Biệt phủ của đại gia Vĩnh Long làm từ 4.000 cây dừa, hồ cá Koi cũng trang trí từ gỗ dừa, độc lạ nhất miền Tây
Với mong muốn lan tỏa hình ảnh quê hương, gia đình ông Thưởng đã ấp ủ ý tưởng xây dựng căn nhà bằng dừa vô cùng độc đáo.
Tại xã cù lao An Bình, thuộc xã Hòa Ninh, H.Long Hồ, Vĩnh Long, "biệt phủ dừa" của ông Dương Văn Thưởng khiến nhiều vị khách ghé chơi phải trầm trồ, kinh ngạc vì sự tinh xảo, tỉ mỉ đến từng hoa văn, chi tiết.
Từ xưa, dừa vốn là loại cây thân thuộc với người dân miền Tây. Tuy nhiên hiếm thấy ai lấy gỗ dừa xây cất nhà do đặc tính gỗ của loại cây này khá đặc biệt. Nhưng ông Thưởng lại có suy nghĩ hoàn toàn khác.
"Bê tông, cốt sắt đã bình thường quá rồi, tôi muốn làm một thứ độc lạ hơn bằng gỗ dừa. Cây dừa xuất xứ ở miền Tây, ở đâu cũng có, nhưng từ xưa giờ chỉ biết ăn trái thôi. Tôi muốn tôn vinh, nâng tầm cây dừa của mình lên. Từ lá cho tới gốc sẽ không bỏ thứ gì hết, lá làm lồng đèn, cây nào tốt giữ lại làm cột...", ông Thưởng cho biết.
Ngay lối vào của biệt phủ, ông Thưởng đúc 3 khối tượng "Phúc - Lộc - Thọ" làm từ gốc rễ dừa. Nguyên gian phòng khách gồm các cột, kèo, vách cũng làm bằng dừa, mỗi cây cột là một cây dừa. Đường vân trên từng thớ gỗ sang trọng, bắt mắt không thua kém các loại gỗ quý.
Ngoài ra, khu vực phần tủ thờ, hoành phi, trường kỷ... cho tới các vật dụng khác như bàn ghế, đèn trang trí, tách trà, câu đối... cũng được gọt đẽo tỉ mỉ từ gáo dừa, râu dừa.
Hồ cá Koi, chậu hoa lan cũng được trang trí bằng dừa
Các vật dụng được gọt đẽo tỉ mỉ từ gáo dừa, râu dừa
Tượng Phúc - Lộc - Thọ đặt ngay khu vực cửa ra vào
Theo bà Nguyễn Ngọc Giác (vợ ông Thưởng), để tăng độ đẹp, bền, mấu chốt nằm ở việc chọn dừa. Dừa già khi làm ra thành phẩm sẽ nặng, cầm chắc tay, còn dừa non cầm rất nhẹ, độ bền kém.
"Những cây dừa lão từ 80, 90 hay 100 tuổi không bao giờ bị hư hết, còn cây dừa khoảng chừng 30, 40 năm trở lại sẽ bị mục hết, không xài được. Như cây cột dừa làm nhà này, để thêm 150 năm nữa cũng không sao", bà Giác nói.
Được biết, ý tưởng xây dựng biệt phủ dừa là của con gái bà Giác. Để xây dựng theo đúng mong muốn, gia đình bà đã mất 10 năm để lên kế hoạch, chuẩn bị. Ban đầu, ông Thưởng mua một mảnh đất cạnh con sông, trồng dừa theo hàng lối. Sau đó, ông mời những nghệ nhân có tiếng ở Bến Tre về xây dựng công trình. Tổng thể ngôi nhà dùng tổng cộng 4.000 cây dừa, bao gồm nhà hàng, phòng ngủ. Còn tính riêng khu vực gian nhà chính đang ở là 1.700 cây.
Ông Thưởng hồi tưởng, thời gian đó quá trình tìm được những cây dừa chất lượng cũng rất gian nan:"Quãng thời gian đi tìm mất cả năm trời, đem về phải bỏ nước ngâm cả năm rồi mới đem lên bào, gọt, xong xuôi đem phơi cho khô, qua xử lý thuốc mối mọt một lượt nữa rồi mới đưa cho thợ làm”.
Theo đại gia miền Tây, vì gỗ dừa rất cứng, lại giòn, thớ dứa ngang nên nếu làm không tỉ mỉ sẽ rất khó giữ được lâu bền. Để tạo hình được thành phẩm ưng ý, thợ đã xẻ hư không biết bao nhiêu lưỡi cưa. Đến công đoạn xử lý xớ dừa, thợ phải gọt, bào rồi lấy giấy nhám chà, đến khi hết gồ ghề thì mới làm tiếp được.
Bỏ ra một số tiền lớn, lại chưa tính được hết các rủi ro nên ông ít nhiều cũng lo lắng. "Ban đầu, tôi cũng hơi lo nhưng mình cũng hiểu về cây dừa phần nào. Cây dừa gắn liền từ thời ông bà. Khi ông bà qua đời đã để lại nhà cho con cháu sau này, lúc tháo rỡ nhà, mọi thứ vẫn còn nguyên, tốt cứng. Nên từ kinh nghiệm đó, mình không sợ gì hết", ông Thưởng cho biết.
Những năm gần đây, gia đình ông Thưởng mở tham quan quần thể nhà dừa cho khách tới tham quan, lan tỏa hình ảnh đẹp của quê hương tới bạn bè bốn phương, bạn bè quốc tế. Bước sang tuổi 82, vị đại gia miền Tây an vui tuổi già với không gian sống độc đáo, gần gũi với thiên nhiên. Ông Thưởng xem căn nhà dừa là niềm hạnh phúc, tâm nguyện lớn nhất của vợ chồng ông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận