24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Benjamin Graham và bài học 'vượt thời gian' về đầu tư

Thị trường hiện đã đẩy giá những cổ phiếu tăng trưởng lên cao đến mức “khó tin”, nhiều nhà đầu tư bắt đầu hoang mang về giá trị thực sự của những cổ phiếu này.

Thường được gọi là “cha đẻ của đầu tư giá trị”, triết lý đầu tư của ông Benjamin Graham được coi là “vượt thời gian” và có ảnh hưởng lớn tới nhiều thế hệ nhà đầu tư bao gồm Warren Buffett, Seth Klarman, Walter Schloss, Joel Greenblatt…

Benjamin Graham là ai?

Benjamin Graham sinh năm 1894 tại London, Anh, sau đó chuyển sang Mỹ sinh sống từ khi còn nhỏ. Ông có một tuổi thơ sung túc nhờ việc kinh doanh thuận lợi của cha. Tuy nhiên, sau khi cha ông qua đời vào năm 1903, mẹ ông đã mất hết tiền khi đầu tư vào cổ phiếu, điều này đã hình thành nên những ý niệm mơ hồ đầu tiên về việc đầu tư đối với Benjamin Graham, khí đó vẫn là một cậu bé.

Nhờ có học bổng, Graham đã thuận lợi có được bằng cử nhân tại Đại học Columbia. Ông đã làm việc ở Phố Wall ngay sau khi tốt nghiệp. Ở tuổi 25, Benjamin Graham đã kiếm được khoảng 500.000 USD/năm, nhưng rồi cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 1929 đã khiến ông mất gần như toàn bộ số tiền mình có, đổi lại là những bài học quý giá về việc đầu tư.

Trong giới đầu tư, hiếm có cái tên nào nhận được nhiều sự tôn trọng và ngưỡng mộ như Benjamin Graham. Với con mắt tinh tường đối với những cổ phiếu bị định giá thấp và tập trung vào phân tích cơ bản, phương pháp của ông đã mang lại những kết quả ấn tượng. Hai trong số những cuốn sách nổi tiếng của ông là “Phân tích chứng khoán” (xuất bản năm 1934) và “Nhà đầu tư thông minh” (xuất bản năm 1949) đã được công nhận là mang lại kiến thúc nền tảng trong đầu tư giá trị.

Học trò xuất sắc bậc nhất của Benjamin Graham là Warren Buffett, một trong những sinh viên của ông tại Đại học Columbia. Sau khi tốt nghiệp, tỷ phú Buffett làm việc cho công ty Graham-Newman Corporation của ông Graham cho đến khi người thầy của mình nghỉ hưu.

Và rồi Warren Buffett, dưới sự hướng dẫn của Benjamin Graham và các nguyên tắc đầu tư giá trị, đã trở thành một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại. Tính đến năm 2023, ông là người giàu thứ 5 trên thế giới với khối tài sản 106 tỷ USD.

“Cha đẻ” của đầu tư giá trị

Mặc dù Benjamin Graham qua đời vào năm 1976, những tác phẩm của ông vẫn tồn tại và vẫn được sử dụng rộng rãi trong thế kỷ XXI bởi các nhà đầu tư giá trị và nhà phân tích tài chính nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản về giá trị của một công ty.

Theo lý thuyết của Benjamin Graham, đầu tư giá trị là tìm ra giá trị thực tế của một cổ phiếu phổ thông không mà giá trị thực tế đó thường khác với giá thị trường của nó, bởi thị trường thường bị chi phối bởi các yếu tố phi lý trí và cảm tính, dẫn đến việc định giá cổ phiếu không đúng giá trị thực tế. Do đó, việc phân tích cơ bản những yếu tố xung quanh công ty là nền tảng của đầu tư giá trị.

Cụ thể, Benjamin Graham nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra báo cáo tài chính, tiềm năng tăng trưởng thu nhập và vị thế cạnh tranh của công ty trong ngành. Ngoài ra, các yếu tố của công ty như tài sản, thu nhập và chi trả cổ tức cũng được đưa vào công thức tìm ra giá trị nội tại của một cổ phiếu.

Nếu giá trị nội tại cao hơn giá trị thị trường ở một thời điểm nhất định, nhà đầu tư nên mua và nắm giữ cổ phiếu cho tới khi xảy ra “sự đảo chiều trung bình”. Điều này giúp các nhà đầu tư có thể tránh bị đánh lừa bởi những đánh giá sai lầm thường được thị trường đưa ra trong những thời kỳ bi quan hoặc hưng phấn sâu sắc.

“Sự đảo chiều trung bình” là lý thuyết cho rằng theo thời gian, giá trị thị trường và giá trị nội tại sẽ liên tục bù đắp cho nhau, tới khi giá cổ phiếu phản ánh đúng giá trị thực của nó. Bằng cách mua một cổ phiếu bị định giá thấp, trên thực tế, nhà đầu tư sẽ trả ít hơn cho giá trị nội tại của cổ phiếu đó và nên bán khi giá thị trường ngang bằng với mức giá trị nội tại của nó. Hiệu ứng hội tụ giá này chỉ xảy ra trong một thị trường hiệu quả - tức một thị trường mà giá cả luôn luôn phản ánh đầy đủ tất cả các thông tin sẵn có.

Như vậy, trái với niềm tin thông thường rằng những cổ phiếu đang được ưa chuộng trên thị trường là hấp dẫn nhất, quan điểm của Benjamin Graham thiên về hướng cổ phiếu sẽ có vẻ hấp dẫn nhất khi chúng không được ưa chuộng trên thị trường.

Về nguyên tắc đầu tư giá trị, Benjamin Graham luôn lưu ý rằng nhà đầu tư cần đầu tư với một “biên độ an toàn” nhất định để bù đắp cho những yếu tố không thể dự đoán trên thị trường. Ví dụ, trong trường hợp một công ty phá sản, biên độ an toàn sẽ giảm thiểu những tổn thất mà nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu.

Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể đạt được biên độ an toàn bằng cách mua cổ phiếu của các công ty có tỷ suất cổ tức cao và tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu thấp và đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ. Benjamin Graham thường mua cổ phiếu đang giao dịch ở mức giá bằng 2/3 giá trị thực tế của chúng và gọi đó là “biên độ an toàn”.

Năm 1949, Graham viết cuốn sách nổi tiếng “Nhà đầu tư thông minh”, mà sau này được coi là “kim chỉ nam” về đầu tư giá trị, cũng là cuốn sách thể hiện rõ nhất quan điểm của ông về đầu tư giá trị. Nhân vật chính trong cuốn sách này là Mr. Market, là phép ẩn dụ của ông Graham về cơ chế giá cả thị trường.

Thông qua cuốn sách của mình, Benjamin Graham chỉ ra rằng thay vì dựa vào tâm lý thị trường hàng ngày bị chi phối bởi cảm xúc, nhà đầu tư nên tự phân tích giá trị cổ phiếu dựa trên báo cáo hoạt động và tình hình tài chính của công ty. Phân tích này sẽ củng cố khả năng phán đoán của nhà đầu tư khi họ được Mr. Market đưa ra lời đề nghị.

Học trò nổi tiếng nhất của ông Benjamin Graham là tỷ phú Warren Buffett đã áp dụng một cách thành thạo các nguyên tắc của người thầy của mình. Thông qua công ty Berkshire Hathaway, ông Warren Buffett đã xây dựng một danh mục đầu tư “huyền thoại”, tập trung vào các công ty có nền tảng cơ bản vững chắc và lợi thế cạnh tranh. Những ví dụ điển hình bao gồm các khoản đầu tư của ông vào Coca-Cola, American Express và Wells Fargo.

Đầu tư giá trị hay đầu tư tăng trưởng?

Không giống như giao dịch trong ngày hoặc phân tích kỹ thuật, tập trung vào xu hướng thị trường và biến động giá cổ phiếu, đầu tư giá trị tìm kiếm những cổ phiếu bị thị trường định giá thấp dựa trên giá trị nội tại của chúng. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về tình hình tài chính của công ty, bao gồm thu nhập, tài sản và tiềm năng tăng trưởng.

Nhiều người cho rằng đầu tư giá trị đã lỗi thời trong các thị trường có nhịp độ nhanh và được thúc đẩy bởi công nghệ ngày nay. Tuy nhiên, sự thành công của nhiều nhà đầu tư giá trị cho thấy, sự kiên nhẫn và nghiên cứu kỹ càng có thể mang lại lợi nhuận đáng kể trong thời gian dài. Một quan niệm sai lầm khác là đầu tư giá trị liên quan đến việc mua cổ phiếu giá rẻ, nhưng bản chất chính xác của nó là tìm kiếm cổ phiếu đang được giao dịch với giá thấp hơn giá trị nội tại của chúng.

Bên cạnh đó, đầu tư giá trị cũng hay bị đem ra so sánh với việc đầu tư tăng trưởng trong khoảng một thập kỷ gần đây. Nhìn chung, đây là 2 hình thức đầu tư khác biệt và phù hợp với các phong cách đầu tư khác nhau.

Trong khi đầu tư giá trị liên quan đến việc mua những cổ phiếu bị định giá thấp và chờ đợi thị trường công nhận giá trị thực sự của chúng thì đầu tư tăng trưởng liên quan đến việc mua cổ phiếu của các công ty được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức trên trung bình so với các cổ phiếu khác. Tuy nhiên, khi lãi suất đang ở mức cao kỷ lục và thị trường toàn cầu đang biến động khó đoán, cuộc tranh cãi về việc khuyến nghị đầu tư giá trị hay đầu tư tăng trưởng lại một lần nữa được đem ra “mổ xẻ”.

Nhìn vào thực tế thị trường, có thể thấy, động lực tăng trưởng nhanh và lãi suất thấp sau đại dịch Covid-19 đã giúp các công ty tăng trưởng có sự vượt trội hơn so với đầu tư giá trị trong ngắn hạn. Gần đây hơn, sự phấn khích về trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã thúc đẩy tăng trưởng vượt trội, nhất là đối với cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Thực tế, sự tăng trưởng của thị trường năm nay chủ yếu nhờ vào đầu tư tăng trưởng.

Nhưng vì thị trường hiện đã đẩy giá những cổ phiếu tăng trưởng lên cao đến mức “khó tin”, nhiều nhà đầu tư bắt đầu hoang mang về giá trị thực sự của những cổ phiếu này. Đây là thời điểm một số nhà phân tích tin rằng đầu tư giá trị sẽ sớm giành lại lợi thế, khi nhà đầu tư không thể chạy theo những cổ phiếu tăng trưởng có giá quá cao và bắt đầu quay về giá trị cốt lõi của cổ phiếu để có những khoản đầu tư hiệu quả. Như Benjamin Graham từng viết trong cuốn “Nhà đầu tư thông minh” rằng: “Một công ty vĩ đại không phải là một khoản đầu tư tuyệt vời nếu bạn trả quá nhiều tiền cho cổ phiếu của họ”.

Hơn nữa, sự phát triển của AI hay bất kỳ xu hướng nào ở thời điểm hiện tại đều đang mang tính nhất thời. Triển vọng kinh tế không chắc chắn cũng gây tổn hại cho các cổ phiếu tăng trưởng nhiều hơn so với các khoản đầu tư giá trị.

Chính sách tiền tệ được thắt chặt với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, đang khiến việc đi vay trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết và thế giới đã đi qua kỷ nguyên lãi suất thấp. Tất cả những yếu tố này cho thấy việc đầu tư giá trị có thể bắt đầu chiếm ưu thế hơn trong thời kỳ thị trường sụt giảm.

Tất nhiên, đối với hầu hết các nhà đầu tư, việc duy trì một danh mục đầu tư cân bằng và đa dạng hợp lý sẽ giúp họ thu được lợi nhuận bất kể phương thức đầu tư nào. Nhưng theo các chuyên gia, giờ là lúc để đảm bảo khách hàng có sự phân bổ nguồn tiền vào những cổ phiếu có giá trị phù hợp với điều kiện kinh tế, khả năng chấp nhận rủi ro và mục tiêu dài hạn của họ. Để kết lại, xin mượn lời “nhà tiên tri xứ Omaha” Warren Buffett, cũng là học trò thành công nhất của Benjamin Graham, để nói về việc đầu tư:

“Không có cái gọi là cổ phiếu tăng trưởng hay cổ phiếu giá trị như Phố Wall thường miêu tả. Tăng trưởng là một phần của phương trình giá trị”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả