Biến chủng Delta lây lan rộng khiến các nhà sản xuất vaccine phải thay đổi chiến lược
Mũi tăng cường hay một loại vaccine ngừa COVID-19 hoàn toàn mới? Đó là điều mà các nhà nghiên cứu cũng như các hãng dược phẩm đang “đau đầu” khi có thêm nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện với khả năng lây lan cao hơn và nguy hiểm hơn chủng ban đầu.
Khi các bang của Mỹ phải đóng cửa vào tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19, nhiều người cho rằng hoặc hy vọng tình hình khi đó chỉ là tạm thời. Những nỗ lực đã được thực hiện nhanh chóng để phát triển một loại vaccine và việc cuộc sống trở lại bình thường dường như chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhưng 17 tháng sau đó, nước Mỹ vẫn chưa thực sự “trở lại bình thường”. Các biến chủng biến mới đáng sợ như Delta, Lambda đã xuất hiện, có khả năng lây nhiễm cao hơn, nguy hiểm hơn so với biến thể ban đầu của virus SARS-CoV-2. Các bằng chứng ban đầu cho thấy, mặc dù các loại vaccine hiện có giúp người nhiễm virus SARS-CoV-2 không bị bệnh nặng, nhưng không ngăn được việc truyền bệnh.
Nói cách khác, chỉ vaccine là chưa đủ. Thế giới đã nóng lòng chờ đợi sự ra mắt của những loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trong suốt năm 2020, nhưng hiện giờ, các loại vaccine đó không đủ để ngăn chặn vĩnh viễn COVID-19. Điều này khiến các nhà sản xuất vaccine phải cân nhắc chuyển hướng chiến lược.
Cần thay đổi để bắt kịp các biến thể mới
“Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, Pfizer và BioNTech vẫn đang tiếp tục công việc để tìm hiểu về khả năng miễn dịch lâu dài, nhu cầu tiêm nhắc lại, cũng như các mối đe dọa từ các biến thể mới đối với hiệu quả bảo vệ của vaccine”, người phát ngôn của Pfizer cho biết.
Theo Pfizer, các nghiên cứu và các bằng chứng hiện có cho thấy vaccine COVID-19 của hãng này vẫn có hiệu quả bảo vệ con người trước các biến thể hiện nay. Ngoài ra, Pfizer hiện đang thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn khác nhau đối với mũi thứ 3 của vaccine ngừa COVID-19, với các kết quả hứa hẹn khả quan.
Pfizer cũng có kế hoạch theo dõi các biến thể mới và khả năng miễn dịch suy giảm để có thể chuẩn bị các sản phẩm mới nếu cần.
“Đó là một phần lý do tại sao chúng tôi lựa chọn công nghệ vaccine có tính linh hoạt [công nghệ mRNA], cho phép chúng tôi đưa ra liều tăng cường nếu cần và giải quyết những thay đổi tiềm ẩn của virus”, đại diện Pfizer cho biết.
Moderna mới đây cũng đề xuất những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng nên tiêm mũi thứ 3 vào mùa Thu tới để đảm bảo chống được các biến thể mới.
Theo Moderna, vaccine của hãng hiện vẫn duy trì tính hiệu quả ngừa COVID-19lên tới 90% trong ít nhất 6 tháng nhưng sau 6 tháng mức độ kháng thể của vaccine sẽ yếu đi, nhất là trong việc đối phó với các biến thể mới, bao gồm biến thể Delta hiện đang lây lan nhanh.
Trong khi đó, gã khổng lồ dược phẩm Johnson & Johnson (J&J) - công ty không sử dụng công nghệ mRNA mà sử dụng công nghệ truyền thống, cũng đang tiếp tục nghiên cứu hiệu quả vaccine ngừa COVID-19 một mũi tiêm của hãng này trước các biến thể mới.
“Bằng chứng từ nghiên cứu hợp tác giai đoạn 3 chứng minh hiệu quả của vaccine COVID-19 tiêm một mũi J&J, bao gồm cả việc chống lại các biến thể virus đang phổ biến”, J&J cho biết.
Công ty này hiện cũng đang theo dõi các biến thể mới “thông qua các thử nghiệm hiệu quả lâm sàng để xác định xem liệu phản ứng miễn dịch do vaccine COVID-19 của J&J có khả năng trung hòa các biến thể mới hay không”.
COVID-19có thể sẽ như cúm mùa?
Một thách thức lớn mà các nhà sản xuất vaccine phải đối mặt là từ những người có quan điểm bài vaccine. Theo người phát ngôn của Pfizer, chính những người bài vaccine khiến việc giải thoát nhân loại khỏi đại dịch trở nên khó khăn hơn.
“Mỗi người không có khả năng miễn dịch [trước COVID-19] sẽ tạo cơ hội cho virus lây lan, tiếp tục đột biến và sẽ vẫn là nguy cơ đối với cộng đồng. Vì vậy, điều quan trọng là phải tiêm chủng càng nhanh càng tốt cho nhiều người. Việc tuân theo hướng dẫn y tế công cộng nhằm hạn chế phơi nhiễm với SARS-CoV-2, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, kết hợp với việc tiếp tục chiến dịch tiêm chủng có thể giúp chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng và giảm các trường hợp mắc COVID-19”, người phát ngôn của Pfizer cho biết.
Sarah E. Cobey, nhà vi sinh học chuyên nghiên cứu về sự tiến hóa của mầm bệnh tại Đại học Chicago cho rằng, thật “đáng buồn” khi các công ty đã sử dụng các công nghệ hàng đầu và kiến thức mới nhất để sản xuất vaccine với tốc độ đáng kinh ngạc, nhưng lại bị nhiều người coi là bằng chứng cho thấy vaccine không đáng tin cậy. Bà nhấn mạnh, SARS-CoV-2 là một loại virus khủng khiếp.
Về lâu dài, một số người cho rằng COVID-19 sẽ giống như cúm – loại virus đột biến hàng năm và cướp đi mạng sống của nhiều người; nhưng có thể ngăn chặn một cách tương đối bằng các mũi tiêm tăng cường, cho phép việc tiêm chủng theo kịp các chủng đột biến.
Thực tế, một số bang và thành phố ở Mỹ đã cho phép một số nhóm nhất định được tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, mặc dù đây không phải là vaccine mới mà là liều bổ sung của vaccine hiện có.
“Tất cả những loại vaccine hiện nay đều được phát triển dựa trên chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc, chủng gốc đã châm ngòi bùng phát đại dịch toàn cầu với nhiều biến thể về sau. Bạn có thể phát triển mũi tiêm tăng cường để ngăn chặn các biến thể mới này hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có”, Tiến sĩ Jonathan Zenilman, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là giáo sư tại Đại học Y khoa Johns Hopkins, cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận