Bi hài “đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ”
Càng gần đến dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền mới để đi chùa, mừng tuổi, lễ Tết… càng tăng lên chóng mặt. Đó cũng là lúc dịch vụ đổi tiền lẻ trên mạng xã hội trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Dù bị cấm, nhưng dịch vụ này vẫn hoạt động rầm rộ với mức phí lên tới 15%, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ cho những người có nhu cầu.
Nhộn nhịp chợ tiền lẻ online
Chỉ cần gõ cụm từ “dịch vụ đổi tiền lẻ” trên mạng xã hội sẽ cho ra một loạt những hội nhóm với những lời mời chào hấp dẫn. Có những hội nhóm lên tới cả chục ngàn thành viên tham gia. Theo quảng cáo, khách hàng muốn loại tiền mới nào cũng có, đủ tờ, nguyên seri, nguyên cọc, giao hàng nhanh, chi phí rẻ… Thậm chí, có thể chọn tiền số đẹp để làm quà tặng sinh nhật, lì xì người yêu dịp Tết. Nhiều chủ tài khoản còn nhận “đổ buôn” tiền lẻ, tiền mới cho những ai có nhu cầu.
Theo khảo sát của phóng viên, phí đổi dao động từ 6%-15% và có sự chênh lệch giữa các loại tiền có mệnh giá khác nhau. Trong đó, phí đổi tiền mệnh giá từ 50.000-500.000 đồng dao động từ 10-12%; tiền mệnh giá nhỏ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, phí đổi lên tới 15%. Đối với khách hàng có nhu cầu đổi tiền số lượng lớn, mức phí này theo quảng cáo sẽ được chiết khấu phải chăng.
Dịch vụ đổi tiền lẻ được rao công khai trên mạng.
Tuy nhiên, với những tờ tiền có số seri đẹp như năm sinh hay mang các yếu tố tâm linh hoặc thời điểm đổi tiền sát Tết, mức phí giao dịch rất hỗn loạn, thậm chí còn lên tới 30 - 35%. Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, trên "chợ" tiền mới còn rao bán cả các đồng tiền hiếm là ngoại tệ của nhiều nước với giá trị gấp nhiều lần mệnh giá thực tế, tùy vào độ độc, lạ của tờ tiền. Chẳng hạn tờ tiền mệnh giá 2 USD (tương đương gần 50.000 đồng) in hình con mèo, biểu tượng của năm Âm lịch 2023 có giá lên tới 200.000 đồng/tờ. Với những tờ tiền có số seri đẹp, giá bán có thể lên tới hàng triệu đồng. Ngoài ra, một số tờ tiền được in và phát hành riêng theo năm của nhiều quốc gia cũng được rao bán công khai, ví dụ như tiền hình con trâu của Macao, Australica… thậm chí, cả tiền Việt Nam nhưng có seri đẹp cũng được rao bán.
Một nickname B.H rao đổi: “Đổi tiền mới để lì xì, đi lễ tết các bác ơi. Em nhận đổi tiền mới các mệnh giá 1k; 2k; 5k; 10k, 20k, 50k; 100k; 200k. Có sẵn các loại. Tiền mới nguyên seri phí đổi 1 triệu 50k tất cả mệnh giá. Tiền mới nguyên tệp, nguyên cọc, nguyên seri. Mới 100% mệnh giá 10k 50k 100k 200k là 1 triệu 60k, 20k 1 triệu là 70k. Càng gần tết phí càng tăng. Ai muốn đổi phí rẻ nên đổi bây giờ luôn mọi người nhé. Nhận đặt cọc từ giờ nhé. Giá hiện tại ạ, càng gần ngày thì giá càng cao mọi người cân nhắc nhé!”.
Một nickname tên T.N cũng rao đổi tiền lẻ với lý do “sắp sinh nên cần tiền”, thậm chí còn tuyển cả “chân cộng tác viên”: “Năm nay e lại tiếp tục đổi tiền nguyên seri, nguyên cọc như hình các bác nhé. Mọi năm em hay đổi hộ mọi người nhưng năm nay sắp đẻ nên kiếm thêm ít xiền mua bỉm sữa cho em bé. Từ mệnh giá 5k-10k-20k-50k-100k-200k có chia lẻ. Phí không đâu thấp bằng. Có đủ các mệnh giá. Nhớ lại có năm em hỏi vài chỗ toàn từ 6 - 8 %, cao điểm gần tết còn 10%. Riêng nhà em thì luôn luôn dưới 5% ạ , đổi số lượng lớn phí càng thấp. E tuyển cả các CTV ạ!!! Xin phép mọi người em tag nhờ chút ạ”.
Trong vai một người có nhu cầu đổi tiền lẻ, phóng viên liên hệ với một nickname D.T, người này khẳng định chắc nịch, toàn bộ số tiền mới các mệnh giá hoàn toàn là “nguồn chuẩn từ ngân hàng Nhà nước Việt Nam”(?) Người mua có thể nhận hàng, kiểm tra hàng thoải mái, đặc biệt “có giao hàng tận nhà cho các quý anh chị, thậm chí còn giao hàng miễn phí với những đơn hàng giá trị cao”, nhưng vẫn khuyến khích giao dịch chuyển khoản cho an toàn, tiện lợi, chuẩn xác và không mất nhiều thời gian của cả hai bên. Đồng thời không quên nhấn mạnh, nếu không đổi sớm thì càng đến gần Tết phí đổi càng đắt.
Tờ USD in hình mèo được săn lùng trên mạng.
Cũng trong vai một người có nhu cầu mua tờ USD in hình mèo mạ vàng, tôi liên hệ với một nick N.M, người này quảng cáo những lời có cánh: “Tiền 2 USD con mèo mạ vàng của bọn em hoàn toàn là đô xịn. Tờ đô này được Bộ Tài chính Mỹ cho phép in ấn và phát hành dịp tết Quý Mão sắp đến nhằm đáp ứng nhu cầu tiền lì xì tết âm lịch 2023 của Việt Nam(!) Tờ tiền 2 đô in hình con mèo mạ vàng mang ý nghĩa phong thủy đặc biệt trong năm mới mang đến cho người sở hữu thêm nhiều sức khỏe, tài lộc và may mắn vẹn toàn. Tờ 2 đô có số seri 00 liền kề nhau để phân biệt hàng chuẩn Mỹ và hàng làm lại. Một bộ tiền lì xì có kèm: Bao da xanh trưng bày và bảo quản cao cấp, hồng bao đỏ lì xì tết may mắn. Nếu không mua sớm giáp Tết không còn hàng vì hàng này cực hiếm, số lượng ít”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá cả một tờ 2 USD hình mèo đầy đủ chứng nhận của Mỹ, bao da, phong bao lì xì có giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, tùy vào hoạ tiết 2D hay 3D. Hầu như năm nào những tờ đô la in hình linh vật của năm đó đều đắt hàng và được người dân săn lùng dịp cận Tết.
Cẩn trọng khi đổi tiền lẻ qua mạng
Từng là nạn nhân khi tìm đến dịch vụ đổi tiền lẻ trên mạng, chị Đ.T.G (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, năm ngoái chị có đổi 5 triệu tiền mới mệnh giá nhỏ để đi lễ chùa qua Facebook trong một hội nhóm. Vì thấy nhiều người comment, chị nghĩ rằng, người này có uy tín, nên đặt cọc trước 1 triệu để làm tin. Thế nhưng theo hẹn để thanh toán nốt tiền và nhận lại tiền mới thì thuê bao người bán không liên lạc được. Biết là mình bị lừa nên chị đành bấm bụng cho qua.
Những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới, mệnh giá dưới 10.000 đồng vào dịpTết Nguyên đán. Đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, các tổ chức ngân hàng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó… Bởi thế mà dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới, tiền đô in hình linh vật từng năm càng trở nên “hot” hơn trên mạng xã hội, nhất là dịp cận Tết. Thế nhưng cũng vì giao dịch trên mạng nên khách hàng sẽ gặp nhiều rủi ro nhất định như bị lừa tiền, chuyển khoản cọc xong không nhận được hàng hoặc nhận phải tiền giả, tiền xấu.
Các đối tượng trong đường dây sản xuất tiêu thụ tiền giả vừa bị Công an thành phố Đà Nẵng triệt phá.
Hiện nay, nhiều vụ sản xuất, tiêu thụ tiền giả được lực lượng chức năng phát hiện, với hình thức thủ đoạn tinh vi, rất khó bị phát hiện nên rủi ro nhận phải tiền giả trên mạng xã hội là khá cao. Cuối tháng 12/2022, lực lượng Công an Thành phố Đà Nẵng vừa triệt phá một ổ nhóm đối tượng tàng trữ, lưu hành hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả, thu giữ súng và lựu đạn.
Theo đó, ngày 26/11, có 2 đối tượng đi xe máy hiệu SH liên lạc và mua từ chị N.T.P (sinh năm 1995, ngụ phường Mân Thái, quận Sơn Trà) 1 điện thoại Iphone 11 Promax giá 10,2 triệu đồng. Sau khi nhận tiền thanh toán, chị P phát hiện có 10 triệu đồng tiền giả (tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng) nên trình báo lực lượng chức năng. Qua điều tra, Công an xác định 2 đối tượng lưu hành tiền giả nói trên là Đoàn Văn Dương sinh năm 1989, và Hồ Văn Tiện sinh năm 1988, cùng ngụ xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Khám xét chỗ ở của Dương và Tiện, lực lượng chức năng thu giữ 62 triệu đồng tiền giả (gồm 124 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng). Các đối tượng khai nhận đã lên mạng liên lạc, mua tiền giả từ một đối tượng tại TP. Hồ Chí Minh.
Mở rộng điều tra, cơ quan Công an xác định 2 đối tượng bán tiền giả cho Dương và Tiện là Nguyễn Thị Cẩm Duyên (sinh năm 1988) và Nguyễn Như Phú (sinh năm 1971, ngụ xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh). Khám xét chỗ ở của Duyên và Phú, Công an thu giữ công cụ, phương tiện sử dụng để sản xuất tiền giả; tài liệu, giấy tờ giả gồm máy in màu, máy cắt, máy dập, máy tính, giấy in tiền, giấy ni-lông; hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả (2.684 tờ mệnh giá 500.000 đồng).
Ngoài ra còn nhiều giấy tờ giả gồm CMND, CCCD, giấy phép lái xe…; 3 gói ni-lông chứa ma túy, 3 cây súng ngắn tự chế, 8 viên đạn, 1 quả lựu đạn. Cơ quan ANĐT đã bắt khẩn cấp Duyên, Phú và Huỳnh Hoàng Thương (17 tuổi, trú tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) về hành vi “Làm, tàng trữ tiền giả”. Thương khai nhận, từ tháng 11/2022 đã cùng với đồng bọn sản xuất tiền giả tại một ngôi nhà ở Khu dân cư Phong Phú, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Qua điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định, Thương đã làm ra khoảng 1.200 tờ tiền giả có mệnh giá 500 nghìn đồng, tương đương với 600 triệu đồng. Đồng thời cơ quan Công an xác định ông "trùm" cầm đầu đường dây làm tiền giả quy mô lớn là Huỳnh Quốc Thái (33 tuổi, ngụ huyện Cai Lậy,Tiền Giang).
Theo Thông tư số 25/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.
Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần.
Thế nhưng trên thực tế, hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra sôi nổi, công khai trên mạng xã hội, tiềm ẩn nhiều rủi ro, do vậy Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận