Biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao gấp đôi so với virus 'gốc'
Bà Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết biến thể Delta được phát hiện ở Ấn Độ có khả năng lây nhiễm gấp đôi so với chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu.
“Với tốc độ lan rộng của biến thể Delta, vượt qua các chủng khác, nó có thể trở thành chủng virus thống trị trên thế giới”, TASS dẫn lời bà Swaminathan cho hay.
Chuyên gia của WHO giải thích rằng loại virus này lây truyền dễ dàng hơn ít nhất hai lần so với virus ban đầu, do đó “một người mắc bệnh có thể lây nhiễm không phải 2, mà là 4, 6 và thậm chí là 8 người”. Về vấn đề này, bà Swaminathan chú ý đến thực tế là hiện tại số ca mắc bệnh nhiều hơn đáng kể so với lúc bắt đầu đại dịch, khi tất cả các thành viên trong gia đình đều mắc bệnh.
Bà Swaminathan nói thêm rằng, hầu hết các loại vắc-xin hiện đang được sử dụng trên thế giới vẫn còn hiệu quả, “ít nhất là để ngăn ngừa các trường hợp nghiêm trọng của bệnh”.
Khi được hỏi về mức độ nguy hiểm của biến thể Delta Plus, chuyên gia WHO cho biết, chủng này sở hữu một đột biến có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả của các kháng thể đối với virus.
Nhà khoa học trưởng của WHO nhấn mạnh: “Có lo ngại rằng chủng virus này có thể trở nên nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, tin tốt là rất ít trường hợp nhiễm chủng virus này đã được xác định trên thế giới, đến nay chỉ có vài chục ca bệnh.
Theo Bộ Y tế Ấn Độ ngày 23/6, có 40 ca Covid-19 được xác định là nhiễm biến thể Delta Plus, tăng 18 ca so với ngày hôm trước. Cơ quan y tế các bang tiếp tục duy trì các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng cần tập trung và nghiêm ngặt hơn.
Cho đến nay, biến thể Delta Plus còn được phát hiện trong 197 mẫu xét nghiệm ở 10 quốc gia gồm Anh, Canada, Nhật Bản, Nepal, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Mỹ. Mặc dù vậy, chưa có trường hợp tử vong nào xảy ra với biến thể này.
Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) và Viện Virus học quốc gia (NIV) đang nghiên cứu để xác định liệu biến thể Delta Plus, mới và mạnh hơn virus SARS-CoV-2 gốc, có thể bị vô hiệu hóa bằng các loại vắc-xin hiện có ở Ấn Độ hay không.
Trước đó, biến thể B.1.617 của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại bang Maharashtra, Ấn Độ và gần đây đã được tìm thấy ở nhiều quốc gia. Theo các bác sĩ địa phương, đột biến này có thể là một trong những lý do tạo ra làn sóng Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ.
Ba phiên bản của chủng này đã được phát hiện là B.1.617.1, B.1.617.2 và B.1.617.3, trong khi phiên bản mới được phân biệt bằng sự hiện diện của đột biến K417N trong protein gai, có thể làm giảm hoạt tính của huyết thanh và kháng thể của những người đã bị bệnh hoặc đã tiêm vắc-xin. Theo ghi nhận của các bác sĩ Ấn Độ, chủng virus này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 3 năm nay tại châu Âu.
Đầu tháng 6, các nhà nghiên cứu sau khi phân tích dữ liệu từ những bệnh nhân mắc Covid-19 ở Scotland, đã kết luận rằng chủng Ấn Độ nguy hiểm hơn chủng Anh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận