Biến số nào làm ngân hàng “mất ngủ” nửa cuối năm nay?
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại chia sẻ những nỗi lo nửa cuối năm nay khi nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều biến số khó lường.
Lo lãi suất, ám ảnh nợ xấu
Biến số nào khiến ngân hàng lo lắng nhất những tháng cuối năm là câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu”, diễn ra sáng nay (10/5).
Chia sẻ từ góc độ quản lý nhà nước, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, mặc dù Fed đã tạm dừng tăng lãi suất, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao. Hơn nữa, nguy cơ lạm phát tiềm ẩn trong nước và thế giới vẫn rất lớn. Chính vì vậy, NHNN phải thận trọng, linh hoạt để vừa đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Động thái của Fed cũng như các tác động tới chính sách tiền tệ và nền kinh tế Việt Nam cũng là điều mà các ngân hàng thương mại lo lắng dè chừng.Tuy vậy, bên cạnh đó, chất lượng tín dụng đang xấu đi đang là nỗi ám ảnh của các ngân hàng hiện nay.
Theo ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank, tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm chứng tỏ sức hấp thụ của nền kinh tế đang chững lại. Doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thiếu vắng đơn hàng, thu nhập người dân sụt giảm… đang tác động trực tiếp đến sức khỏe các ngân hàng, bởi ngân hàng là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng không thể khỏe được.
“Báo cáo tài chính quý I/2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, lợi nhuận quý I/2023 giảm 4,4%. Từ năm ngoái tới nay, các ngân hàng thương mại đối mặt với nhiều rủi ro. Nếu năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất và cả rủi ro danh tiếng (do liên quan tới TPDN, bảo hiểm nhân thọ) thì năm 2023, rủi ro lớn nhất của các ngân hàng là rủi ro tín dụng. Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Chưa kể, nền kinh tế khó khăn cũng khiến các rủi ro khác gia tăng với lĩnh vực ngân hàng như: rủi ro an inh các phòng giao dịch, rủi ro gian lận nội bộ, tấn công mạng… “, ông Tùng cho biết.
Mặc dù vậy, ông Tùng đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ trong ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, TPDN, giải ngân đầu tư công… cũng như các giải pháp của ngành ngân hàng trong ổn định hệ thống, cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Đặc biệt, việc NHNN ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn giúp các ngân hàng giãn dự phòng, giúp cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng vượt qua khó khăn.
Ngân hàng sợ bị “dồn toa” khó khăn của nền kinh tế
Trước khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế, hiện nay, NHNN và hệ thống các ngân hàng thương mại đang chịu áp lực lớn về giảm lãi suất và tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Bà Dương Thị Thanh Bình cho hay, chủ chương của NHNN là tăng trưởng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực ưu tiên. Theo Vụ Chính sách tiền tệ, thời gian qua, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn. Tuy vậy, doanh nghiệp muốn vay được vốn thì phải đáp ứng được các yêu cầu, chứng minh năng lực, hoạt động hiệu quả - khả thi. Ngoài ra, tỷ lệ tín dụng/GDP tại nước ta vẫn rất cao. Vì vậy, phải giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng nếu không sẽ khó giảm lãi suất.
“Điều này không chỉ phụ thuộc vào NHNN mà còn phụ thuộc vào tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lượng doanh nghiệp, cải thiện chất lượng thị trường vốn”, bà Bình cho hay.
Chia sẻ với thế khó của nhà điều hành, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, hiện nay NHNN đang đi trên dây, vừa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ doanh nghiệp.
“Nếu ngày hôm nay doanh nghiệp dồn hết khó khăn vào ngân hàng, thời gian tới ngân hàng khó khăn thì doanh nghiệp cũng gặp khó”, ông Hùng cảnh báo.
Mặc dù Thông tư 02/2023 về giãn hoãn nợ là tin vui với cả ngân hàng và doanh nghiệp, song ông Hùng cảnh báo, nếu không cẩn thận thì khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngân hàng thương mại.
Để gỡ vướng mắc ách tắc thanh khoản của nền kinh tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân 1 triệu tỷ đồng đầu tư công. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong hỗ trợ nền kinh tế.
Bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, thời gian tới, chính sách tiền tệ vẫn phải rất thận trọng để giảm các rủi ro, áp lực từ lạm phát, tỷ giá, lãi suất.
“Hiện Việt Nam vẫn còn dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đưa dòng tiền mới vào nền kinh tế, từ đó lan toả và tạo tác động tích cực”, bà Nga khuyến nghị.
NHNN cho biết thời gian tới sẽ điều hành chính sách tiền tệ hài hoà các mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, sẽ phối hợp thực hiện các giải pháp để các thị trường khác như TPDN, vốn, bất động sản phát triển lành mạnh, cùng ngành ngân hàng xây dựng nền kinh tế ngày càng phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận