Bí thư Hà Nội lý giải việc 'đóng trước, mở sau' để chống dịch
Chủ trương của thành phố là luôn có phương án cao, "đóng trước, mở sau" để thực hiện bằng được mục tiêu bảo vệ thủ đô, không để dịch bùng phát.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nói từ cuối tháng 4/2021, Hà Nội đã có nguy cơ rất cao bùng phát dịch bệnh.
Trước tình hình đó, thành phố đã nghiên cứu kỹ các chỉ đạo của Trung ương và luôn đặt Hà Nội trong tình trạng phòng ngừa dịch bệnh cao, với tinh thần quyết tâm bảo vệ thủ đô, bảo vệ sức khỏe người dân.
Nhiều phương án đã được Hà Nội chuẩn bị. Đơn cử, các khu cách ly tập trung nâng công suất từ 20.000 chỗ lên 180.000 chỗ; khu điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng được thiết lập với 20.000 giường.
"Phương châm của Hà Nội từ những ngày đầu là không để F0 và F1 tại nhà. Cần chủ động, không nên để bị động, xảy ra khủng hoảng y tế", ông Dũng nói.
Ông dẫn chứng, khi xảy ra ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, thành phố dã đưa gần 2.000 người tại ổ dịch này đi cách ly tập trung. "Nếu khi đó để người dân ở nhà, với điều kiện sinh hoạt chung, thì chỉ một vài ngày là không kiểm soát được", ông nói.
Về việc phân ba vùng dịch và nhiều lần thay đổi việc cấp giấy đi đường, ông Dũng giải thích "đã bàn rất kỹ trong Thường trực, Thường vụ Thành ủy". Tuy nhiên, khi giao các đơn vị một tuần để chuẩn bị "vẫn không làm kịp". Vì vậy chủ trương này sau đó phải thay đổi.
Đề cập đến vấn đề xét nghiệm toàn dân ở Hà Nội, ông Dũng cho rằng thành phố triển khai việc này nhằm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như chỉ định dịch tễ. Vùng nguy cơ cao xét nghiệm 2-3 ngày một lần mỗi người; vùng nguy cơ 5-7 ngày một lần; nơi khác xét nghiệm mẫu gộp. Trong chiến dịch này, Hà Nội đã thực hiện 4,2 triệu mẫu xét nghiệm. Công suất ngày cao điểm lên đến 700.000 mẫu; còn công suất tiêm vaccine có ngày đạt 600.000 mũi.
Về cách ly, phong tỏa, Hà Nội thực hiện chủ trương khoanh vùng hẹp, truy vết nhanh, xét nghiệm rộng.
Với những cách làm trên, "trước mắt Hà Nội đã kiểm soát được dịch bệnh". Dù một số tỉnh lân cận có dịch bùng phát trong khu công nghiệp, nhưng Hà Nội đã bảo vệ được các khu công nghiệp an toàn, duy trì sản xuất.
Trong phiên thảo luận tổ, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đề cập đến vấn đề "ngại mua sắm" của cán bộ, nhân viên trong ngành. Theo bà, ngành y tế thủ đô đang nỗ lực phòng chống dịch. Tuy nhiên, suốt một tháng qua, ngành có thêm nhiệm vụ tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra, cơ quan điều tra...
"Là những cán bộ chuyên môn, chúng tôi hiểu mình không sai thì không sợ, tuy nhiên với việc giải trình hồ sơ liên tục như vậy đã gây tâm lý ngại mua sắm", bà Hà nói và đề nghị minh bạch lĩnh vực này, tạo nguồn dự trữ quốc gia để đảm bảo phân phát, cấp phát cho các địa phương tham gia phòng chống dịch.
Cùng với đó, công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế nên có bộ phận độc lập, thực hiện mua sắm tập trung, để cán bộ, nhân viên ngành y tế yên tâm thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Về việc cho học sinh đi học trở lại, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội đang xây dựng phương án cụ thể, đảm bảo an toàn. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội hi vọng Bộ Y tế sớm phân bổ vaccine cũng như chỉ định lứa tuổi tiêm chủng, ưu tiên từ 12-18 tuổi, hoặc 16-18 tuổi.
Quốc hội dành phiên thảo luận sáng nay (21/10) thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước va công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận