24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngọc Bảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bên trong căng thẳng thương mại Nhật - Hàn (Bài 2)

Từ hạn chế xuất khẩu công nghệ, mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang lan sang lĩnh vực tiêu dùng và du lịch.

Hàn Quốc đã chính thức đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới với các lập luận rằng việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản là tạo ra thương mại không công bằng và đi ngược lại với nguyên tắc của WTO.

"Hàn Quốc là nhà xuất khẩu chất bán dẫn hàng đầu. Các biện pháp hạn chế của Nhật Bản sẽ gây tổn hại cho các nước thứ ba", ông Kim Seung-ho, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề đa phương và pháp lý tại Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng của Hàn Quốc cho biết.

Nhưng Nhật Bản tuyên bố rằng động thái hạn chế xuất khẩu của họ không liên quan đến vấn đề lao động thời chiến và điều này được thực hiện trên cơ sở an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc Nhật Bản sử dụng các căn cứ an ninh quốc gia để biện minh cho việc kiểm soát xuất khẩu đã khiến một số chuyên gia thương mại lo lắng.

Điều đáng lưu ý, Nhật Bản không phải quốc gia duy nhất viện dẫn các yếu tố an ninh quốc gia trong các vụ kiện thương mại. Đi tiên phong trong xu hướng này là Tổng thống Mỹ Donald Trump khi vào năm 2018, chính quyền Trump đã viện dẫn an ninh quốc gia khi nước này áp thuế nhập khẩu thép và nhôm từ các đồng minh Nhật Bản, Canada, Mexico và Liên minh châu Âu.

Gần đây, Washington cũng đã viện dẫn yếu tố này để hạn chế nhập khẩu các thiết bị của công ty viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies. Nhưng Mỹ lại không phải là Nhật Bản!

Bên trong căng thẳng thương mại Nhật - Hàn (Bài 2)

Các nhà sản xuất chip lớn như SK Hynix và Samsung đã cảm thấy áp lực: Samsung đã yêu cầu các nhà cung cấp địa phương phải dự trữ ít nhất là ba tháng số lượng hóa chất cần dùng, được nhập khẩu từ Nhật Bản

Nhật Bản và Mỹ là hai đồng minh thân thiết, thế nhưng trong khi Tổng thống Trump là một người theo chủ nghĩa bảo hộ, thì Thủ tướng Abe lại ủng hộ trường phái thương mại tự do.

Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, thì Nhật Bản nổi lên như là một quốc gia dẫn đầu trong tổ chức với việc tìm kiếm các quy tắc mới để thúc đẩy các luồng dữ liệu xuyên biên giới. Nhưng việc chính quyền của ông Abe sử dụng lập luận an ninh quốc gia có thể làm suy yếu những nỗ lực gây dựng đó.

"Nhật Bản là quốc gia mới nhất kết hợp thương mại với chính trị, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc" - ông Peter Kim, chiến lược gia toàn cầu tại Mirae Asset Daewoo ở Seoul nhận định.

Một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết thật ra Tokyo đã lên kế hoạch cho các chính sách hạn chế thương mại này từ đầu năm nay khi căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có dấu hiệu leo thang sau phán quyết bồi thường của tòa án.

Khi đó, văn phòng nội các của Thủ tướng Abe đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và các bộ khác của chính phủ đề xuất các cách để gây áp lực lên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Kết quả là, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã thông qua một đề xuất từ Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản (METI) để thắt chặt kiểm soát xuất khẩu trên ba loại vật liệu - hydro florua, polyimide fluoride và photoresist.

Bên trong căng thẳng thương mại Nhật - Hàn (Bài 2)

Căng thẳng đã gia tăng trong nhiều tháng: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã không tổ chức các cuộc hội đàm tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka vào tháng 6.

Nhật Bản quyết định đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới giữa hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka- nơi Thủ tướng Abe ca ngợi những ưu điểm của nền kinh tế Nhật Bản là "nền kinh tế tự do và cởi mở" và điều này đã được ông nhắc lại tại cuộc bầu cử thượng viện vào ngày 21/7.

Và khi đó, chính quyền của Thủ tướng Abe đã tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng một lập trường cứng rắn về Seoul sẽ là một cơ hội để ghi điểm với cử tri.

Tuy nhiên, METI từ lâu đã lo ngại về kiểm soát xuất khẩu của Hàn Quốc đối với các vật liệu được sử dụng trong các thiết bị hủy diệt hàng loạt, chẳng hạn vũ khí hạt nhân, tên lửa và vũ khí sinh hóa. "Trong khi Nhật Bản có một đội ngũ 120 người để sàng lọc và tìm hiểu, thì Hàn Quốc chỉ có 11 người phụ trách", ông Rui Matsukawa, một thành viên của thượng viện Nhật Bảnbày tỏ lo ngại.

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc đã bác bỏ điều này, nói rằng nước này có 110 quan chức ở ba bộ và hai tổ chức nhà nước chịu trách nhiệm phê duyệt và kiểm tra xuất khẩu vật liệu chiến lược. Trong số ba hóa chất bị hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản, hydro florua là nhạy cảm nhất.

Nó không chỉ được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, mà còn trong việc làm giàu uranium và sản xuất khí gây chết người. Những lo ngại đã gia tăng ở Nhật Bản về việc xuất khẩu đường vòng của hydro florua do Nhật Bản sản xuất sang Bắc Triều Tiên thông qua Hàn Quốc. Tuy nhiên một quan chức METI đã bác bỏ suy đoán này.

Căng thẳng thương mại xảy ra khi cả Hàn Quốc và Nhật Bản đang phải đối mặt với sự suy giảm trong nền kinh tế của họ. Cả hai quốc gia chắc chắn sẽ không muốn tạo thêm những biến động mới, không muốn tạo ra những thách thức tương tự như cuộc chiến thương mại. Nhưng có vẻ như cả Hàn Quốc và Nhật Bản cũng quyết tâm dạy cho nhau một bài học.

Điều này khác xa với mối quan hệ được dự tính trước đó khi nhà lãnh đạo hai nước kỳ vọng sẽ tạo nên một cặp đồng minh của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á, tạo nên một thị trường tích hợp gồm 180 triệu người và có thể cạnh tranh với Trung Quốc.

Bên trong căng thẳng thương mại Nhật - Hàn (Bài 2)

Các phái đoàn Nhật Bản và Hàn Quốc gặp mặt tại Tổ chức Thương mại Thế giới ở Geneva vào tháng Bảy.

"Thế kỷ 21 được cho là thế kỷ châu Á, nhưng quốc gia nào sẽ dẫn đầu thế giới?Có ổn không khi cho phép Trung Quốc vươn lên trở thành quốc gia lãnh đạo? Nhật Bản và Hàn Quốc liệu có thể kết hợp cùng nhau và trở thành lãnh đạo châu lục?" -chuyên gia Nobuya Takasugi, cố vấn tại Viện Á-Âu bình luận.

Hàn Quốc vốn là một trong những quốc gia cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Nhật Bản- quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong bối cảnh già hóa dân số.

Một điển hình cho sự kết hợp này là Samsung, biểu tượngcho sức mạnh công nghiệp của Hàn Quốc, nổi tiếng với dòng máy Galaxy - một chiếc điện thoại thông minh “ngang tài ngang sức” với iPhone của Apple, thế nhưng Samsung lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Nhật Bản về công nghệ và linh kiện giúp hoàn thiện sản phẩm và đưa ra thị trường.

Các cuộc trả đũa ăn miếng trả miếng trong hoạt động kinh tế không mang lại lợi ích cho bất kể ai hay quốc gia nào - và trong trường hợp này, lệnh hạn chế của Tokyo có thể làm tổn thương các nhà cung cấp ba loại hóa chất nói trên của Nhật Bản.

Xuất khẩu hóa chất được ước tính trị giá khoảng 500 triệu USD mỗi năm, một khoản tương đối nhỏ mà Tokyo có thể sẵn sàng hy sinh, thế nhưng đối với cộng đồng doanh nghiệp tại Nhật Bản thì câu chuyện lại không đơn giản như thế.

Sota Kato, giám đốc nghiên cứu tại Quỹ nghiên cứu chính sách Tokyo và là cựu quan chức cấp cao của METI cho biết: "Ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản chưa hề tổ chức vận động hành lang nào của riêng mình bởi vì chính phủ Nhật Bản trước đây chưa bao giờ dùng đến một cuộc chiến thương mại; nhưng nếu có, thì ngành này cần một cách để bảo vệ lợi ích của mình."

Ông Kato đã đề cập đến một bức thư ngỏ do các nhóm ngành công nghiệp công nghệ lớn nhất của Mỹ công bố vào ngày 24/7, trong đó Mỹ gây áp lực cho Tokyo và Seoul nhằm đẩy nhanh một giải pháp đàm phán cho tranh chấp.

Thế nhưng, một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất thiết bị chip của Nhật Bản lại đánh giá thấp tác động của chính sách này của Thủ tướng Abe. Họ cho rằng, ngay cả khi Hàn Quốc mất vị thế "đất nước trắng", thì đơn giản quốc gia này sẽ ngang hàng với Trung Quốc, Đài Loan và Singapore.

Mặc dù ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc vẫn còn khá non trẻ nếu so với Hàn Quốc hay Nhật Bản, thế nhưng với chiến lược Made in China 2025, nước này đang tích cực đổ tiền cho các dự án nghiên cứu chip và sẽ sớm gặt hái thành quả trong vài năm tới. Bắc Kinh đặt mục tiêu có thể sản xuất 40% chất bán dẫn đang sử dụng vào năm 2020 và 70% vào năm 2025, tăng mạnh từ mức 10% hiện nay.

Giới quan sát cho rằng, mục tiêu này sẽ càng dễ thực hiện hơn nếu như căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục leo thang, đe dọa làm suy yếu các ông trùm trong ngành công nghiệp chip như Samsung, SK Hynix. Lúc này các công ty Trung Quốc sẽ tìm thấy cơ hội để chiếm lĩnh thị trường và thu hút khách hàng cho riêng mình.

Đặc biệt Trung Quốc có thể tận dụng căng thẳng hiện tại để tiếp nối cuộc đua tranh giành quyền lực trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong những năm 1990 và 2000, Nhật Bản chiếm ưu thế. Nhưng từ những năm 2010 đến nay, Hàn Quốc đang lên ngôi.

Khi mà hai ông lớn trong ngành này đối đầu và tự làm suy yếu lẫn nhau, các nhà phân tích tự hỏi, Trung Quốc liệu có nên vượt lên để lãnh đạo thị trường bán dẫn trong lúc này hay không.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả