Bị châm biếm, Ấn Độ bỏ ý tưởng biến Valentine thành ‘Ngày ôm bò’
Báo chí Ấn Độ đua nhau chế giễu quyết định của chính phủ bằng hàng loạt biếm hoạ cho thấy bò đang bỏ chạy khỏi những người đàn ông mê đắm, còn cư dân mạng chia sẻ video về cuộc gặp gỡ bạo lực giữa người và quỷ.
Trong nhiều thế kỷ qua, bò được coi là loài vật linh thiêng trong cộng đồng theo đạo Hindu ở Ấn Độ, là biểu tượng của cả Trái đất và thánh thần.
Vì thế, loài vật này được tôn kính đến mức giới chức Ấn Độ vừa quyết định biến ngày lễ tình yêu Valentine thành “Ngày ôm bò”, với hy vọng kích thích “sự giàu có về cảm xúc” của mọi người và bảo vệ giá trị truyền thống trước những yếu tố văn hoá phương Tây nhập khẩu.
Tuy nhiên, ý tưởng này vừa ra đời đã chết yểu, sau khi xuất hiện hàng loạt meme, biếm hoạ và truyện cười trên mạng.
Ngày 14/2 trở thành “Ngày ôm bò” sau khi Ban phúc lợi động vật Ấn Độ ra tuyên bố đầu tuần này khẳng định bò là “xương sống của văn hoá và nền kinh tế nông nghiệp Ấn Độ”.
"Bò trao tất cả, mang lại sự giàu có cho nhân loại vì có phẩm chất nuôi dưỡng”, Ban phúc lợi khẳng định.
Ban này là cơ quan tư vấn cho Bộ Thuỷ sản, chăn nuôi và sản xuất sữa Ấn Độ.
Trong tuần qua, báo chí đua nhau chế giễu kế hoạch của chính phủ, bằng cách đăng hàng loạt biếm hoạ cho thấy bò đang bỏ chạy khỏi những người đàn ông mê đắm, còn cư dân mạng chia sẻ những video về cuộc chạm trán giữa người và bò hung dữ.
Người dẫn chương trình của NDTV, một trong những kênh tin tức tiếng Anh hàng đầu của Ấn Độ, còn quay thước phim đang cố ôm nhiều con bò, nhưng không thể.
“Đồng thuận là điều quan trọng”, nhà báo này châm biếm.
Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ Ấn Độ gây xôn xao với chính sách về bò, ở quốc gia với 80% dân số theo Ấn Độ giáo.
Đảng BJP của Thủ tướng Narendara Modi ủng hộ mạnh mẽ các giá trị truyền thống của Ấn Độ giáo.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2014, ông Modi hứa sẽ chấm dứt “cách mạng hồng”, cụm từ ông dùng để gọi những hành động giết mổ bò.
Những nghị sĩ khác của BJP còn đưa ra tuyên bố mạnh mẽ hơn. “Tôi hứa sẽ bẻ chân tay những kẻ không coi bò là mẹ chúng và giết thịt bò”, Vikram Saini, nghị sĩ của bang Uttar Pradesh, tuyên bố trong một sự kiện vào tháng 3/2017.
Những tuyên bố như vậy vấp phải nhiều chỉ trích, khi tình trạng bạo lực nhằm vào phụ nữ và các nhóm thiểu số thường xuyên trở thành tiêu đề trên báo chí.
Năm 2017, hàng loạt bức ảnh của nhiếp ảnh gia và nhà hoạt động Sujatro Ghosh khắc hoạ hình ảnh phụ nữ Ấn Độ đeo mặt nạ bò gây sốt trên mạng, gửi thông điệp phê phán một xã hội mà bò có giá trị hơn phụ nữ.
Theo CNN
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận