Bị cáo Trương Mỹ Lan đem khu đất 152 Trần Phú bị thu hồi đi khắc phục hậu quả
Mặc dù dự án 152 Trần Phú (quận 5, TPHCM) đã bị UBND TPHCM thu hồi, nhưng bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn đưa dự án này vào danh sách tài sản dùng để khắc phục hậu quả.
Theo dự kiến, ngày mai, phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm sẽ bước vào phần tranh luận.
Trước đó, trong phần xét hỏi bổ sung, trả lời VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định sẽ trả toàn bộ số tiền cho Ngân hàng SCB.
Về nguồn tiền, bị cáo Lan khai gồm có: hơn 21.000 tỷ đồng do các cá nhân, tổ chức đã nộp để bảo đảm cho nghĩa vụ của bà; 172 tỷ trong tài khoản của bị cáo bị phong tỏa; 520 tỷ do gia đình bị cáo Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nộp; 5.000 tỷ được bị cáo Lan và các cổ đông nộp để tăng vốn điều lệ cho SCB.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: TC
Về tài sản, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, hiện có 1.121 tài sản đang thế chấp cho SCB, đảm bảo đủ để khắc phục vụ án. Tuy nhiên, có 681 mã tài sản trong số này đã bị Công ty Hoàng Quân định giá thấp hơn giá trị thực tế rất lớn, đề nghị tòa xem xét ghi nhận và định giá lại theo giá thị trường tại thời điểm thi hành án, để được cấn trừ.
Ngoài ra còn có 658 mã tài sản không đảm bảo cho bất kỳ khoản vay nào khác nên bị cáo đồng ý dùng khắc phục hậu quả cho SCB. Nếu SCB không đủ tài sản thì bị cáo sẵn sàng mang tài sản ra hỗ trợ cho SCB tái cấu trúc.
Trong 658 mã này, có 2 dự án lớn là cảng Sài Gòn và siêu dự án Amigo, nếu được phát triển đúng thời điểm và kịp thời thì sẽ mang về không dưới 200.000 tỷ đồng.
'Lùng nhùng' dự án 152 Trần Phú
Khi đại diện VKS đặt câu hỏi về 440 mã tài sản (nằm trong 1.121 mã đang bị kê biên) trên sổ sách có giá trị khoảng 620.000 tỷ đồng nhưng trên thực tế là bao nhiêu, bà Lan trả lời: “Theo kinh nghiệm của bị cáo thì được trên 100.000 tỷ đồng”.
Bị cáo Lan dẫn chứng, trong 440 mã tài sản có dự án 152 Trần Phú (quận 5) đã thực hiện xong hạ tầng; dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1) đã được nhà đầu tư nộp vào hơn 3.000 tỷ, hiện tiếp tục xin được nộp tiền để thực hiện tiếp; dự án Grand Central 196-202 Nam Kỳ Khởi Nghĩa; dự án One Central (khu Tứ giác Bến Thành) 14.000 tỷ...
Tuy nhiên, khu đất 152 Trần Phú, trước đây do Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) quản lý đã bị Thanh tra Chính phủ xác định có nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, dẫn đến hậu quả là đất Nhà nước rơi vào tay tư nhân.
Cuối năm 2023, UBND TPHCM đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xác định hành vi cố ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Vinataba là vi phạm pháp luật theo điểm d, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013 (về đất không được chuyển nhượng, tặng cho).
Trong khi đó, Công ty liên danh được lập ra để quản lý dự án là Vina Alliance cũng đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM thu hồi giấy phép. Vì vậy, tư cách pháp nhân của doanh nghiệp này đã chấm dứt, không còn tồn tại nên không thuộc đối tượng bàn giao khu đất thu hồi tại số 152 đường Trần Phú.
Còn Vinataba thì thoái thác trách nhiệm, cho rằng đã hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn tại Vina Alliance, không còn quản lý, sử dụng khu đất này nên không thể bàn giao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận