Bệnh viện “khó” đủ đường, nguy cơ dừng hoạt động
Theo phản ánh của các bệnh viện, tất cả các hoạt động khám chữa bệnh đều đang cầm chừng vì số lượng hóa chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao chỉ còn đủ dùng trong thời gian tính bằng ngày…
Nói như Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Đức thì các bệnh viện đang trong tình trạng “cấp cứu của cấp cứu”. Trong khi đó, từ đầu năm 2023 đến nay, hàng trăm gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế trên cả nước liên tục phải gia hạn, hủy thầu.
Các bệnh viện đang trong tình trạng này là “cấp cứu của cấp cứu”. Ảnh minh họa
Tình trạng “cấp cứu của cấp cứu”
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, dù đơn vị đã gia hạn đóng thầu Gói thầu Cung cấp hóa chất, vật tư tiêu hao cho xét nghiệm sinh hóa năm 2022 - 2023 (đợt 2) từ ngày 16/1/2023 tới ngày 9/2/2023 nhưng vẫn không có nhà thầu tham dự. Gói thầu đang tiếp tục được gia hạn đến ngày 9/3/2023.
Nhiều bệnh viện khác trên cả nước cũng rơi vào tình trạng tương tự, buộc phải hủy thầu sau nhiều lần gia hạn mà không có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Đơn cử, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa vừa hủy liên tiếp 2 gói thầu, gồm: Gói thầu 8 danh mục vật tư tiêu hao dùng trong kiểm soát nhiễm khuẩn và Gói thầu 38 danh mục vật tư tiêu hao dùng chung. Bệnh viện Dệt may hủy Gói thầu Hóa chất, vật tư xét nghiệm năm 2022 lần 2. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Điện Biên hủy Gói thầu số 6 Mua vật tư răng năm 2023…
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng “đóng băng” thị trường mua sắm, đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, theo bà Trương Thị Tố Hoa, Trưởng ban Pháp chế - Tiểu ban Trang thiết bị y tế và Chẩn đoán thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, chủ yếu là do hóa chất, vật tư, thiết bị y tế hết hạn giấy phép nhập khẩu hoặc giấy đăng ký lưu hành từ ngày 30/12/2022 theo Nghị định số 98/2021/NĐ-CP nên không được phép lưu thông, không đủ tư cách hợp lệ để tham dự thầu, dù hàng đã được nhập về, đang chờ ở cảng. Mặc dù các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đề nghị gia hạn, đăng ký mới giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung bình mỗi ngày có từ 8.000 - 10.000 người đến khám và khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Năm nay khác hẳn những năm trước khi ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng đột biến với hơn 6.000 ca/ngày. Do đó, bệnh viện hiện rơi vào cảnh thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh.
“Hầu hết các thiết bị của bệnh viện 10 năm qua thực hiện liên doanh, liên kết. Khi hết hợp đồng, thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực. Hiện tại, chúng tôi đang phải chờ thông tư mới, quy định mới nên không thể tái kí hợp đồng và kí các hợp đồng mới. Bệnh viện cũng không có nguồn ngân sách nào để đầu tư mua sắm thiết bị mới. Do vậy, chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư nguồn ngân sách để bệnh viện sớm có thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.
Còn GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, cho biết, theo thống kê, hóa chất xét nghiệm công thức máu tại bệnh viện chỉ còn sử dụng được trong khoảng 1 tuần nữa.
Đây cũng là tình trạng chung của hàng loạt bệnh viện lớn trên toàn quốc. “Tôi biết rằng, nhiều bệnh viện đã thông báo tới tất cả các khoa phòng, trong vòng 1 tuần nữa, bệnh viện sẽ hết hóa chất xét nghiệm, chỉ thực hiện theo cấp cứu. Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cũng có thể rơi vào nguy cơ đó. Chính vì vậy, tôi cho rằng, đây là việc “cấp cứu của cấp cứu”, rất mong các cấp lãnh đạo kịp thời tháo gỡ. Chúng ta chỉ còn khoảng 1-2 tuần nữa, nếu không tháo gỡ sớm thì các bệnh viện sẽ không hoạt động được”, ông Giang nói.
Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, chịu thiệt là người bệnh. Ảnh minh họa
Cần một hành lang pháp lý chuẩn
Tại bệnh viện hàng đầu về ngoại khoa, các vật tư tiêu hao phục vụ cho phẫu thuật cũng chỉ còn 1 tháng nữa là hết. “Theo quy định, việc mua sắm vật tư tiêu hao phải bảo đảm rằng, các vật tư tiêu hao đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Hiện nay, vấn đề giấy phép lưu hành và gia hạn với thuốc đã được tháo gỡ. Thế nhưng, hầu hết các giấy phép đối với vật tư tiêu hao chưa được cấp và chưa được gia hạn. Vì vậy, bệnh viện rất khó để mua và đấu thầu vật tư tiêu hao”, GS.TS Giang nói.
Ông Giang thông tin, từ năm 2015, bệnh viện hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc. Riêng máy móc xét nghiệm tại bệnh viện có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng. Do đó, từ năm 2015, bệnh viện đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm và các công ty đặt máy để sử dụng hóa chất đó. Kèm theo đó, các công ty lo bảo hành, bảo trì, kiểm định, kiểm chuẩn để máy hoạt động chính xác. “Thế nhưng, đến năm 2022, chúng ta lại có công văn quy định, việc sử dụng máy mượn, máy đặt không có trong quy định của văn bản pháp luật và đề nghị dừng. Sau đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 144 để tháo gỡ khó khăn này nhưng chỉ có giá trị cho các hợp đồng đặt mua hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022. Chính vì vậy, bây giờ không còn hóa chất để làm”, ông nói. Về vấn đề hóa chất xét nghiệm, bệnh viện đã tìm các phương án khác để xử lí, nhưng đều không khả quan.
Về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Hiện tại, một số văn bản pháp quy đang bất cập, chúng tôi vừa làm và vừa gỡ. Vướng ở chỗ nào, chúng tôi lại làm văn bản báo cáo trình Bộ Y tế và các cấp có thẩm quyền sửa đổi để kịp thời phục vụ công tác mua sắm thuốc, đấu thầu thuốc cũng như trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ người bệnh. Mong rằng, các cấp, các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp ngành Y tế, giúp cho các bệnh viện có những văn bản pháp quy hợp lí để chúng tôi có một hành lang pháp lí chuẩn. Chúng tôi đi trên hành lang đó và tự tin để làm công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.
Ngày 24/2/2023, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023, trước tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu giải quyết dứt điểm, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải “mua ngoài”. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch. Khắc phục tâm lý “sợ sai”, “làm ít sai ít”, “không làm, không sai” đang xảy ra ở một số cơ sở y tế. Về giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành y tế cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành y tế phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh; xây dựng, sửa đổi các luật đã được đưa vào kế hoạch của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Đồng thời, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, như: Đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận