Bệnh nhân COVID-19 thứ 22 tử vong
Sáng 15/8, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19.
Đây là ca mắc COVID-19 tử vong thứ 22 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam.
Bệnh nhân702 (BN 702): Bệnh nhân nam, 63 tuổi.
Tiền sử: suy thận giai đoạn cuối đã chạy thận nhiều năm, tăng huyết áp, suy tim.
Chẩn đoán tử vong: sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi do COVID-19, trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.
TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai là người có mặt sớm tại Đà Nẵng để tham gia vào hội chẩn, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng lần này đã “tấn công” vào các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, suy gan giai đoạn cuối, suy đa phủ tạng, khiến cho công việc của các bác sĩ trở nên vô cùng khó khăn.
Những bệnh nhân nặng này đều là các ca nhiễm trên nền bệnh lý rất nặng, phần lớn người bệnh đều mắc bệnh thận giai đoạn cuối, suy thận hoặc chạy thận nhân tạo chu kỳ và các bệnh lý khác như suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì.
Đối với những bệnh nhân này, việc nhiễm COVID-19 đã làm tổn thương tạng tăng lên vì trước đó bản thân họ có những tổn thương. Khi không may mắc COVID-19 đã làm các tổn thương đó nặng hơn.
“Trong chuyên môn, chúng tôi gọi đó là tình trạng cơn bão cytokine, một phản ứng miễn dịch cấp tính gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng suy đa phủ tạng sẽ nặng hơn khi người bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2. Đó là những lý do vì sao khi chúng ta điều trị các ca bệnh trên nền bệnh nhân mắc các bệnh lý nặng sẽ rất khó khăn. Vì chúng tôi không chỉ điều trị riêng COVID-19 mà còn phải điều trị cả các bệnh lý nền trước đó của bệnh nhân, như bệnh thận giai đoạn cuối, ung thư, suy giảm miễn dịch”, TS Sơn nói.
Đặc biệt đối với những bệnh nhân suy đa tạng, cần sự hỗ trợ rất nhiều của các kỹ thuật hồi sức thậm chí nhiều người trong đó đã phải làm ECMO (tim, phổi nhân tạo) là kỹ thuật cao cấp để duy trì chức năng tuần hoàn và hô hấp cho người bệnh.
Do suy đa tạng như vậy nên quá trình hồi sức tích cực không chỉ hồi sức một bộ phận trong cơ thể mà phải hồi sức liên tục nhiều bộ phận trên cùng một cơ thể. Ví dụ, bệnh nhân phải hồi sức thận, tim phải lọc máu liên tục để duy trì cân bằng của cơ thể.
Trên bệnh lý nền nhiều như vậy cộng thêm yếu tố khác như nhiễm trùng sẽ đẩy bệnh nhân vào tình trạng tiếp tục suy các cơ quan tạng và thậm chí có những cơ quan không thể hồi phục được vì nó đã ở giai đoạn cuối.
Như những bệnh nhân thận nhân tạo giai đoạn cuối, chức năng thận sẽ không thể hồi phục được và nếu các bệnh đó tiếp tục có các biến chứng nặng hơn của tình trạng tim mạch, hô hấp liên quan đến những tiến triển của bệnh nền thì đó là một điều vô cùng khó để có thể giữ được sự sống của bệnh nhân.
Link nguồn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận