Bi hài sau những vụ chốt lời tiền tỷ từ chung cư
Nhiều trường hợp “lỡ” chốt lãi tiền tỷ căn hộ lâm cảnh “méo mặt” tìm mua nhà mới trong bối cảnh giá chung cư ngày càng tăng cao.
Đau đầu tìm nhà sau chốt lãi
Đầu năm 2021, anh Trần Văn Thanh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã vay ngân hàng 600 triệu đồng để mua căn hộ 55m2 khu vực ngoại thành. Thời điểm đó, căn hộ anh mua có giá 1,8 tỷ đồng. Đến cuối tháng 11 vừa qua, môi giới gọi điện thông báo có khách hỏi mua lại căn hộ của anh với giá 2,6 tỷ. Thấy mức lãi hấp dẫn chỉ sau 2 năm, anh Thanh chốt bán để chuyển sang căn hộ rộng hơn.
Đáng nói là các căn hộ khác, dự án khác hoặc cùng dự án cũng trong tình trạng tăng giá tương tự. Điều này khiến cho anh Thanh gần 1 tháng nay vẫn chưa tìm được căn hộ ưng ý và phù hợp với tài chính hiện tại.
“Lúc ấy tôi chỉ nhìn thấy mức lãi lớn vì thời điểm khó khăn này, làm gì để kiếm ra được 800 triệu. Số tiền có được tưởng là cao nhưng so với giá chung cư tăng nhanh như hiện nay đi tìm nhà chẳng khác nào mò kim đáy bể”, anh Thanh chia sẻ.
Theo ghi nhận thực tế của PV, hiện giá chung cư tại quận Nam Từ Liêm – cách trung tâm Hà Nội 20km đã đạt ngưỡng gần 100 triệu đồng/m2.
Trong đó, tại một dự án khu đô thị lớn nằm dọc Đại lộ Thăng Long, một số toà đang được mở bán với giá 6,4 – 6,9 tỷ, tương đương 80 – 86 triệu đồng/m2 đối với căn 3 phòng ngủ view hồ. Những căn view nội khu có giá thấp hơn, khoảng 72 triệu đồng/m2. Đây là giá căn hộ tại những toà sắp bàn giao vào năm 2024.
Còn ở các toà dự kiến bàn giao vào năm 2026, giá mở bán dao động từ 62 – 79 triệu đồng/m2. Những căn vị trí đẹp có giá gần 100 triệu đồng/m2.
Cũng tại khu vực này, CapitaLand mới đây đã công bố dự án Lumi Hanoi với tổng diện tích gần 5,6ha, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 căn hộ cao cấp, giá bán dự kiến từ 66 triệu đồng/m2, cao ngang ngửa các căn hộ trung cấp ở các quận trung tâm Hà Nội.
Tại quận Long Biên, một dự án cũng đang mở bán với mức giá từ 3,2 - 4,5 tỷ đồng/căn hộ hai đến ba phòng ngủ, tương đương khoảng 50 triệu đồng/m2.
Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý 3.2023 của Savills cho thấy, giá sơ cấp căn hộ chung cư tại Hà Nội đã có quý thứ 19 liên tiếp tăng trưởng. Giá thời điểm quý 3 đã cao hơn 77% so với thời điểm quý 1.2019.
Còn theo CBRE, trong quý 3, căn hộ chung cư tại các quận ngoài trung tâm ghi nhận mức giá bán tăng mạnh. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thứ cấp của chung cư tại huyện Hoài Đức và quận Bắc Từ Liêm ghi nhận mức tăng cao nhất, lần lượt là 8% và 5%.
Thông tin về thị trường bất động sản quý 3 vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, tại Hà Nội, giá bán trung bình của căn hộ mở bán mới trên thị trường sơ cấp tăng gần 7% theo quý, tăng 14% theo năm và đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2.
Theo Bộ Xây dựng, việc tăng giá này là do lượng nguồn cung mới thuộc phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng áp đảo (trên 90%). Cùng với đó, một số chủ đầu tư có tăng giá và mở bán thêm quỹ hàng ở các tầng cao hơn.
Giá chung cư sẽ tiếp tục tăng mạnh vào năm sau
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), cho biết thời gian qua, thị trường bất động sản khó khăn nhưng giá bất động sản vẫn neo ở mức cao, thậm chí, phân khúc căn hộ chung cư tại các thành phố lớn vẫn duy trì đà tăng, thiết lập mặt bằng giá mới lên mức cao kỷ lục, vượt xa thu nhập của đại đa số người dân. Điều này trái ngược với sự sụt giảm về mức giá và thanh khoản của sản phẩm đất nền, biệt thự, shophouse, liền kề, nhà phố.
Dữ liệu nghiên cứu của VARs cho thấy, giá bất động sản đã tăng gấp hàng chục lần trong thập kỷ qua. Riêng trong năm 2021, giá nhà bình quân đã tăng trưởng hai con số.
Chuyên gia VSRs dự báo, trong năm 2024, giá bán chung cư sơ cấp sẽ tiếp tục tăng trung bình khoảng 3 - 8%. Nguyên do là nguồn cung trong ngắn hạn vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể, số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới rất ít và đang ngày càng có xu hướng sụt giảm, đặc biệt là phân khúc bình dân, trung cấp.
Đáng chú ý, không có bất kỳ dự án nhà ở hình thành trong tương lai nào thuộc phân khúc bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch nhà ở trong năm 2021 và năm 2022. Tỷ trọng căn hộ trung cấp (25 - 50 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch nhà ở cũng liên tục giảm 2 con số kể từ năm 2020.
Chủ tịch VARS cho rằng, để có thể cơ cấu lại phân khúc, hạ giá thành sản phẩm, cần có sự “chung tay, góp sức”, thống nhất quan điểm, cách thức triển khai, phối hợp của rất nhiều đối tượng, thành phần, từ cơ quan quản lý Nhà nước tới các Doanh nghiệp, Ngân hàng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), các chủ đầu tư giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không neo giữ giá cao, tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu, tăng niềm tin khách hàng, tạo dòng tiền và thanh khoản.
Các doanh nghiệp cũng cần chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân, giá vừa túi tiền, phù hợp với thu nhập của người dân.
Ông Châu cũng kiến nghị rất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 128 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng “đất ở” hoặc “đất ở và đất khác” hoặc “đất khác không phải là đất ở” phù hợp quy hoạch sử dụng đất, đô thị, xây dựng, chương trình phát triển nhà ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ.
Việc cho phép này sẽ tạo điều kiện cho hàng chục, hàng trăm dự án nhà ở thương mại, kể cả dự án không có yếu tố “đất ở” được ra đời, đóng góp quan trọng về nguồn cung sản phẩm cho thị trường nhà ở, giải quyết cơn khát nguồn cung đeo đẳng thị trường 4 – 5 năm qua, từ đó giảm được giá nhà, giúp giấc mơ an cư của người lao động trở nên gần hơn trong tầm với.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận