Biến thể Delta xâm nhập, bao nhiêu quốc gia điêu đứng?
Sự xuất hiện của biến thể Delta khiến cuộc chiến chống dịch COVID-19 của nhiều quốc gia trên thế giới trở nên vất vả hơn.
Trong đó, Châu Phi ghi nhận nhiều đợt bùng phát mới của biến thể Delta, đặc biệt là tại Tunisia, Mozambique, Uganda, Nigeria và Malawi. Được biết, số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 tại châu lục này gia tăng mạnh. Ảnh: Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm chủng cho người dân tại Bệnh viện Bertha Gxowa ở Germiston, Nam Phi. Ảnh: Getty.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti nhận định sự lây lan nhanh chóng các biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn đang khiến mức độ nguy hiểm của dịch bệnh tại châu Phi tăng lên một cấp độ hoàn toàn mới. Do vậy, các nước cần phải hành động ngay từ bây giờ và tăng cường các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn tình trạng khẩn cấp trở thành thảm kịch. Ảnh: Anadolu.
Người đứng đầu Viện Nghiên cứu y sinh quốc gia CHDC Congo Jean-Jacques Muyembe (ảnh) cảnh báo rằng sẽ là thảm họa nếu biến thể Delta tiếp tục đà lây lan mạnh hiện nay ở nước này khi nhiều bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải. Ảnh: CNN.
Tại châu Âu, biến thể Delta đang trên đà lây lan diện rộng ở nhiều nước như Pháp, Đức, Italy hay Bồ Đào Nha,... Ảnh: Người dân đi bộ trên đường phố tại thủ đô Paris trong Lễ hội âm nhạc giữa mùa hè của Pháp hôm 21/6. Ảnh: Getty.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC), biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40% đến 60% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tại Anh. Ảnh: Reuters.
Để đối phó với sự lây lan nhanh của dịch bệnh, các quốc gia trên khắp Châu Âu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Ảnh: AP.
Được biết, giới chức Bồ Đào Nha đã kéo dài thời gian hoạt động của trung tâm tiêm chủng, thành lập các phòng khám mới, trong khi chính phủ Hà Lan đang mở rộng chương trình tiêm chủng cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi để phòng ngừa một đợt bùng phát mới. Ảnh: Bệnh nhân COVID-19 được điều trị trong bệnh viện ở Bồ Đào Nha. Ảnh: THX.
Nga cũng đang phải vật lộn đối phó sự gia tăng ca nhiễm do biến chủng Delta và tỷ lệ tiêm chủng thấp vì người dân chần chừ tiêm vắc xin. Trong ngày 4/7, Nga báo cáo hơn 25.000 ca nhiễm COVID-19 mới - mức cao nhất kể từ đầu năm. Ảnh: MNA.
Tuy nhiên, Chính phủ Nga bác bỏ khả năng phong tỏa toàn quốc để đối phó dịch bệnh, thay vào đó kêu gọi người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: TASS.
Tại Séc, Bộ Y tế nước này đã ban hành lệnh cấm tất cả những người từ Séc đến Nga và Tunisia. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 và kéo dài đến 31/7. Ảnh: Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtěch. Ảnh: Expats.cz.
Nhiều quốc gia Châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan hay Indonesia,...cũng "lao đao" vì biến chủng Delta. Thông tin từ Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, trong ngày 1/7, nước này có thêm 826 ca mắc COVID-19, cao nhất kể từ ngày 7/1, do sự xuất hiện của ổ dịch mới và biến thể Delta rất dễ lây lan. Ảnh: AP.
Chính phủ Hàn Quốc đã dự định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ đầu tháng này do số lượng ca nhiễm mới trong ngày dao động khoảng 500 ca trong vài tháng qua và việc tiêm chủng toàn quốc được đẩy nhanh. Tuy nhiên, vài ngày trước khi các hạn chế về di chuyển được nới lỏng, số ca mắc COVID-19 bất ngờ tăng đột biến, khiến giới chức Hàn Quốc phải gia hạn các biện pháp hạn chế thêm một tuần nữa, đến ngày 7/7. Ảnh: EPA.
Báo Bangkok Post đưa tin ngày 4/7, nghiên cứu của Đại học Chulalongkorn chỉ ra rằng 70% người mắc COVID-19 ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) là do nhiễm biến chủng Delta của SARS-CoV-2, và không phải lúc nào cũng có thể xác định bệnh nhân lây virus từ đâu. Ảnh: Người dân thủ đô Bangkok của Thái Lan tham gia tiêm chủng ngừa COVID-19. Ảnh: Reuters.
Nguồn tin cho hay, nhiều nước ở Đông Nam Á hầu như đều đối mặt với khó khăn chung là thiếu hụt nguồn lực y tế và vắc xin khi biến thể Delta càn quét khu vực này. Ảnh: Nhân viên mai táng làm việc trong khu vực dành cho nạn nhân COVID-19 ở Tây Java, Indonesia, ngày 30/6. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, biến chủng Delta cũng đang lan rộng ở Australia. Nhiều thành phố lớn của Australia đều đang áp dụng lệnh phong tỏa hoặc tăng cường các biện pháp kiểm dịch để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Đáng chú ý, khu vực trung tâm Sydney bị phong tỏa lần đầu tiên trong năm vì virus lây lan nhanh hơn mức giới chức có thể truy vết và cách ly. Ảnh: AAP.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận