày hơn 7.100 tỷ đồng được rót thêm vào nền kinh tế
Tăng trưởng tín dụng tính đến 25/4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ.
Đó là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022 diễn ra vào sáng 29/4.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: VGP)
Tại thời điểm cuối tháng 12/2021, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt gần 10,45 triệu tỷ đồng. Như vậy, với mức tăng trưởng 6,75% tương đương khoảng 705.000 tỷ đồng tín dụng đã được rót thêm vào nền kinh tế trong gần 4 tháng đầu năm nay.
Trước đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04%, cao gấp 2,3 lần năm ngoái. Quý I/2021, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,16%.
Như vậy, chỉ trong 25 ngày của tháng 4, tín dụng đổ vào nền kinh tế đã tăng thêm gần 180.000 tỷ đồng, tương ứng bình quân có hơn 7.100 tỷ đồng được bơm thêm vào nền kinh tế mỗi ngày.
Ảnh: LT
"Năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 14%. Tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4, tăng trưởng tín dụng đến ngày 25/4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ. Điều này đặt ra bài toán với NHNN điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm, vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, vừa không chủ quan với lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Song song với diễn biến trên, dư nợ tín dụng của riêng TP.HCM tính đến cuối tháng 4/2022 đạt 3 triệu tỷ đồng (tương đương 27% dư nợ toàn hệ thống), ghi nhận mức tăng trưởng khá cao khoảng 7% so với đầu năm.
Theo ước tính của chuyên gia tại công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo vừa phát hành, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 4/2022 ước tăng trên 16% so với cùng kỳ, cao hơn 2 điểm % so với mục tiêu tăng trưởng cả năm là 14%.
Tuy nhiên, mới đây NHNN cũng cho biết sẽ có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng tùy vào tình hình thực tế.
"Mặc dù hoạt động cho vay các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản đang bị siết lại, hiệu ứng từ việc siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần đây sẽ khiến áp lực vay vốn dồn sang hệ thống ngân hàng đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm nay", chuyên gia nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận