Biến rác thải thành điện (Kỳ 2): Nhà đầu tư “ngại” địa phương
Doanh nghiệp đầu tư điện rác rất “ngại” địa phương và đây là lực cản chính trong việc triển khai các dự án đốt rác phát điện?
Lãng phí tài nguyên rác
Ở bài trước, người viết đã nhấn mạnh rằng mỗi năm, cả nước thải ra khoảng 25 triệu tấn rác thải, trong đó 70% phải đốt hoặc chôn lấp. Các chuyên gia cho rằng, nguồn "nguyên liệu" lớn để phát điện đang bị lãng phí.
Chia sẻ rõ hơn về việc này, GS. TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc xử lý rác thải tại các thành phố lớn hiện nay như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM,... chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Điều này dẫn tới những vấn đề như tốn diện tích đất, ô nhiễm nguồn đất, nước, không khí và tổn hại sức khỏe của người dân sống xung quanh.
Chôn lấp rác thải không còn phù hợp.
Ông cho biết, hiện nay các nhà máy xử lý quá ít, còn các bãi chôn lấp đã kín, gần như quá tải nếu không có hướng xử lý kịp thời, tạo nên áp lực ngày càng lớn với địa phương. Trong khi đó, tại nông thôn, nhiều nơi hiện nay còn tự phát làm các lò đốt rác theo biện pháp thủ công. Mặc dù, lò đốt cũng chỉ là giải pháp tiến bộ hơn chôn lấp nhưng không thể xem là một chiến lược xử lý môi trường bởi nó cũng gây ô nhiễm môi trường. Thực tế, rác thải nếu được xử lý tập trung, hoặc xử lý bằng công nghệ tiên tiến sẽ biến rác thải thành vàng - một nguồn có lợi cho xã hội.
Nói về việc chưa tận dụng được nguồn nguyên liệu từ rác thải, ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khoá IX) cho rằng, hiện nay chưa thấy lãnh đạo địa phương sẵn sàng chịu trách nhiệm với dự án điện rác. Bên cạnh đó, chính các địa phương cũng không sẵn sàng đi tìm các chuyên gia đầu ngành hoặc các tư vấn chuyên nghiệp nhằm giúp tuyển chọn một nhà đầu tư tốt nhất, với công nghệ tốt nhất, đáp ứng được các tiêu chí để đấu thầu.
Đặc biệt, quy trình đấu thầu này thường diễn ra một cách không trong sáng, không minh bạch, dẫn đến việc đơn vị không có năng lực có thể được trúng thầu vì những lý do được đưa ra rất “ngẫu nhiên”.
Địa phương đang quá thận trọng
Đốt rác phát điện hiện là công nghệ xử lý rác tiên tiến. Tuy vậy, Việt Nam lại có rất ít các dự án này. Tại sao vậy? Ông Đặng Hùng Võ đưa ra những nguyên nhân từ thực tế và cho rằng một trong những nguyên nhân cơ bản là do chính các địa phương.
Về sự chậm trễ “ngại” địa phương trong các dự án, ông Huân thì cho rằng, do quy trình ở các địa phương được thực hiện khá lâu,chưa minh bạch hóa quá trình tuyển dụng chủ đầu tư.
Ông Huân cũng cho rằng, nói về công nghệ, Việt Nam vẫn chưa đủ lực để thẩm định những công nghệ hiện đại. Bởi vậy, phải có niềm tin với các nhà đầu tư vì họ đã bỏ tiền ra làm, họ buộc phải tính đến hiệu quả và lỗ lãi. Thứ hai, có công nghệ thì sẽ kiểm soát từ cấp độ của chủ đầu tư khi xả thải ra môi trường, các chỉ số đo đếm và chủ đầu tư phải đáp ứng được các tiêu chí của luật đưa ra. Nếu chủ đầu tư đáp ứng được thì không có lý do gì lại không để cho họ làm?
Về giải pháp tháo gỡ, GS. Võ cho rằng, cần phải thay đổi rất nhiều mà trong đó chính quyền địa phương cần phải thay đổi tư duy.Đặc biệt, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt.
Đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư. Khi đã mở cơ chế cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận