Bị Mỹ siết chặt trừng phạt, Huawei đối mặt ‘án tử’
Mảng điện thoại thông minh (smartphone) và 5G của Huawei (Trung Quốc) có thể gặp khó khăn lớn, thậm chí dừng hoạt động vào năm tới do thiếu nguồn cung chip sau khi chính phủ Mỹ siết chặt lệnh trừng phạt.
Mảng smartphone của Huawei sẽ biến mất?
Hôm 17-8, Bộ Thương mại Mỹ đã ra lệnh cấm bất kỳ công ty nào trên thế giới sử dụng phần mềm hay thiết bị của Mỹ để thiết kế, sản xuất các sản phẩm chip và bán chúng cho Huawei nếu hãng này tham gia bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giao dịch với tư cách là người mua, người nhận hàng trung gian hay người dùng cuối.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cũng đưa thêm 38 công ty liên kết của Huawei ở 21 nước vào danh sách đen nhằm ngăn chặn các công ty Mỹ bán linh kiện và công nghệ cho họ nếu chưa có giấy phép đặc biệt. Năm ngoái, Mỹ đã đưa Huawei và 114 công ty liên kết của hãng này vào danh sách đen.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói rằng quyết định này nhằm ngăn chặn Huawei và các công ty liên kết tiếp cận công nghệ Mỹ thông qua các bên thứ ba, gây tổn hại cho an ninh quốc gia và các lợi ích ngoại giao của Mỹ.
Vì Mỹ đang nắm quyền kiểm soát một số công cụ sản xuất chip quan trọng, quy định hạn chế xuất khẩu mới đồng nghĩa với một lệnh cấm các nhà cung cấp trên toàn cầu bán chip cho Huawei. Điều này sẽ gây tác động lớn đến mảng kinh doanh thiết bị và smartphone của Huawei.
“Chúng tôi tin rằng bước đi này gần như hoàn toàn khống chế khả năng Huawei gia công bất kỳ thiết bị bán dẫn nào tại bất kỳ nhà cung cấp nào”, Manish Nigam, Giám đốc bộ phận nghiên cứu công nghệ ở ngân hàng Credit Suisse, nhận định.
Các chuyên gia và lãnh đạo trong ngành công nghệ nhận định việc Mỹ siết chặt trừng phạt Huawei sẽ đe dọa vị thế nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới mà Huawei vừa giành được từ tay Samsung trong quí 2 vừa qua.
Trong báo cáo gửi cho khách hàng hôm qua, các nhà phân tích của Ngân hàng Jefferies cho rằng nếu Huawei không thể gia công các sản phẩm chip do các quy định mới của Mỹ, “mảng kinh doanh smartphone của Huawei có thể sẽ biến mất”.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ cũng được ví như chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài đối với mảng smartphone của Huawei. Nhà phân tích Edison Lee ở ngân hàng Jefferies, nhận định niềm hy vọng của Huawei về việc dựa vào các hãng thiết kế chip thứ ba để tiếp tục sản xuất smartphone đã bị dập tắt.
“Chính phủ Mỹ đã trao ‘án tử’ cho Huawei. Huawei có thể không còn là nhà sản xuất smarphone và thiết bị mạng lưới 5G một khi kho hàng dự trữ của hãng này cạn kiệt vào đầu năm sau”, Dan Wang, nhà phân tích công nghệ ở Công ty nghiên cứu kinh tế Gavekal Dragonomics (Hồng Kông), nhận định trong một báo cáo có tựa đề ‘Án tử cho Huwei’.
Hồi đầu tháng này, Huawei cho biết sẽ bắt đầu dừng sản xuất bộ chip cao cấp Kirin của hãng này kể từ giữa háng 9. Do sức ép của Mỹ đối với các nhà cung cấp, hãng bán dẫn HiSilicon, công ty con của Huawei, không thể sản xuất sản phẩm chip này để trang bị cho các smartphone của Huawei. HiSilicon đang sử dụng phần mềm từ nhiều công ty Mỹ bao gồm Synopsys để thiết kế các sản phẩm chip. Công ty này cũng thuê gia công các sản phẩm chịp tại Công ty sản xuất chip Đài Loan (TSMC), vốn cũng đang sử dụng thiết bị của các công ty Mỹ.
Chuỗi cung ứng chip cho Huawei bị ảnh hưởng
Các chuyên gia cho rằng lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ cũng giáng một đòn nặng nề đối với các nhà cung cấp chip cho Huawei, ít nhất là trong ngắn hạn, vì họ cần phải xin giấy phép để tuân thủ các quy định mới.
“Nếu việc bóp nghẹt Huawei tiếp tục, sẽ có những những cú sốc diễn ra khắp chuỗi cung ứng bán dẫn. Biện pháp trả đũa của Trung Quốc vẫn chưa rõ và đó là một rủi ro lớn”, Neil Campling, Giám đốc bộ phận nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông ở Công ty chứng khoán Mirabaud Securities (Thụy Sĩ), nhận định.
Vẫn chưa rõ có bao nhiêu nhà cung cấp chip cần giấy phép và liệu họ có được Mỹ cấp giấy phép hay không. Tại châu Á, các nhà sản xuất chip nhớ bao gồm Samsung Electronics và SK Hynix (Hàn Quốc), nhà sản xuất cảm biến hình ảnh Sony (Nhật Bản) và hãng thiết kế và sản xuất chip MediaTek (Đài Loan) có thể bị tác động bởi quy định này.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 18-8, Zhao Lijian, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ trích các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Huawei là “hành động ức hiếp lộ liễu” và Trung Quốc sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Sebastian Hou, nhà phân tích công nghệ ở Công ty môi giới và đầu tư CLSA, dự báo Apple, đối thủ của Huawei và hãng chip Qualcomm của Mỹ, có thể trở thành các mục tiêu trả đũa của Trung Quốc.
“Chúng tôi luôn tuân thủ các quy định thương mại toàn cầu và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các thay đổi về quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Chúng tôi đang tham vấn với các chuyên gia pháp lý bên ngoài để bảo đảm tuân thủ các quy định mới nhất. Đánh giá hiện nay của chúng tôi là các quy định mới của Mỹ chưa tác động lớn đến hoat động của chúng tôi trong ngắn hạn”, MediaTek tuyên bố.
Cổ phiếu Sony cũng giản hơn 1% trong phiên giao dịch hôm qua. Nhà phân tích Atul Goyal ở ngân hàng Jefferies cho biết Huawei là khách hàng mua cảm biến hình ảnh lớn thứ hai của Sony, chỉ sau Apple.
“Sony đã giảm sản lượng cảm biến hình ảnh và đã tính toán tác động của Huawei trong dự báo kinh doanh của họ”, Goyal nói.
Samsung Electronics và SK Hynix, hai nhà cung cấp chip nhớ cho Huawei, cho biết đang đánh giá tác động tiềm tàng của quy định siết chặt trừng phạt Huawei của Mỹ.
Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC) sẽ bị tổn thương nhẹ trong dài hạn. TSMC cho biết sẽ tuân thủ các quy định mới của Mỹ và sẽ ngừng cung cấp chip cho Huawei sau ngày 15-9.
“Theo đánh giá của chúng tôi, tất cả nguồn cung chip, bao gồm chip nhớ, cho Huawei đều là bị ảnh hưởng bởi các quy định mới của Mỹ”, Sanjeev Rana, nhà phân tích ở Công ty môi giới và đầu tư CLSA (Hồng Kông), nói.
Một chuyên gia công nghệ cho biết quy định siết chặt trừng phạt của Mỹ giờ đây sẽ ngăn chặn các hãng chip của Mỹ như Nvidia, Intel và bất kỳ hãng chip nào khác bán chip cho Huawei. Các hạn chế mới của Mỹ sẽ tác động đến hàng tỉ đô la doanh thu khắp ngành công nghiệp bán dẫn.
Hôm 19-8, tờ Nikkei Asian Review dẫn các nguồn tin cho biết Huawei đang yêu cầu một số nhà cung cấp giảm tiến độ giao một số linh kiện liên quan đến trạm cơ sở 5G để Huawei có thể tái thiết kế chúng và thay đổi thiết bị sử dụng để sản xuất chúng. Đây là dấu hiệu cho thấy đòn trừng phạt mới của Mỹ đang bắt đầu tác động đến chuỗi cung ứng của Huawei.
Ai hưởng lợi?
Một số vấn đề vẫn chưa được sáng tỏ chẳng hạn như các hạn chế xuất khẩu mới của Mỹ sẽ được thực hiện như thế nào. Có khả năng một số đối thủ sẽ được hưởng lợi trong dài hạn nếu Huawei đánh mất ngôi vị nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.
“Hiện tại, Huawei nắm giữa 40-50% thị phần smartphone ở Trung Quốc và nếu thị phần của hãng này bị tổn thương thì các đối thủ nội địa như Xiaomi cùng với Oppo và Vivo có khả năng sẽ là các bên hưởng lợi lớn nhất. Huawei cũng có thể thất thế hơn nữa trên thị trường trạm cơ sở 5G và smartphone quốc tế; bên được lợi là Samsung, Gokul Hariharan”, nhà phân tích ở ngân hàng JP Morgan, nhận định.
Các chuyên gia cũng cho rằng điều này sẽ có lợi cho Qualcomm vì cả ba hãng smartphone Trung Quốc đều phụ thuộc lớn vào nguồn cung chip từ Qualcomm. Khó khăn của Huawei sẽ tạo lợi thế cho mảng smartphone và thiết bị 5G của Samsung, đồng thời bù đắp cho mất mát doanh số chip nhớ mà hãng này bán cho Huawei.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận