Bình Dương: Gần 90% doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch
Hơn 500.000 lao động đã trở lại nhà máy làm việc, phần lớn đã được tiêm vắc-xin, đảm bảo phòng chống dịch, sản xuất an toàn.
Gần 90% doanh nghiệp tại Bình Dương phục hồi lại sản xuất với hơn 500.000 lao động đã trở lại nhà máy làm việc. Hiện phần lớn công nhân đã tiêm đủ vắc-xin để đi làm hàng ngày.
Nhiều ưu đãi thu hút lao động
Ghi nhận tại Công ty TNHH Ampacs International chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Bàu Bàng đã tái khởi động sản xuất trở lại từ ngày 17/9 và đến nay, công nhân quay trở lại làm việc hơn 1.500 người, chiếm 25% trên tổng số lao động trước dịch.
Hiện công ty dần ổn định, nhưng do sợ lây nhiễm dịch bên ngoài vào nhà máy nên Ban giám đốc quyết định duy trì sản xuất “3 tại chỗ” kéo dài thêm một thời gian đợi tình hình ổn định sẽ có phương án sản xuất bình thường trở lại.
Nhằm phòng ngừa dịch Covid-19, Công ty Ampacs International tổ chức một quy trình rất nghiêm ngặt. Cụ thể, công nhân trước khi vào phân xưởng sản xuất chính thức phải qua 14 ngày cách ly tại ký túc xá của công ty. Trong những ngày cách ly vẫn được trả lương 170.000 đồng/ngày và sau khi vào làm chính thức được thưởng thêm 150.000 đồng/ngày.
Theo Ban giám đốc công ty Ampacs International, với mong muốn tiếp nhận 8.000 nhân công để sớm phục hồi đạt công suất 100%, nhà máy đang thực hiện các chính sách hỗ trợ về tiền lương, thưởng để khuyến khích thu hút lao động. Tuy nhiên, hiện công ty đang thu nhận dần dần công nhân vào làm việc do phải cách ly và sàng lọc Covid-19.
Tại Công ty TNHH Far Eastern Polytex Việt Nam, Ban giám đốc cùng công đoàn cơ sở công ty cũng đã triển khai chính sách chăm lo, hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Cụ thể, công ty hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu và vẫn duy trì mức thu nhập hàng tháng hơn 8 triệu đồng kèm theo nhiều phúc lợi khác sau khi công nhân trở lại nhà máy đúng hẹn. Đặc biệt, công ty thưởng thêm từ 1,5 - 2 triệu đồng/người lao động làm việc trong tháng đầu tiên trở lại sản xuất.
Bà Trần Thị Hà Bình, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam cho biết, trong thời gian tạm ngưng hoạt động để chống dịch, công ty thực hiện những chính sách hỗ trợ cho người lao động với mức chi trả lương tối thiểu vùng, trao tặng hỗ trợ thực phẩm...
Kể từ ngày 1/10 sau khi công ty hoạt động trở lại, những người lao động cũ trở lại làm việc đúng thời gian theo thông báo được ban giám đốc công ty thưởng ngay 2 triệu đồng/người. Nhờ vậy, sau khi nhà máy khôi phục sản xuất đã có 6.000 công nhân trở lại làm việc.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Fujikura Fiber Optics Việt Nam Đào Ngọc Trung cho biết, trong thời gian tạm thời nghỉ sản xuất đế chống dịch Covid-19, công ty vẫn trả 50% mức lương tối thiểu vùng cho người lao động. Do đó, hầu hết công nhân, người lao động đã ở lại gắn bó với công ty, hiện có khoảng 1.700 công nhân đã đến nhà máy làm việc bình thường.
Doanh nghiệp được trao quyền chủ động
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện mở cửa dần, tùy theo từng loại hình, quy mô; trong đó, nhiều doanh nghiệp đã tái khởi động sản xuất trở lại rất nhanh nhờ chủ động giữ chân được nguồn lao động bằng những chính sách chăm lo thiết thực trong mùa dịch cũng như vẫn duy trì trả lương, hỗ trợ nhu yếu phẩm...cho công nhân.
Đặc biệt, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được trao quyền chủ động về mô hình và phương thức tổ chức sản xuất. Trường hợp có F0 trong phạm vi hẹp của một dây chuyền, phân xưởng, bộ phận riêng biệt thì không cực đoan phong tỏa, đóng cửa cả doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Toàn cho hay, để triển khai phòng, chống dịch bệnh đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”; trong đó, kế hoạch của doanh nghiệp về mặt tổ chức chặt chẽ về tái khởi động sản xuất... quan tâm đến người lao động được cho là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp trở lại mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đang triển khai áp dụng Thông tư 14/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cơ bản đã giải quyết rất nhiều vấn đề khó khăn của doanh nghiệp và thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất trở lại.
Từ đầu năm đến nay, bằng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần duy trì kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương đạt 24,5 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 1,5 tỷ USD; chỉ số công nghiệp của tỉnh vẫn tăng 2,93%, thương mại dịch vụ tăng 1,9% và thu ngân sách đạt 47.900 tỷ đồng bằng 82% dự toán…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã đánh giá cao việc nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp tranh thủ thời gian bình thường mới để mở cửa sản xuất. Hiện, Bình Dương xem các doanh nghiệp là một chủ thể quan trọng trong quá trình duy trì mục tiêu vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch an toàn, linh hoạt. Theo đó, tỉnh đã tạo điều kiện, tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện.
Nỗ lực thành “doanh nghiệp xanh”
Sau nhiều tháng kiên trì thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, từ đầu tháng 10/2021, Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (quận Bình Tân, Tp.Hồ Chí Minh) đã chuyển sang hoạt động theo mô hình “4 xanh” (địa phương xanh, người lao động (NLĐ) xanh, cung đường xanh và nhà máy xanh). Theo ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc thì 100% NLĐ của công ty đã tiêm 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19. Cùng với nền tảng đang thực hiện tốt “3 tại chỗ” nên việc chuyển sang mô hình “4 xanh” sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh (SXKD) trong trạng thái bình thường mới.
Các doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều cho rằng, làm tốt phương châm “3 tại chỗ” là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp phục hồi, phát triển khi nới lỏng giãn cách xã hội. Kết quả thực hiện “3 tại chỗ” cho phép nhiều công ty giữ chân được lực lượng lao động. Các doanh nghiệp cũng nhận định, những tháng cuối năm 2021 là "giai đoạn nước rút" để có thể hoàn thành kế hoạch năm nên việc tái SXKD đang là nhu cầu cấp thiết. Cùng với nỗ lực xây dựng "doanh nghiệp xanh", từng công ty đang tích cực tìm kiếm cơ hội, đổi mới tư duy kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp Tp.Hồ Chí Minh, đã có gần 60% doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp tại thành phố tái hoạt động sản xuất. Kết quả này có được do đã chủ động tổ chức tốt mô hình “4 xanh”. Còn ông Đỗ Quang Trung, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Nitto Denko (Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore I, Tp.Thuận An, tỉnh Bình Dương) chia sẻ rằng, để có thể trở lại hoạt động bình thường mới, thì an toàn sản xuất luôn là ưu tiên hàng đầu. Mong muốn của công ty và các doanh nghiệp khác là địa phương thiết lập bệnh viện hoặc khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khu vực có đông công nhân tập trung để kịp thời xử lý những tình huống dịch bệnh xảy ra.
Để chuẩn bị cho giai đoạn mới, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tăng cường y tế tại chỗ, xây dựng tổ an toàn Covid-19, thiết lập đường dây liên lạc với y tế địa phương... Những ngày qua, nhiều trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp được thành lập tại Bình Dương đã tạo nên sự an tâm, phấn khởi cho NLĐ. Còn tại tỉnh Long An, đến cuối tháng 9.2021, đã có hơn 1.200 DN trở lại hoạt động sản xuất, gồm những doanh nghiệp đang hoạt động “3 tại chỗ” trước đây và doanh nghiệp mới được thẩm định phương án phục hồi sản xuất. Tỉnh đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, ưu tiên hậu kiểm sau khi tổ chức sản xuất, tăng cường hướng dẫn thực hiện yêu cầu về y tế tại chỗ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận