Biến chủng Delta lan ra 124 nước, đại dịch Covid-19 khi nào mới kết thúc
Dự báo biến chủng Delta của SARS-CoV-2 sẽ thống trị trong vài tháng tới, và đại dịch Covid-19 không thể chấm dứt trên toàn cầu trước thời điểm cuối năm 2022 với tiến độ tiêm chủng hiện tại.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21.7 cho rằng biến chủng Delta của SARS-CoV-2 gây Covid-19 sẽ trở thành chủng virus thống trị trong vài tháng tới, theo AFP ngày 21.7.
Biến chủng này xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ và đến nay đã được ghi nhận tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng thêm 13 quốc gia và vùng lãnh thổ so với tuần trước. Nhiều nước ghi nhận biến chủng này chiếm hơn 3/4 các mẫu xét nghiệm dương tính.
“Dự báo nó sẽ nhanh chóng vượt trội hẳn so với các biến chủng khác và thống trị trong vài tháng tới”, theo bản tin cập nhật hằng tuần về dịch tễ của WHO.
Trong số 3 biến chủng đáng lo ngại còn lại, biến chủng Alpha xuất hiện đầu tiên tại Anh hiện đã được ghi nhận tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiếp theo lần lượt là biến chủng Beta phát hiện đầu tiên tại Nam Phi (130) và biến chủng Gamma phát hiện đầu tiên tại Brazil (78).
Theo trình tự gien virus SARS-CoV-2 gửi lên sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID, trong 4 tuần tính đến ngày 20.7, tỷ lệ biến chủng Delta vượt tỷ lệ 75% tại nhiều nước, trong đó có Anh, Ấn Độ Bangladesh, Botswana, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Indonesia, Israel, Nam Phi, Nga, Singapore, Trung Quốc và Úc.
“Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy sự lây lan gia tăng của biến chủng Delta so với các biến chủng không thuộc nhóm gây lo ngại. Tuy nhiên, cơ chế chính xác của việc gia tăng lây nhiễm vẫn chưa rõ”, theo WHO.
WHO cho hay có 3,4 triệu ca Covid-19 được ghi nhận trong tuần tính đến ngày 18.7, tăng 12% so với tuần trước đó. “Với mức độ này, dự báo số ca mắc trên toàn cầu sẽ vượt mức 200 triệu trong vòng 3 tuần tới”, theo WHO.
Sự gia tăng số ca trên toàn cầu được cho là do 4 nguyên nhân chính: các biến chủng lây lan mạnh hơn, việc dỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng, việc gia tăng tiếp xúc xã hội và số lượng lớn người chưa tiêm vắc xin.
Hãng Reuters dẫn lời giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalia Georgieva dự báo rằng với tiến độ tiêm vắc xin hiện tại, đại dịch sẽ không thể chấm dứt trước thời điểm cuối năm 2022.
Hiện có hơn 3,67 tỉ liều vắc xin đã được tiêm tại 179 nước, với tiến độ gần đây nhất là khoảng 32,8 triệu liều/ngày, theo Bloomberg.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận