Biến gánh nặng dữ liệu thành lợi thế của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp luôn đòi hỏi nhiều dữ liệu hơn nhưng giá trị của dữ liệu lại chưa được khai thác một cách có hiệu quả.
Khối lượng dữ liệu không tương đồng với giá trị dữ liệu
Dell Technologies Việt Nam đang có cơ hội làm việc để xây dựng một cơ sở dữ liệu lên đến 27 petabytes cho một công ty về viễn thông lớn nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi dự án chưa bắt đầu, dữ liệu của công ty viễn thông kia đã tăng trưởng hơn 120 petabytes.
Ông Trần Vũ, Tổng giám đốc Dell Technologies Việt Nam cho biết, nhu cầu dữ liệu của các doanh nghiệp ngày càng nhiều hơn nhưng nhu cầu về dữ liệu lớn hơn số lượng dữ liệu họ có thể xử lý ở thời điểm hiện tại.
Trong bảng chỉ số chuyển đổi số năm 2016, vấn đề không thể trích xuất thông tin chi tiết từ dữ liệu và/hoặc quá tải thông tin của các doanh nghiệp Việt đứng vị trí thứ 11 nhưng đến năm 2020, rào cản này đã leo lên vị trí thứ ba.
Một nghiên cứu do Dell ủy quyền cho Forrester Consulting thực hiện trên 4.000 người có quyền ra quyết định tại 45 quốc gia cũng cho thấy, 76% doanh nghiệp thu thập thông tin nhanh hơn khả năng phân tích và sử dụng, tuy vậy 67% doanh nghiệp cho rằng họ cần nhiều dữ liệu hơn khả năng hiện tại.
Hơn một nửa doanh nghiệp được khảo sát bảo vệ lượng lớn dữ liệu của họ ở các trung tâm dữ liệu mà họ sở hữu hoặc kiểm soát cho dù có nhiều minh chứng về lợi ích của việc xử lý dữ liệu tại nơi dữ liệu được thu thập.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo chưa chú trọng vào dữ liệu. Ban giám đốc của phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa có những động thái hỗ trợ cụ thể để phục vụ cho chiến lược dữ liệu và phân tích của doanh nghiệp.
Chiến lược công nghệ thông tin của nhiều doanh nghiệp chưa phù hợp. Cụ thể, 49% doanh nghiệp đang tập trung vào các hồ dữ liệu mà chưa xem xét đến việc chuẩn hóa những gì đang có.
Do vậy, sự bùng nổ của dữ liệu đang khiến công việc của nhiều doanh nghiệp trở nên khó khăn thay vì ngược lại. 71% doanh nghiệp than phiền họ sở hữu nhiều dữ liệu đến mức không thể đáp ứng các yêu cầu về bảo mật và quy định, trong khi đó 70% cho rằng các đội nhóm làm việc đang quá tải bởi lượng dữ liệu đang có.
Lãnh đạo Dell technology khẳng định, khối lượng dữ liệu không tương đồng với giá trị dữ liệu. Mặc dù dữ liệu bùng nổ nhưng gần một nửa doanh nghiệp tham gia nghiên cứu của Dell cho biết, chất lượng thông tin, số lượng đổi mới có thể thực hiện khi có nhiều dữ liệu và kỹ năng dữ liệu lại không thay đổi hoặc suy giảm.
Theo ông Vũ, trong thời điểm các doanh nghiệp đang phải chịu áp lực lớn trong việc chuyển đổi số để tăng tốc dịch vụ khách hàng, họ cần phải kết hợp hài hòa giữa việc thu thập thêm dữ liệu và khai thác những dữ liệu hiện hữu. Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh đang gia tăng lượng dữ liệu họ cần thu thập, lưu trữ và phân tích.
“Trở thành một doanh nghiệp hoạt động dựa trên dữ liệu là một chặng đường dài”, lãnh đạo Dell Technology Việt Nam nói.
Dữ liệu không có giá trị
Trên thực tế, mong muốn vượt xa khả năng chỉ là một trong ba nghịch lý dữ liệu mà các doanh nghiệp Việt đang gặp phải hiện nay, bên cạnh nghịch lý về nhận thức và nghịch lý “thấy nhưng không làm”.
Về nghịch lý nhận thức, 73% người tham gia khảo sát từ Việt Nam cho biết doanh nghiệp của họ hoạt động dựa trên dữ liệu và coi dữ liệu chính là mạch máu của công ty nhưng chỉ có 18% xem dữ liệu là yếu tố cốt lõi và sử dụng chúng xuyên suốt hoạt động của doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát cho thấy 91% các doanh nghiệp vẫn chưa phát triển đủ công nghệ và quy trình về dữ liệu hoặc văn hóa và kỹ năng về dữ liệu. Chỉ 9% doanh nghiệp được xếp hạng Data Champion - những công ty thỏa mãn cả hai điều kiện về công nghệ/quy trình và văn hóa/kỹ năng.
Về nghịch lý "thấy nhưng không làm", trong 18 tháng qua, nền kinh tế theo nhu cầu đang sẵn sàng để phát triển mạnh mẽ, và nhờ vậy, tỉ trọng các doanh nghiệp kỹ thuật số tạo ra và hành động dựa trên nhiều dữ liệu hơn tăng theo cấp số nhân.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp đã chuyển phần lớn ứng dụng và cơ sở hạ tầng sang mô hình như-một-dịch-vụ (aaS) vẫn chiếm rất ít, chỉ khoảng 24%, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Vũ, có ba vấn đề các doanh nghiệp đang gặp phải gồm: kho dữ liệu chưa được tối ưu hóa; chi phí lưu trữ cao; hạ tầng công nghệ thông tin còn lạc hậu; các quy trình quá thủ công…
Để giải quyết những nghịch lý về dữ liệu đang gặp phải, ông Vũ nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần xem xét từ nhu cầu thực tiễn bởi dữ liệu là sản phẩm có thể biết trước kết quả. Đồng thời, cần hiểu rõ về “mỏ vàng” dữ liệu của mình và tìm cách khai thác để tìm ra những giá trị mới. Dữ liệu không dùng tới thì sẽ hoàn toàn vô giá trị.
Lãnh đạo Dell technology Việt Nam chỉ ra ba cách các doanh nghiệp có thể chuyển đổi gánh nặng dữ liệu thành lợi thế.
Một là hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng được yêu cầu của dữ liệu tại vùng biên. Sự kết hợp này mang hạ tầng và ứng dụng của doanh nghiệp đến gần hơn nơi dữ liệu cần được thu thập, phân tích và đưa ra quyết định hành động, đồng thời, tránh tràn dữ liệu bằng cách duy trì mô hình hoạt động đa đám mây đồng nhất.
Hai là tối ưu hóa “ống” dẫn dữ liệu để dữ liệu có thể “chảy” tự do và an toàn trong khi được tăng cường bởi công nghệ AI/ML.
Ba là phát triển phần mềm để mang đến những trải nghiệm tích hợp, cá nhân hóa mà khách hàng mong muốn.
“Hiện nay mọi người nói rất nhiều về 5G, ai cũng muốn triển khai 5G, nhưng khi công nghệ này được triển khai thực tế, dữ liệu trên toàn sẽ tăng lên gấp ngàn lần. Với 4G chúng ta có mười nghìn thiết bị kết nối trong 1km2 nhưng khi đề cập đến 5G, con số có thể lên đến một triệu thiết bị. Do đó số lượng dữ liệu cũng sẽ tăng theo. Nhưng vấn đề đặt ra là thu thập zettabyte dữ liệu để làm gì nếu chúng không mang lại giá trị gì cho doanh nghiệp”, ông Vũ nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận