Bị trừng phạt, kinh tế Nga đang bên bờ vực thẳm?
"Trừng phạt Nga gây bất ổn cho chính bản thân kinh tế của các nước phương Tây", Tổng thống Vladimir Putin khẳng định như trên ngày 18/4 sau gần hai tháng Nga hứng chịu nhiều đợt trừng phạt liên tiếp của châu Âu và Mỹ. Chưa có dấu hiệu kinh tế Nga sắp bị sụp đổ và cho dù kịch bản đó có xảy ra, Chính phủ Nga dường như cũng không nao núng.
"Gã khổng lồ với đôi chân đất sét"
Sau gần hai tháng Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong cuộc họp định kỳ vào mùa Xuân dự báo GDP của Nga giảm 8,5% trong năm nay. Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Alexei Kudrin (2000-2011), dự báo kinh tế Nga có thể sụt giảm khoảng 10% do tác động của cuộc xung đột và các biện pháp trừng phạt.Hàng trăm nghìn người lao động Nga đã bị mất việc hoặc bị ảnh hưởng do các công ty nước ngoài ồ ạt thông báo "ngừng hoạt động trên thị trường Nga". Lạm phát trong tháng 3/2022 đã tăng lên 17%.
Ngân hàng trung ương Nga nêu lên con số "tối thiểu là 18%" cho cả năm. Đáng quan ngại hơn là trung bình mỗi hộ gia đình Nga phải dành ra đến 40% thu nhập để mua lương thực, thực phẩm. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với hai tháng trước. Theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, Elvira Nabioullina, nước Nga "cần ít nhất hai năm" mới hy vọng đẩy lạm phát xuống 4% thay vì 18-20% như hiện tại.
Sau khi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) loại một thành viên có trọng lượng như Nga, hệ quả kèm theo là các doanh nghiệp Nga mất khả năng thanh toán với các nhà cung cấp nước ngoài. Ngày 4/4/2022 Nga mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài đáo hạn cho dù chính phủ giải thích họ vẫn có thể trả nợ bằng đồng ruble và thậm chí là bằng USD nếu phương Tây không phong tỏa khoảng một nửa trong số 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga ở nước ngoài.
Kim ngạch xuất khẩu của Nga sụt giảm nghiêm trọng. Giao thương với châu Âu và Mỹ bị thu hẹp tối đa, chỉ còn khoanh vùng trong một vài lĩnh vực mà chủ yếu là năng lượng. Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành 5 đợt trừng phạt. Rất có thể đợt trừng phạt thứ 6 của EU có thể mở rộng sang lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.
Hai tháng sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và để lộ rõ những lỗ hổng của mô hình kinh tế Nga, chuyên gia về kinh tế vĩ mô và về hoạt động của thị trường tài chính Michel Santi giải thích: "Về cơ cấu, Nga rất dễ bị tổn thương bởi kinh tế cả nước dựa vào xuất khẩu nguyên liệu mà chủ yếu và dầu mỏ và khí đốt. Nga đã nhiều lần có gắng thay đổi thực tế đó. Chẳng hạn hồi đầu những năm 2000, nước này từng tìm cách đa dạng hóa cỗ máy kinh tế. Nhưng các nỗ lực không thành công và Nga đã phải quay lại với mô hình cũ, tức là vẫn chỉ khai thác tối đa ngành xuất khẩu các khoáng sản, nguyên liệu, dầu khí, nông phẩm. Nhược điểm thứ hai là Nga không có một tầng lớp trung lưu với thu nhập trung bình và qua đó có sức mua khả dĩ. Do đó nền kinh tế khá rủi ro khi chỉ trông cậy vào xuất khẩu, và lại càng nguy hiểm hơn nữa nếu như ngành xuất khẩu chỉ tập trung vào một số nguyên liệu".
Bốn ngày trước khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố phương Tây "tự bắn vào chân mình" khi muốn bóp nghẹt kinh tế Nga, Thủ tướng Mikhail Michoustin trước Quốc hội nhìn nhận lệnh cấm vận đẩy kinh tế vào giai đoạn khó khăn và đây là thời điểm "khó khăn nhất từ ba thập niên qua". Cũng chưa bao giờ Nga lại phải hứng chịu những đòn trừng phạt khắt khe đến như hiện tại, "kể cả trong những năm tháng đen tối nhất của thời kỳ Chiến tranh Lạnh".
"Con tàu bị ngập nước nhưng chưa chìm"
Dù vậy giới quan sát cũng ngạc nhiên cho rằng Nga có vẻ như vẫn "cầm cự" được trước các đòn trừng phạt "bom tấn" của phương Tây. Trên đài RFI, chuyên gia kinh tế Pháp Michel Santi giải thích Nga đã có những tính toán từ trước. Trong hai tháng qua, Chính phủ Nga đã tìm nhiều giải pháp để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của các biện pháp cấm vận. Các nước dù có trừng phạt Nga nhưng cho đến ngày 26/4 vẫn tránh cấm vận năng lượng của Nga, đặc biệt là châu Âu mới chỉ "nêu lên khả năng" này. Dù kêu gọi trừng phạt mạnh tay nhưng các thống kê hải quan cho thấy khối lượng dầu mỏ, khí đốt mua vào của Nga từ đầu 2022 đến nay đang ở mức "cao chưa từng thấy".
Đầu tháng 4/2022 Mỹ siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt bằng cách ngừng nhận USD mà Ngân hàng trung ương Nga ủy thác tại các ngân hàng Mỹ. Quyết định được đưa ra đúng vào lúc Nga phải thanh toán gần 650 triệu USD nợ đáo hạn. Với quy định mới của Bộ Tài chính Mỹ, về mặt nguyên tắc đến ngày 4/5, Nga phải thanh toán bằng USD khoản nợ nói trên.
Đáp trả Washington, Moskva tuyên bố vẫn đủ sức trả nợ đáo hạn nhưng sẽ thanh toán cho các chủ nợ bằng đồng ruble. Theo Moody’s, với việc trả nợ bằng đồng ruble, Nga đơn phương thay đổi các điều khoản trong hợp đồng khi đi vay tín dụng và như vậy mặc nhiên coi như nhà nước Nga bị đặt trong tình trạng "phá sản". Theo chuyên gia kinh tế Pháp Michel Santi, Nga mất khả năng thanh toán là điều hiển nhiên: "Tôi nghĩ rằng mất khả năng thanh toán là điều không tránh khỏi. Câu hỏi không còn là Nga có thể bị phá sản hay không mà là khi nào thì Nga phải tuyên bố mất khả năng thanh toán. Kịch bản đó có thể xảy ra trễ nhất là vào cuối tháng 5/2022, bởi vì kinh tế Nga đang bị phong tỏa về nhiều mặt."
Theo số liệu của Bộ Tài chính, nợ nước ngoài hiện lên tới 52 tỷ USD, tương đương với 20% tổng nợ của Nhà nước Nga. Trong trường hợp mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài, Liên bang Nga mặc nhiên mất luôn khả năng đi vay trên các thị trường tài chính trong nhiều năm.
Trả lời đài RFI, Serguei Guriev, nguyên là cố vấn kinh tế của Chính phủ Nga, nhấn mạnh "tài chính là một mặt trận quan trọng" để gây sức ép với Nga. Ông nhận định: "Hiện tại đây cũng là một mặt trận quan trọng khi một phần dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga bị phong tỏa, Nga mất đi một khoản dự trữ bằng USD và điều đó giải thích phần nào đồng ruble mất giá đến gần 50% so với trước đây. Dù vậy Nga vẫn thu vào USD khi mà quốc tế mua dầu mỏ của Nga và do chưa có lệnh trừng phạt dầu khí Nga. Nga đang thu vào rất nhiều USD và nhờ vậy mà Moskva nhanh chóng lấp được phần nào thiếu hụt do các biện pháp trừng phạt gây nên. Hiện tại Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Nhiều tập đoàn tư nhân cũng từ chối chuyên chở hay mua vào dầu mỏ của Nga. Nếu chờ đợi thêm vài tuần lễ nữa thì ngân sách Nga, cũng như đồng ruble sẽ được ổn định".
Điều đáng lo ngại hơn nữa theo đánh giá của chuyên gia Michel Santi là uy tín của nước Nga trong mắt các nhà đầu tư quốc tế hoàn toàn bị hủy hoại: "Một điểm mới khác là Chính phủ Nga quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Nga. Sự tin tưởng giữa Nga với các doanh nhân quốc tế đã đổ vỡ".
Dù vậy cựu cố vấn kinh tế cho Chính phủ Nga Serguei Guriev không hoàn toàn loại bỏ khả năng, một trong những ngõ thoát hiểm của Nga có thể là Trung Quốc. Ông cho rằng Trung Quốc có thể giúp Nga ổn định kinh tế. Ví dụ trong khi chờ đợi thị trường dầu khí lắng dịu trở lại Trung Quốc có thể thanh toán trước một ít tiền cho các nhà cung cấp Nga, qua đó bơm thêm sinh khí cho kinh tế nước này. Nhưng kịch bản đó có thể sẽ không xảy ra. Trước mắt một số các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc tôn trọng lệnh cấm vận của Mỹ và nhiều tập đoàn tài chính đa quốc gia đã ngừng hoạt động tại Nga. Trung Quốc không có lợì khi châu Âu bị suy yếu vì xung đột tại Ukraine bởi đây là một thị trường rất quan trọng đối với xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc. Cuộc xung đột này đang tàn phá kinh tế của cả Ukraine lẫn của Nga và đang mang lại những hậu quả nghiêm trọng đối với châu Âu. Tất cả những điều đó đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận