Biểu tình khắp nước Mỹ bày tỏ phẫn nộ về vụ George Floyd
Các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Mỹ ngày 29/5 bày tỏ phẫn nộ về vụ người đàn ông da màu tên là George Floyd tử vong.
Tại Thủ đô Washington, người biểu tình đã tập trung trên đại lộ Pennsylvania và Công viên Lafayette bên ngoài Nhà Trắng.
Tổng thống Donald Trump đang ở bên trong tòa nhà và hàng chục nhân viên Cơ quan Mật vụ đã dựng rào chắn bên ngoài, không cho người ra vào.
Đăng tải trên Twitter, Cơ quan Mật vụ cho biết: "Các nhân viên Cơ quan Mật vụ hiện đang hỗ trợ các cơ quan thực thi luật pháp khác trong cuộc biểu tình ở Công viên Lafayette".
Người biểu tình đã tuần hành đến Đồi Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ.
Tại New York, hơn 200 người đã tụ tập ở quảng trường Foley thuộc khu Hạ Manhattan. Hầu hết người biểu tình đeo khẩu trang theo đúng quy định y tế phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Dù các cuộc tụ tập đông người vẫn đang bị cấm tại thành phố này do dịch, Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết, các cuộc biểu tình vì mục đích này vẫn được phép, song kêu gọi người biểu tình tôn trọng cảnh sát.
Trước đó, chiều 28/5, khoảng 100 người dân New York đã tham gia cuộc biểu tình đầu tiên bày tỏ phẫn nộ về vụ việc trên. Đụng độ đã xảy ra và khoảng 70 người đã bị bắt giữ.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cùng ngày cho biết, ông đứng về phía người biểu tình và nhấn mạnh "phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử và bất công". Ông cho rằng, vụ George Floyd không phải là một vụ việc đơn lẻ, mà "một loạt trường hợp như vậy đã xảy ra trong nhiều thập kỷ qua".
Căng thẳng cũng đã lan ra nhiều thành phố khác như Houston, Atlanta, Detroit, Las Vegas, San Jose và Memphis.
Thị trưởng Minneapolis, Jacob Frey đã ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm sau 3 đêm liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng và bạo lực tại thành phố lớn nhất bang Minnesota miền Trung Tây nước Mỹ này. Lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 20h ngày hôm trước đến 6h hôm sau, bắt đầu từ tối 29/5, tại tất cả các địa điểm công cộng, bao gồm mọi ngả đường trong thành phố. Vi phạm lệnh giới nghiêm có thể bị phạt tiền đến 1.000 USD hoặc bị phạt tù 90 ngày.
Cùng ngày, tại thành phố St. Paul giáp Minneapolis, Thị trưởng Melvin Carter cho biết đã ký một sắc lệnh trình trạng khẩn cấp địa phương, theo đó cũng áp đặt giới nghiêm từ 29/5.
Minneapolis đã bị hư hại nghiêm trọng sau 3 đêm biểu tình và bạo động, nhiều nơi xảy ra hỏa hoạn và cướp bóc. Trong khi đó tại St. Paul, hơn 170 cửa hàng đã bị cướp phá trong đêm.
Cũng trong ngày 29/5, cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin liên quan đến cái chết của nạn nhân Floyd đã bị buộc tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát. Tội danh nêu trên có thể phải chịu mức án tù 25 năm ở bang Minnesota. Hiện cựu sĩ quan Chauvin đã bị bắt giam. Thượng nghị sĩ bang Minnesota, Amy Klobuchar đã gọi vụ bắt giữ Chauvin là "bước đầu tiên hướng tới công lý".
Công dân Mỹ gốc Phi George Floyd đã tử vong ngày 25/5 sau khi bị 4 cảnh sát Mỹ bắt giữ. Một đoạn video cho thấy một cảnh sát da trắng, được cho là Derek Chauvin, đã đè cổ Floyd xuống đất bằng đầu gối trong gần 8 phút, trong khi Floyd nằm sấp, bị còng tay và nói rằng anh ta không thở được. Floyd tử vong không lâu sau đó tại một bệnh viện địa phương.
Tại một cuộc họp báo trực tuyến ngày 29/5, ông Farhan Haq, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, người đứng đầu LHQ hết sức "bàng hoàng" về vụ việc ở thành phố Minneapolis thuộc bang Minnesota của Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận