Bị triệu tập vì EVNHCMC thoái vốn dự án BĐS: Chủ tịch Lê Văn Phước liên đới gì?
Chủ tịch Lê Văn Phước dính dáng gì việc đầu tư hay thoái vốn của EVNHCMC ở một dự án bất động sản trên địa bàn TP HCM, hay là người đứng đầu mà bị triệu tập? Dự án có diễn biến bất thường hay sao Cục CSĐT phải vào cuộc?
Ông Lê Văn Phước được bổ nhiệm chính thức làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) ngày 15/12/2018, theo Đề án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số số 129/QĐ-EVN ngày 31/7/2017.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, trước khi nhận trọng trách mới này, ông Lê Văn Phước là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNHCMC. Cuối năm 2005 - khi ấy vẫn là Công ty Điện lực TP HCM (sau này, xét vai trò và quy mô, năm 2010, Công ty được Bộ Công Thương quyết định nâng cấp lên thành Tổng công ty Điện lực TPHCM), ông Lê Văn Phước - Phó Giám đốc được bổ nhiệm phụ trách Công ty Điện lực TPHCM, thay cho ông Lê Minh Hoàng - Giám đốc đã phải từ chức vì Công ty Điện lực TP HCM bị tố cáo là lắp loại Điện kế điện tử kém chất lượng cho người dân. Số điện kế này sau đó bị thu hồi, làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Trở lại vấn đề mới đây liên quan đến việc thoái vốn của EVNHCMC tại một dự án BĐS trên địa bàn TP HCM, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03- Bộ Công an) đang tổ chức điều tra và mời đến làm việc, để làm rõ một số vấn đề liên quan đến đơn vị này.
Hiện, dư luận đặt câu hỏi: Ông Lê Văn Phước dính dáng gì tới việc đầu tư hay thoái vốn một dự án bất động sản ở TP HCM hay không? Hay do là người đứng đầu EVNHCMC mà ông Phước bị triệu tập làm việc? Dự án bất động sản tại TP HCM mà EVNHCMC thoái vốn có diễn biến bất thường gì mà Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03- Bộ Công an) phải vào cuộc?...
Trao đổi với PV Kiến Thức liên quan vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, khi có tin báo về tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ thụ lý và xác minh theo quy định của pháp luật. Trong vụ án này, thẩm quyền điều tra thuộc Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03- Bộ Công an) nên đơn vị này vào cuộc.
Trong quá trình xác minh thì cơ quan điều tra cũng có thể mời cá nhân hoặc đại diện tổ chức có liên quan đến làm việc để thu thập, làm rõ các thông tin có liên quan. Do vậy, việc Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03- Bộ Công an) mời ông Lê Văn Phước, Chủ tịch HĐ Thành viên EVNHCMC đến làm việc, để làm rõ một số vấn đề liên quan đến đơn vị này là đúng theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trong trường hợp có căn cứ khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án và hoàn tất thủ tục để khởi tố bị can. Khi đó những người bị cơ quan điều tra mời, triệu tập có thể được xác định tư cách trong tố tụng hình sự là: Bị can, người bị hại, người liên quan, người làm chứng...
Cụ thể, tại điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định có đến 20 tư cách của công dân khi tham gia tố tụng trong vụ án hình sự bao gồm: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người bị tạm giữ; Bị can; Bị cáo; Bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng; Người chứng kiến; Người giám định; Người định giá tài sản; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.
Trong đó Điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự quy định Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ có quyền: Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; Tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ, có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình; Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Còn Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
Ngoài ra, Điều 57. Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố Là người có nguy cơ bị khởi tố, xử lý hình sự có liên quan đến những vi phạm mà cơ quan điều tra đang tiến hành xin mình. Người này là người bị buộc tội nên có các quyền và nghĩa vụ như sau:
1. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền: Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; Trình bày lời khai, trình bày ý kiến; Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố.
Trong trường hợp vụ án đã được khởi tố thì cơ quan điều tra cũng có quyền xác minh thông tin đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ án. Việc xác định cá nhân, tổ chức đó có vai trò như thế nào phụ thuộc vào kết quả điều tra xác minh của cơ quan điều tra. Người bị xác minh có thể là người bị buộc tội, có thể là người bị hại và cũng có thể là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc những người tham gia tố tụng khác theo quy định pháp luật.
Bởi vậy, việc Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03- Bộ Công an) mời ông Lê Văn Phước, Chủ tịch HĐ Thành viên EVNHCMC đến làm việc là một hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật. Nếu xác định ông Lê Văn Phước có liên quan thì tùy vào tính chất, mức độ, cơ quan điều tra sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật. Trong trường hợp không xác định ông Lê Văn Phước có hành vi vi phạm nhưng có biết, chứng kiến về hành vi vi phạm của người khác thì có thể được xác định là người làm chứng... Hoặc có quyền lợi, có nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì sẽ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận