Biên độ giao dịch chứng khoán là gì? Cách xác định, ý nghĩa và áp dụng tại 3 sàn chứng khoán
Biên độ giao dịch chứng khoán là một chỉ số rất quan trọng, giúp điều hướng thị trường chứng khoán vận hành theo một trật tự nhất định, từ đó tránh rủi ro tối đa cho các bên tham gia. Là một nhà đầu tư thông thái, bạn cần nắm rõ thuật ngữ này để hiểu rõ diễn biến thị trường, đưa ra những nhận định chính xác và hạn chế tối đa các sai lầm khi ra quyết định đầu tư.
1. Biên độ giao dịch chứng khoán là gì?
1.1. Khái niệm
Biên độ giao dịch chứng khoán hay còn gọi là biên độ dao động giá: là giới hạn dao động giá của cổ phiếu được quy định trong ngày giao dịch.
Hiểu một cách đơn giản, biên độ giao dịch chứng khoán chính là số phần trăm tăng/giảm của giá cổ phiếu trong một phiên giao dịch. Giá trần và giá sản của phiên giao dịch sẽ bằng giá tham chiếu cộng (trừ) biên độ dao động.
Theo Thông tư số 120/2020/TT-BTC, căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ quyết định biên độ dao động giá sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.
1.2. Cách xác định biên độ dao động giá
Biên độ dao động giá thường được xác định bằng cách cộng, trừ một tỷ lệ phần trăm nhất định của giá tham chiếu. Với những loại chứng khoán đang giao dịch bình thường trên TTCK thì giá tham chiếu là giá đóng cửa của ngày giao dịch trước đó.
1.3. Ý nghĩa của biên độ dao động giá
Mỗi khi đặt lệnh, nhà đầu tư cần phải để giá giao dịch nằm trong khoảng giữa giá sàn và giá trần. Nếu lệnh giao dịch có mức giá vượt quá giới hạn này sẽ bị coi là không hợp lệ.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc điều chỉnh biên độ giao động giá có thể kích thích tăng quy mô và thanh khoản cho thị trường, nhằm cân đối cung - cầu chứng khoán, tăng tính hấp dẫn cũng như hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, khi thị trường diễn biến xấu, việc điều chỉnh giảm biên độ dao động giá chính là biện pháp cần thiết, giúp hạn chế đà giảm, ngăn không để thị trường giảm sốc. Khi đã kiểm soát được các yếu tố cơ bản, thị trường trở nên ổn định, biên độ giao động giá sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ dần
1.4. Tại sao phải quy định biên độ dao động giá?
Mục đích chính của việc quy định biên độ dao động giá là giúp ổn định TTCK, chống tin đồn ảnh hưởng tới thị giá của cổ phiếu, gây xáo trộn thị trường.
Hiện nay, nhận thức của người dân nước ta về chứng khoán còn khá thấp, rất ít người định giá được chính xác về giá trị của một công ty mà thường ra quyết định đầu tư dựa trên tin tức trên thị trường. Nhiều thông tin trong đó là các tin đồn nhằm thao túng giá…
Ví dụ: Vào năm 2017, sau khi có tin đồn cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV – Trần Bắc Hà bị bắt, các nhà đầu tư đã hoảng loạn bán tháo cổ phiếu. Kết quả là trong phiên giao dịch ngày 09/08/2017, BIDV đã khớp lệnh 9,6 triệu cổ phiếu - tương đương giá trị là 200 tỷ đồng. VN-Index đã mất gần 18 điểm - mức giảm này rất hiếm xảy ra. Tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường ước tính mất tới 2 tỷ USD. Nếu vụ việc trên không có lực cản của biên độ dao động thì mức độ nghiêm trọng sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần.
Qua đây, chúng ta có thể thấy vai trò của biên độ giao dịch chứng khoán là cực kỳ quan trọng trong việc điều tiết, giúp ổn định thị trường khỏi các cú sốc lớn, góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư.
2. Những khái niệm liên quan đến biên độ giao dịch chứng khoán
2.1. Giá tham chiếu
Giá tham chiếu là mức giá cơ sở, được dùng để tính toán giá trần và giá sàn. Nó chính là giá đóng cửa - giá thực hiện của lần khớp lệnh cuối cùng trong phiên giao dịch gần nhất trước đó (ngoại trừ các trường hợp đặc biệt). Riêng với sàn UPCOM, giá tham chiếu là giá bình quân gia quyền của các giao dịch trong phiên giao dịch gần nhất (trừ trường hợp đặc biệt).
2.2. Giá trần
Giá trần là mức giá tối đa mà một cổ phiếu được phép đạt tới tính trong một phiên giao dịch. Nhà đầu tư chỉ có thể đặt lệnh cho cổ phiếu của mình với giá thấp hơn giá trần, và cao hơn giá sàn.
Công thức tính như sau: Giá trần = Giá tham chiếu + (Giá tham chiếu X Biên độ dao động giá).
2.3. Giá sàn
Ngược lại với giá trần, giá sàn là mức giá tối thiểu mà một cổ phiếu có thể giảm đến, tính trong một phiên giao dịch. Nhà đầu tư chỉ có thể đặt lệnh cho cổ phiếu của mình cao hơn mức giá này và thấp hơn giá sàn.
Công thức tính như sau: Giá sàn = Giá tham chiếu – (Giá tham chiếu X Biên độ dao động giá).
2.4. Giá đóng cửa
Giá đóng cửa là giá thực hiện tại lần khớp lệnh cuối cùng của một mã chứng khoán trong một phiên giao dịch. Hay nói cách khác, nó chính là mức giá trên thị trường của cổ phiếu vào thời điểm kết thúc một phiên giao dịch.
Nếu không có giá thực hiện trong ngày giao dịch, giá đóng cửa của mã cổ phiếu được xác định bằng giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất trước đó. Giá đóng cửa hôm trước chính là giá tham chiếu của ngày giao dịch hôm sau (trừ sàn UPCOM).
2.5. Quy tắc làm tròn giá
Theo quy định, biên độ giao dịch chứng khoán của 3 sàn HOSE, HNX và UpCom lần lượt là 7%, 10% và 15%. Tuy nhiên, khi nhân giá tham chiếu với các tỷ lệ này, đa phần sẽ cho kết quả là số lẻ. Vì vậy, chúng ta sẽ phải áp dụng quy tắc làm tròn để giải quyết vấn đề này.
Ví dụ: Cổ phiếu APG trên sàn Hose với giá tham chiếu là 95.000 đồng/cổ phiếu.
Biên độ dao động của sàn Hose là 7% tương đương với 6.650. Theo cách tính lý thuyết thì giá trần là 95.000*(1+7%) = 101.650 và giá sàn là 95.000*(1-7%) = 88.350.
Giá cổ phiếu FPT lớn hơn 50.000 đồng/cổ phiếu nên bước giá mỗi lần nhảy phải chia hết cho 100, giá trần và giá sàn cũng tương tự như vậy.
Hai giá trị 6.600 và 6.700 là 2 giá trị gần với 6.650 nhất và thỏa mãn chia hết cho 100. Bên cạnh đó, biên độ dao động giá cổ phiếu làm tròn không được lớn hơn giá trị ban đầu, do đó, chúng ta phải loại bỏ lựa chọn 6.700 để lấy số 6.600.
Như vậy, cuối cùng giá trần của cổ phiếu FPT là 95.000 + 6.600 = 101.600 và giá sàn là 95.000 - 6.600 = 88.400.
3. Quy định về biên độ giao dịch chứng khoán trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM
Hiện nay, có 3 sàn giao dịch chứng khoán đó là
▪️ Sàn Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE)
▪️ Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX)
▪️ Sàn Giao dịch Chứng khoán Upcom: Là nơi giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa được niêm yết.
Mỗi sàn giao dịch trên lại có quy định về biên độ giao dịch chứng khoán khác nhau, được thể hiện trong bảng dưới đây:
Như vậy, ở các phiên giao dịch bình thường, biên độ dao động giá của sàn HOSE, HNX, UPCoM là 7%, 10% và 15%. Sàn nào càng minh bạch hơn thì biên độ giao dịch chứng khoán càng hẹp hơn.
Riêng trong phiên giao dịch đầu tiên, biên độ giao dịch chứng khoán ở tất cả các sàn đều cao hơn gấp 2 - 3 lần bình thường. Nguyên nhân đó là: Khi một cổ phiếu mới bắt đầu lên sàn, công ty chứng khoán sẽ khuyến nghị giá tham chiếu dựa trên giá cổ phiếu của các công ty đồng ngành đã được niêm yết trước nó (với điều kiện giá tham chiếu lý thuyết này phải được Sở giao dịch chứng khoán đồng ý). Tuy nhiên, vì giá này chỉ tham khảo từ công ty tương đồng nên có thể không chính xác, UBCKNN đã cho phép biên độ dao động của lần niêm yết này lớn hơn bình thường (sàn HOSE là 20%, sàn HNX là 30%, sàn UPCOM là 40%).
4. Kết luận
Như vậy, 24hMoney đã gửi đến bạn những thông tin chi tiết nhất về biên độ giao dịch chứng khoán. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm kiến thức bổ ích, phục vụ cho hành trình đầu tư thông minh của chính mình. Nếu bạn muốn cập nhật những thông tin hữu ích nhất về Tài chính, Kinh doanh, Chứng khoán…, cùng những khuyến nghị tin cậy từ các chuyên gia hàng đầu, hãy tải ngay ứng dụng 24hMoney hoàn toàn miễn phí trên Google Play hoặc App Store nhé!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận