menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Phi Điệp

Bi kịch của những người không mua được nhà

Li, 34 tuổi, dự định kết hôn vào năm sau, nhưng mọi thứ tan vỡ khi căn hộ anh mua, đang trả nợ thế chấp, bị tạm dừng xây dựng.

Anh Li (tên đã thay đổi) đã mua trả góp một căn hộ chung cư để ổn định cuộc sống. Bạn gái anh đã mang thai, họ lên kế hoạch cho đám cưới vào năm sau. Nhưng ngay khi căn hộ Li đặt mua tại tỉnh Hồ Nam bị tạm dừng xây dựng do thiếu vốn, bạn gái anh bỏ thai, nhà gái cấm kết hôn khiến người đàn ông 34 tuổi hoàn toàn sụp đổ. Sau tất cả, Li chỉ còn khoản nợ lớn đi theo trong 20 năm tới.

"Họ nói một căn hộ chưa hoàn thiện không phải là nhà, vì vậy bạn gái chọn phá thai và chia tay với tôi để tìm hạnh phúc mới. Tôi tuyệt vọng nhưng không thể làm được gì", Li chia sẻ.

Nhưng người đàn ông 34 tuổi hiểu được quyết định của bạn gái và gia đình cô. Trong xã hội Trung Quốc, tư tưởng không thể kết hôn nếu không có nhà riêng rất phổ biến.

Câu chuyện về căn hộ chưa hoàn thiện của Li phản ánh tình trạng thực tế trong xã hội gắn sức nặng của tình cảm với vật chất. Với họ, nhà không chỉ là nơi che nắng, mưa mà còn là mảnh ghép quan trọng để tạo hạnh phúc.

Trên thực tế, hàng triệu nam giới nước này đang trong tình cảnh không thể kết hôn khi không có tiền mua nhà hoặc các công trình đã đặt mua tạm dừng xây dựng vô thời hạn do thiếu vốn. Tình trạng này được dự báo sẽ trở nên căng thẳng hơn vào cuối năm nay.

Đối với Gen X (sinh từ 1980 đến 1996), những người lớn lên trong 30 năm nền kinh tế tăng trưởng không ngừng, sự không chắc chắn của hiện tại trở thành cuộc khủng hoảng đầu tiên với họ. Một số người như Li phải chịu đựng bi kịch cá nhân.

Nhiều năm làm việc ở Thượng Hải, khiến anh Li cảm nhận sâu sắc sự cạnh tranh khốc nghiệt và mức sống đắt đỏ ở một thành phố hạng nhất. Đó là lý do khiến anh chọn mua nhà ở Tương Đàm, một trong những thành phố loại 4 ở Trung Quốc, có chi phí rẻ hơn.

Để mua nhà, Li phải đặt cọc 200.000 tệ (670 triệu đồng) và vay ngân hàng 500.000 tệ (1,7 tỷ đồng). "Khoản trả nợ hàng tháng của tôi không nhiều, chỉ khoảng 3.000 tệ, chiếm khoảng 35% tổng thu nhập, nhưng không biết bao giờ nhà mới hoàn thiện", anh nói.

Còn với Tian, khoản tiền thế chấp 2.800 tệ mỗi tháng chiếm đến 70% thu nhập. Năm 2018, anh quyết định mua nhà, khi vợ mang bầu. Theo dự kiến, căn hộ được hoàn thành và bàn giao trong năm 2020, nhưng nay con trai anh đã hơn 3 tuổi vẫn chưa hoàn thiện. Vấn đề càng phức tạp hơn khi anh thất nghiệp hơn nửa năm nay vì đại dịch, khiến gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai vợ.

"Tiền sinh hoạt hàng tháng của vợ chồng tôi chẳng còn bao nhiêu sau khi trả nợ ngân hàng", Tian nói.

Để gây sức ép lên chủ đầu tư và chính quyền, Tian và một số người mua nhà đã chuyển đến sống trong khu chung cư chưa hoàn thiện. Điều này có nghĩ họ phải ở trong các căn hộ không điện, nước và nhà vệ sinh cách nơi ở gần nửa cây số.

Thậm chí, Tian còn gửi thư đến ngân hàng vào tháng 7, đe dọa ngừng thanh toán nếu quá trình xây dựng không tiếp tục. Các chủ sở hữu căn hộ khác cũng làm điều tương tự. "Chúng tôi cũng nói chuyện với chính quyền và nhà đầu tư, nhưng họ chỉ câu giờ và đánh lừa chúng tôi", Tian nói.

Bi kịch của những người không mua được nhà
Tian và con trai 3 tuổi trong khu chung cư chưa hoàn thiện của họ. Ảnh: CNA

Theo thống kê của trang web GitHub, nhiều người mua nhà tại hơn 340 dự án ở khoảng 120 thành phố của Trung Quốc đã tuyên bố tẩy chay khoản thế chấp. Các nhà chức trách từng hạn chế các bài đăng trên mạng xã hội về thực trạng này, khiến một số người xuống đường biểu tình, nhưng chúng nhanh chóng bị dẹp với lý do "lo ngại sự lây lan Covid-19".

"Tôi không còn niềm tin nào cho rằng căn hộ mình mua sẽ hoàn thiện. Chúng tôi không nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm", Tian thở dài.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang lâm vào tình trạng nguy hiểm do hoạt động mua đầu cơ. "Nhiều phụ huynh đã mua căn hộ cho con trai bởi quan niệm có nhà mới được kết hôn, như một cách chuẩn bị cho tương lai. Nhưng theo quan điểm về thị trường, đó là đầu cơ: Tôi không mua nhà vì cần mà do nghĩ sẽ tăng giá", giáo sư tài chính Michael Pettis tại Đại học Bắc Kinh, nói.

Ngày nay, người mua nhà thường phải trả nợ thế chấp 1-1,5 năm trước khi nhận căn hộ, thay vì hình thức bắt đầu thanh toán khi dự án hoàn thành hoặc nhận chìa khóa. Đây là lý do khiến Li, Tian và nhiều người mua nhà trả trước đang phải chịu áp lực tài chính, nhưng chưa có nhà để ở.

Các khoản thanh toán thế chấp này lẽ ra phải dành cho dự án toàn nhà, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Như Evergrande - công ty bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, đã dùng vốn của người mua nhà để đầu tư vào việc mở rộng các dự án bất động sản.

Ở thời kỳ hoàng kim, đơn vị này có hơn 1.300 dự án trên khắp đất nước, với những căn hộ thuộc sở hữu của 12 triệu gia đình, cộng với quỹ đất lớn nhất nước - hơn 300 km2. Tuy nhiên công ty này đã tuyên bố phá sản vào năm 2021 với khoản nợ trị giá 300 tỷ USD, tương đương 2% GDP Trung Quốc, khiến nhiều công trình buộc phải tạm dừng.

Evergrande không cá biệt. Theo xếp hạng của S&P, công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Mỹ, khoảng 40% các nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đang gặp khó khăn về tài chính. Cơ quan này ước tính có khoảng hai triệu căn hộ chưa hoàn thiện do các nhà phát triển bán trước đã bị tạm dừng. Bank of America ước tính, 2,4 triệu căn nhà được bán trước vào năm 2020 và 2021 có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ.

Còn với Li, giấc mở sở hữu căn nhà ngày càng xa tầm với. "Tôi mất hoàn toàn hy vọng. Tôi không bao giờ có thể kiếm đủ tiền để mua một căn hộ khác, khi bản thân đang mang nợ ngân hàng", Li thở dài.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
5 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại