24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Công Hòa Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bí quyết quản lý tài chính cá nhân có lợi cho mình

Tại sao lương bao nhiêu cũng tiêu hết ? Để rồi lúc nào cũng luôn lo sợ trong sự thiếu thốn của tiền bạc và bất an của cuộc sống hàng ngày.

Đó là những câu hỏi mà bản thân mình luôn đặt ra khi gặp phải những biến cố trong cuộc sống. Điều gì đã cản trở mình tìm hiểu những về các vấn đề này và điều gì đã làm xuất hiện trong suy nghĩ của mình sự bất an trong những hoạt động tài chính cá nhân. Không chỉ riêng mình mà bao nhiêu bạn bè trên Blog, trên kênh Youtube của mình đang chia sẻ nỗi đau này như vậy.

Bạn biết đấy mình cũng như các bạn thôi, cũng vẫn là một nhân viên văn phòng tuần 5-8 cuối tháng nhận lương đều đều. Năm 2010 khi mình mới ra trường mình thấy lương 3 triệu mình vẫn tiêu được. Nhưng khi đến 10 triệu, rồi đến 20 triệu, rồi đến 30 triệu, rồi đến 40 triệu... mình vẫn chi tiêu thiếu mà thôi. Thậm chí có tháng bị thâm hụt vào chiếc thẻ tín dụng mà vô tình mình không biết. Và cứ thế gối đầu nhận lương xong lại nhanh nhanh chóng chóng trả nợ thẻ tín dụng. Thật buồn hơn khi mà khó khăn lên đỉnh điểm phải chi tiêu bằng cách đáo thẻ tín dụng nữa các bạn ạ. Mình có tới 5 cái thẻ tín dụng và cứ quay vòng đáo liên tục để tiêu với mức phí mỗi tháng mất đi từ 1.5%- 1.8%.

Nhiều lúc nghĩ cuộc đời mình sao chịu vào thảm cảnh đó khi bản thân thu nhập của mình còn hơn gấp rất nhiều lần so với bố mẹ mình ở quê. Cuộc sống của ông bà vẫn no đủ, nuôi các con ăn học đàng hoàng mà chẳng bao giờ có nợ nần. Có lẽ vì mình làm ngân hàng nên mình quá chủ quan với nợ nần không? Vì mình vay dễ dàng và biết nhiều thủ thuật về cấu trúc nợ vay, giữ nợ vay sạch đẹp nên mình đã quá coi thường nó chăng.

Mình biết có rất nhiều người giống mình với trạng thái tài chính như thế này. Và mỗi người có một lý do khác nhau mà nó luôn hợp lý để biện minh cho vấn đề của mình. Khoản chi tiêu nào nghe có vẻ cũng cần, cũng thật hợp lý !!!

Cái bản ngã (cái tôi) của mỗi người thật lớn quá mà. Chẳng bao giờ muốn nhận sai về mình cả. Những gì mình đã làm thì mình sẽ luôn cho nó là đúng cho dù có ai phân tích cũng mặc kệ mà thôi. Và cũng chính vì vậy mà cũng sẽ chẳng bao giờ chúng ta chấp nhận đặt bút xuống ghi lại từng khoản mục chi tiêu để rồi đánh giá lại xem nó có giá trị gì với bản thân mình, gia đình mình và cho xã hội không ?

Lại còn mục tiêu tài chính của mình là gì nhỉ? Tại sao mình phải chắt bóp và quản lý chi tiêu trong khi cuộc sống của mình vẫn đang diễn ra bình thường. Mỗi sáng thức dậy là một guồng quay công việc khiến cho chúng ta không thể nghĩ nổi là mình đang hướng tới mục tiêu gì ? và mình cần phải làm gì để thực hiện nó. Đơn giản lúc này là chúng ta cứ vơ tiền về túi mình nhanh nhất rồi làm gì thì tính sau ? Có tiền là có tất cả, thiên hạ bảo vậy đấy. Bạn có tin không ?

Niềm vui lớn nhất của mình khi mình biết được cái bản ngã (cái tôi) là thứ đã cản trở kinh khủng nhất sự phát triển bản thân mình. Không chỉ về sự nghiệp, mối quan hệ trong gia đình mà đặc biệt là tài chính cá nhân của bản thân mình. Tiếng nói nhỏ trong mình đã nhiều lần lên tiếng nhưng thực sự mình không thừa nhận vấn đề mất cân bằng trong việc chi tiêu, cũng như tiêu một cách vô lối.

Chấp nhận sai và nghiêm lúc làm lại là chìa khóa giúp mình bước đầu vượt qua được tư duy cổ súy cho việc chi tiêu không có kế hoạch, không có giá trị.

Khi biết mình sai rồi thì bắt đầu làm lại nó dễ dàng lắm các bạn ạ. Mình sẽ chủ động hoạch định lại các khoản chi tiêu không phù hợp bằng cách bỏ nó đi hoặc giảm bớt nó xuống để làm sao tiết sát với mức biết đủ cơ bản của bản thân (đủ sống). Cái mà mình gọi đơn giản là mức chi tiêu tối thiểu. Với mỗi người mức chi tiêu tối thiểu này sẽ khác nhau vì nhu cầu của mỗi người cũng sẽ khác nhau nhưng mình tin rằng ai cũng sẽ tự giới hạn được.

Trước khi tiêu một đồng nào thì mình luôn đặt ra câu hỏi nó có giá trị với bản thân mình không ? Tiếp theo nó có giá trị với gia đình và xã hội không ?. Nghe có vẻ khó chịu ghê nhưng không làm thế sao tiêu đúng được phải không ạ ? Một buổi cafe bạn chi tiền ra thì bạn được những gì ? Một bữa liên hoan bạn chi tiền ra bạn được những gì ? Một buổi đi chơi bạn chi tiền ra sẽ đem lại cho bạn những gì ? Tự nhiên bạn sẽ thấy có nên làm nó hay không. Khi đặt ra những vấn đề này mình nhìn lại một chuỗi ngày tháng dài dài trước đây mình ngồi cà kê chỉ để lướt face và chém gió, tốn tiền, tốn thời gian, tốn chất xám mà chẳng có lợi lộc gì cho mình. Vậy là lý do mình bỏ được những thứ không có giá trị đấy các bạn ạ.

Dần dần suy nghĩ mình nó lớn dần hơn thì đến bây giờ mình luôn đặt ra một câu hỏi: Khoản chi tiêu này có đem lại khoản lãi gì cho mình không ? Tiêu rồi thì tưởng rằng mất đi nhưng không các bạn ạ. Nó phải đem lại khoản lãi cho mình mới thực sự là khoản chi tiêu đúng và chi tiêu có giá trị. Bạn thử nghĩ xem khi mời một người thầy dạy bạn cafe bạn sẽ học được vô số thứ kinh nghiệm. Khi mời một nhà đầu tư chuyên nghiệp ăn tối bạn sẽ học được vô cùng nhiều bí quyết trong một bữa ăn mà người ta phải đổ bao mồ hôi, xương máu, tiền bạc có được...Nếu bạn vẫn nghèo mà mua một con điện thoại xịn chỉ để nghe gọi, lướt face thì bạn lỗ chắc rồi nhưng nếu bạn dùng nó để tạo nên các video hay có ý nghĩa với mọi người thì nó chắc chắn đem lại lợi nhuận cho bạn đấy. Vân vân còn nhiều thứ kể cả trong gia đình chứ không nhất thiết phải trong cuộc sống kiếm tiền nữa.

Tạo ra các rào cản chi tiêu cho các khoản chi tiêu mất đi cũng là một cách để bạn giữ được tiền trong một hạn mức tiêu nhất định. Bạn có đang thấy ví mình đang đầy tiền mặt, tài khoản thanh toán mình đang dư cả mớ tiền, thẻ tín dụng, thẻ ATM đầy ví, ứng dụng thanh toán tràn ngập trên mobile. Nó giúp bạn chi tiêu nhanh hơn phải không ? Đương nhiên rồi, công ty nào chẳng muốn bạn tiêu để họ có lợi nhuận. Mình nhìn ra vấn đề này, khi mình thấy mình tiêu hoàn toàn THỤ ĐỘNG khi luôn có sẵn tiền trong các công cụ trên. Mình nghĩ nhiều chị em phụ chắc cũng vậy đặc biệt trong việc mua sắm.

Vậy mình quản chặt chẽ hơn các công cụ thanh toán tiện lợi này như thế nào để tạo ra các hàng rào chi tiêu ?

+ Thứ nhất tiền lương về tài khoản ngân hàng thì chắc chắn khoản tiêu mà có lời đầu tiên mình phân bổ chính là khoản mình đi mua các tài sản sinh lời cho mình.

+ Thứ 2 Khoản tiền tiêu mà mình đã xác định trước sẽ chuyển vào một tài khoản ngân hàng chuyên quản lý chi tiêu và mình cắm các công cụ thanh toán vào tài khoản đó. Mỗi ngày nó vơi đi là mình biết là tiền mình đang mất đi và mình cũng chỉ được phép tiêu trong hạn mức đó.

+ Thứ 3: Không để nhiều tiền mặt ở ví, nếu ví càng không có tiền càng tốt. Số dư tài khoản ngân hàng cũng tối thiểu nhất còn lại bạn có thể bỏ khoản tiền tiêu sang ví điện tử để gửi sinh lời. Lúc đầu sẽ khó chịu nhưng rồi bạn sẽ quen và mỗi khi bạn định tiêu thì bạn nhìn lại ví mình và tự hỏi mình khoản tiêu này có giá trị không ? Nếu có thì bạn vẫn có cách để tiêu nhưng cách này nó hãm bạn lại một chút để suy nghĩ. Mình đã thử và thực sự rất hiệu quả trong việc giảm bớt tiêu một số thứ không cần thiết.

+ Thứ 4: Những món đồ trước khi mua mình dành tối thiểu 1-2 ngày để suy nghĩ, thậm chí có món trên 1 triệu mình thường suy nghĩ cả tuần về lợi ích của nó cho mình. Có thể mình hơi chặt chẽ chỗ này nhưng mình không muốn tạo ra rác cho xã hội. Đơn giản chỉ vậy thôi.

Mình cũng đã đi được một chặng đường dài 7 năm. Ban đầu có rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện, bao nhiêu nỗi cô đơn tràn ngập, bao nhiêu mẫu thuẫn trong gia đình xảy ra nhưng rồi mọi thứ tốt đẹp sẽ đến bởi mình biết rằng đây là con đường đúng và mình có niềm tin với nó. Mình đã truyền cảm hứng được cho người bên cạnh mình (vợ mình) hàng ngày, cho những đứa em mình và những người bạn thân thiết. Mình biết ơn những khó khăn đã mang đến cho mình nghị lực để vượt qua nó và gửi gắm tới mọi người trong vài dòng tâm sự này.

Chúc cho bạn sẽ vững tin chèo lái con thuyền tài chính cá nhân gia đình mình luôn bền vững để đem đến cuộc sống hạnh phúc cho mình. Giàu có chưa chắc đã hạnh phúc nhưng tài chính cá nhân bền vững và luôn biết đủ với những gì mình đang có thì chắc chắn bạn sẽ hạnh phúc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả