Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Hà Nội bắt đầu qua đỉnh dịch
Trao đổi trong chương trình đối thoại với đoàn viên thanh niên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: "Chúng tôi theo dõi, đánh giá, có lẽ bắt đầu qua đỉnh dịch. Trên 99% người mắc bệnh trong thời gian vừa qua được điều trị tại nhà, rất nhẹ khi đã tiêm chủng đủ 2 mũi, 3 mũi”.
Chiều 16/3, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội đối thoại với đoàn viên, thanh niên Thủ đô năm 2022. Cùng dự chương trình có anh Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.
Tăng phụ cấp cho Bí thư Đoàn xã, phường
Tại chương trình, chị Chu Hồng Minh, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết, để chuẩn bị cho buổi đối thoại, Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị, đề xuất từ 106 cơ sở Đoàn, Hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành Đoàn.
Qua tổng hợp, nhiều vấn đề được đoàn viên, thanh niên quan tâm như: lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch; công tác cán bộ; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế chính sách cho cán bộ Đoàn – Hội; phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; công tác sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các thiết chế...
Ngay tại chương trình, đã có thêm nhiều ý kiến trăn trở về công tác cán bộ Đoàn đang gặp khó khăn trong việc tạo nguồn, tìm nguồn, nhiều cán bộ Đoàn có trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ tốt nhưng chưa phải là công chức.
Trao đổi về vấn đề cán bộ, cơ chế chính sách cho cán bộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác phát triển Đảng, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Tổ chức Thành ủy căn cứ các văn bản của trung ương và Thành phố, phối hợp hướng dẫn các đơn vị tạo điều kiện cho cán bộ trẻ đang công tác tại các cơ quan Đoàn chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu hình thức thi tuyển, quy hoạch phù hợp với cán bộ khối Đảng, Đoàn, khối đại đoàn thể theo đúng quy định.
Ông Dũng cũng giao ban cán sự Đảng, UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu nâng mức khoán hoạt động đối với Đoàn ở xã, phường thị trấn. Tăng phụ cấp kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương đối với chức danh Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn; Bí thư chi đoàn khu dân cư, thôn, cán bộ đoàn trong khu vực doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Dũng giao ban thường vụ Thành Đoàn tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, mở rộng mặt trận tập hợp, thu hút đoàn kết thanh niên, nhất là thanh niên tại các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị mới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, thời gian tới, Đoàn Thanh niên Thành phố cần tập trung làm tốt các việc, như: phát huy vai trò của thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thanh niên; đảm bảo tổ chức thành công đại hội Đoàn các cấp, Đại hội Đoàn thành phố lần thứ XVI tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc...
Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý, Thành Đoàn cần tập trung tham gia có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tình nguyện, phòng chống dịch COVID-19; đồng hành với thanh niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp.
Có thời điểm tiêm 600 nghìn mũi/ngày đêm
Trao đổi thêm với đoàn viên, thanh niên tại buổi đối thoại về tình hình và công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, đến nay, người từ 12 tuổi trở lên, gần như đã tiêm hết mũi 2 được hơn 96%, còn một số rất ít là người có bệnh nền nguy hiểm là không tiêm được. Hà Nội đã tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đến nay được 80% và tới đây có kế hoạch tiêm cho trẻ từ 5 -11 tuổi.
Hiện dịch trên địa bàn Thành phố mấy tuần liền bình quân 30.000 - 31.000 ca/ngày, gần đây đã xuống, chỉ còn khoảng 26.000 ca/ngày.
“Chúng tôi theo dõi, đánh giá, có lẽ bắt đầu qua đỉnh dịch. Trên 99% người mắc bệnh trong thời gian vừa qua được điều trị tại nhà, rất nhẹ khi đã tiêm chủng đủ 2 mũi, 3 mũi” ông Dũng nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thành phố đã lựa chọn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm ở các lĩnh vực văn hóa xã hội; y tế, trong đó có y tế cơ sở, y tế dự phòng và y tế của thành phố; lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Ông Dũng bày tỏ: "Lĩnh vực y tế trong bối cảnh dịch vừa qua, y tế Thủ đô nếu xếp hạng cả nước là cao, nhưng rất mong manh trước tình hình dịch bệnh. Qua thực tế có nhiều vấn đề cần nhìn lại trong quá trình phát triển".
Theo ông Dũng, giáo dục cũng như y tế, chúng ta quy định theo đơn vị hành chính, mỗi xã phường có một trạm y tế, trạm y tế (tối thiểu 5 người và tối đa 10 người); tương tự như vậy là có một trường tiểu học và THCS.
Tuy nhiên, với một xã vùng Đồng bằng Sông Hồng bình thường có 5.000 - 5.500 dân, hay vùng núi vùng sâu, vùng xa thì 2.000 – 2.500 hộ/phường sẽ không có vấn đề lớn; nhưng ở đô thị lớn như Hà Nội có phường 9 vạn dân, TPHCM có những phường 11 vạn dân, nếu dịch vào, đội ngũ y tế tối đa 10 người sẽ khó chống chịu được, rất quá tải.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận