Bị ‘cô vít’ dồn vào chân tường, doanh nghiệp bất ngờ lột xác thành công
Khi sự đổi mới bị cái ngại làm cho trì trệ thì “cô vít” xuất hiện, buộc doanh nghiệp phải chọn giữa “thay đổi hay là chết”.
Tâm lý ngại chuyển đổi trực tuyến của doanh nghiệp
Phạm Hoàng Phương Linh, nhà sáng lập Skinmaster Medical chuyên về điều trị da liễu khoa học, chưa bao giờ có thể tưởng tượng được rằng một ngày trong tương lai, mô hình của cô sẽ bước lên thế giới mạng, bước lên trực tuyến.
Với cách làm truyền thống là gặp mặt và tư vấn trực tiếp cho khách hàng suốt thời gian qua, Linh chưa từng thấy mô hình này gặp nhiều vấn đề cho đến khi cơn sóng Covid-19 lần thứ tư tràn tới, buộc phòng khám phải đóng cửa nhiều tháng.
Lo lắng cho khách hàng đang điều trị, bận tâm vì những nhân viên đang đồng hành buộc phải giảm lương, Linh quyết định thay đổi cách làm, tìm cách thúc đẩy doanh số bán hàng.
Với Linh, bước lên trực tuyến đánh dấu sự thay đổi đột phá bản thân bởi trước giờ cô luôn là người sống khá nội tâm, ít chia sẻ trên mạng xã hội. Cô cũng luôn lo lắng về việc bản thân không ăn ảnh, giọng nói không hay, hay sợ những phản hồi xấu từ mọi người.
Cô đã từng theo dõi cách làm của nhiều người trên mạng xã hội, nhưng càng xem, cô lại cảm thấy hình tượng của mình xa vời với bán hàng trực tuyến.
Sau khi vượt qua tâm lý ngại ngùng của bản thân, Linh tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn hành trình trực tuyến hóa mô hình kinh doanh. Khi làm việc ở nhà quá lâu, không ít lần cô rơi vào tình trạng bi quan, bế tắc, trống rỗng ý tưởng cũng như không biết phải giao việc cho nhân viên như thế nào, vì đa phần đều là những người vốn làm việc theo cách thức trực tiếp.
Đi qua khó khăn để hái quả ngọt
Là chủ doanh nghiệp, Linh cảm thấy tự mình phải vực dậy tinh thần và lan tỏa những điều tích cực đến đội ngũ nhân viên, để mọi người lạc quan hơn khi bị bủa vây bởi nhiều thông tin tiêu cực từ dịch bệnh.
Cô quyết định tổ chức các lớp đào tạo trực tuyến về kiến thức chuyên môn, trao đổi thường xuyên để tăng gắn kết nhân viên. Ngoài ra, cô còn mời các chuyên gia về dạy cách chăm sóc khách hàng, trải nghiệm khách hàng.
“Nhiều người cho rằng việc mời giảng viên về là điều không cần thiết và tốn kém khi phải chi trả thêm chi phí trong bối cảnh không có doanh thu nhiều trong mùa dịch. Tuy nhiên tôi cho rằng dịch hiện nay là thời điểm tốt để học tập vì dư dả thời gian hơn, không bị cuốn vào công việc hàng ngày quá nhiều”, Linh chia sẻ.
Bản thân Linh cùng bạn quản lý cũng đi học để cập nhật kiến thức, cách thức bán hàng. “Với Linh, đây là một trong những quyết định sáng suốt nhất, là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi trong doanh thu bán hàng, vì tham gia lớp học không chỉ giúp Linh thấy được kinh nghiệm thực tế, mà còn được truyền cảm hứng, niềm tin, mang cảm xúc tích cực duy trì cho đội ngũ”.
Ngoài ra, Linh đồng hành cùng đội ngũ nhân viên trong mọi công việc, chuyển giao nhiều đầu việc vốn trước đây chỉ làm một mình, hỗ trợ giải quyết khó khăn khi nhân viên chưa biết cách.
Kết quả là bất chấp Covid-19, doanh thu bán hàng của doanh nghiệp Linh tăng gấp ba lần chỉ trong tháng 7 vừa qua – điều mà cô chưa từng dám nghĩ tới.
Bí quyết chuyển đổi hiệu quả
Việc chuyển đổi trực tuyến là xu hướng tất yếu, chuyển đổi càng sớm, doanh nghiệp càng kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn thiếu thốn đủ đường.
Linh cho rằng trong giai đoạn dịch như hiện nay cũng như sau này, điều mang đến cho khách hàng không phải là sản phẩm mà là giải pháp, bởi khi khách hàng cảm thấy có lợi, cảm thấy vấn đề được giải quyết, tự khắc họ sẽ tìm đến mua hàng.
Cùng với đó, sản phẩm nào cũng sẽ trở thành thiết yếu nếu đó là sản phẩm khách hàng cần. “Đó là lý do vì sao dù không được kê vào danh sách thiết yếu, vẫn rất nhiều khách hàng tìm đến Skinmaster Medical thời dịch”, Linh cho hay.
Theo cô, muốn chuyển đổi mô hình kinh doanh sang trực tuyến hiệu quả, người làm chủ cũng như đội ngũ nhân viên cần tư duy mở hơn, tích cực hơn thay vì nhìn thấy những khó khăn làm chùn bước. “Mọi người đều có thể chuyển đổi lên trực tuyến và đây là cách làm hay vì giúp doanh nghiệp có thêm các tập khách hàng mới”.
Một bí quyết quan trọng nữa là người bán hãy đầu tư nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu, nghiên cứu cách giải quyết vấn đề cho khách hàng, để từ đó có thể tư vấn trực tuyến, giúp khách hàng tin tưởng.
Không dừng lại ở đó, Linh cho rằng những kiến thức chất lượng nên được chia sẻ tới cộng đồng, vừa lan tỏa giá trị, vừa giúp nâng tầm bản thân và thương hiệu.
Bà Đoàn Vân Anh, chuyên gia huấn luyện về bán hàng, đánh giá hành trình chuyển đổi từ truyền thống sang hình thức trực tuyến bắt đầu bằng những bước rất đơn giản mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng thể thực hiện.
Trước hết, doanh nghiệp cần phải vẽ được thật rõ chân dung khách hàng tiềm năng, như độ tuổi, thói quen, gu ăn mặc, sở thích. Bà Vân Anh cho biết bước này rất hay bị bỏ qua vì suy nghĩ “tôi muốn bán hàng cho tất cả mọi người”, “Tôi muốn bán cho càng nhiều người càng tốt”.
Sau đó, đội ngũ bán hàng cần lọc lại danh sách khách hàng trong vòng một năm qua, chăm sóc khách hàng bằng cách nhắn tin, gọi điện hỏi thăm, giới thiệu các kênh trực tuyến mới mở kèm theo quà tặng tri ân để khách hàng biết tới nhiều hơn.
Ngoài ra, facebook cũng có thể là một kênh tìm kiếm khách hàng hiệu quả. Người bán nên chủ động kết bạn, liên tục tương tác với những bài viết mới, để từ đó khơi ngợi sự tò mò, cảm tình về bản thân cũng như gia tăng mức độ xuất hiện.
Theo bà Vũ Hạnh Hoa, nhà sáng lập JoyUni – học viện đào tạo kiến thức kinh doanh và sức bền tinh thần cho lãnh đạo, người có nhiều năm kinh nghiệm trong đào tạo đội ngũ bán hàng, để có thể đạt được những kết quả tích cực trong mùa dịch, doanh nghiệp cần có những cách làm mới, vượt ra khỏi vùng an toàn vốn được thiết lập trong thời gian dài.
Để có thể tìm thấy những cách làm mới, người chủ doanh nghiệp, người quản lý cần mở rộng hiểu biết, tìm tòi những kiến thức mới, mà tham gia các khóa học là một trong những cách nhanh và hiệu quả nhất nếu làm đúng cách.
Dù vậy, doanh nghiệp sau đó cần áp dụng nhiều phương thức khác nhau trên thực tiễn, sai và sẵn sàng sửa sai liên tục để có thể tìm ra cách vận hành tối ưu nhất.
Bà Hoa nhấn mạnh những người chủ doanh nghiệp, cấp quản lý cần gạt bỏ rào cản vốn có về việc học, cho rằng việc học là lý thuyết, khó có thể áp dụng, là đầu tư đắt đỏ, tốn kém, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.
“Có một câu nói rất hay đó là nếu bạn muốn, bạn sẽ tìm ra cách, còn nếu không bạn sẽ tìm lý do. Khi thật sự muốn chuyển đổi, muốn mang lại nhiều đột phá cho doanh nghiệp, người chủ doanh nghiệp và đội ngũ sẽ tìm tòi, áp dụng nhiều cách thức để đạt được kết quả tích cực”, bà Hoa phân tích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận