Bến Tre: Một hệ thống siêu thị nước ngoài đặt mua 10 triệu trái dừa/năm, vì sao tìm 'mỏi mắt' không đủ?
Bà Phạm Thị Vân, người sáng lập Công ty TNHH Dừa Cười (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) đi nhiều nơi trong tỉnh tìm nguồn dừa nhưng không có đủ số mình cần.
“Một hệ thống siêu thị nước ngoài đặt cung cấp cho họ 10 triệu trái dừa/năm. Rất tiếc, chúng tôi không tìm ra đủ nguyên liệu để cung cấp”...
Vài năm trở lại đây, trái dừa xiêm xanh tỉnh Bến Tre là mặt hàng được ưa chuộng trong nội địa lẫn xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ khoảng 60 - 70% sản lượng dừa xiêm xanh đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp.
Xuất phát từ thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre đã tiến hành chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng dừa theo hướng an toàn, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cần trái dừa đạt chuẩn
Bà Phạm Thị Vân, người sáng lập Công ty TNHH Dừa Cười (TP Bến Tre) đi nhiều nơi trong tỉnh tìm nguồn nguyên liệu dừa trái đạt chuẩn tròn đều và ngọt, nhưng không có đủ số mình cần.
“Một hệ thống siêu thị nước ngoài đặt cung cấp cho họ 10 triệu trái dừa/năm. Rất tiếc, chúng tôi không tìm ra đủ nguyên liệu để cung cấp”, bà Vân nói.
Ngày thường, bà Vân phải vất vả thu gom dừa đạt chuẩn, mùa hạn mặn lại càng thiếu hụt, hoạt động của doanh nghiệp có lúc gặp khó khăn để xoay sở đủ nguồn hàng khách đặt.
Huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) có diện tích đất trồng dừa hơn 17.622ha, trong đó có gần 2.300ha dừa uống nước, tập trung ở các xã: Châu Hòa, Phong Nẫm, Bình Hòa và Thị trấn. Riêng xã Phong Nẫm có trên 105ha dừa uống nước, trong đó có gần 20ha tham gia vào tổ hợp tác.
Hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bến Tre đang có nhu cầu thu mua dừa xiêm xanh để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chỉ khoảng 60 - 70% sản lượng đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp (trái tròn đều, trọng lượng đạt ≥ 1,3kg/trái).
Nhiều nông dân trồng dừa xiêm xanh tại xã Phong Nẫm chưa đồng bộ trong tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng dừa uống nước, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng dừa, dẫn tới năng suất và chất lượng trái dừa khó đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển vườn dừa. Vì vậy, việc chuyển giao và ứng dụng hữu cơ vào sản xuất góp phần bảo vệ tài nguyên đất, đảm bảo sự phát triển bền vững của vườn dừa, tạo ra sản phẩm dừa trái an toàn, chất lượng là nhu cầu cấp thiết.
Tháng 11-2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre đã xây dựng mô hình “Nâng cao năng suất, chất lượng dừa uống nước gắn với tiêu thụ sản phẩm”, tại xã Phong Nẫm. Có 46 hộ tham gia, quy mô 20ha. Thời gian thực hiện từ tháng 11-2019 đến tháng 10-2020.
Các chỉ tiêu mô hình đặt ra là: Mật độ tồng dừa khoảng 280 cây dừa/ha. Cây dừa trong giai đoạn cho trái ổn định. Trái dừa đạt tiêu chuẩn doanh nghiệp 27.000 trái/ha/năm. Lợi nhuận tăng từ 18 - 20%.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre hỗ trợ 100% chi phí tập huấn kỹ thuật, 50% chi phí mua một số vật tư sản xuất. Cụ thể, phân hữu cơ 4-3-3-65OM (5kg/cây/năm), vôi, phân vi sinh Meta (6kg/ha), Urea (0,5kg/cây), Lân (1kg/cây), Kali (0,5kg/cây).
Định kỳ hàng tháng, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre phối hợp cùng Hội Nông dân xã, chi hội nông dân các ấp tổ chức thăm vườn dừa, kiểm tra tình hình xâm nhập mặn, đề ra giải pháp xử lý; kịp thời phát hiện sâu bệnh hại, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, chăm sóc và phòng trừ dịch hại cho cây dừa, hướng dẫn nông dân ghi chép sổ nhật ký.
Nâng cao chất lượng trái dừa
Sau gần 1 năm áp dụng kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất và chất lượng dừa uống nước và thực hiện quy trình quản lý dịch hại, kết quả năng suất trái đạt bình quân 30.404 trái/ha/năm.
So với năng suất bình quân đại trà, vườn dừa đối chứng 28.000 trái/ha/năm, mức tăng đạt 2.404 trái/ha/năm (tăng 8,58%).
Qua thu thập kết quả của mô hình, dừa loại I đạt 43,77%, loại II: 39,95%, loại III: 16,28%. Tuy nhiên, có hộ dân do chăm sóc tốt, trái dừa lớn, đều nên giá bán cao hơn so với đại trà.
So sánh lợi nhuận trên cùng 1ha, nông dân áp dụng mô hình có giá bán dừa là 4.110 đồng/trái. Hộ dân ở những vườn dừa đối chứng bán 3.750 đồng/trái. Lợi nhuận thu được trong mô hình trên 87,25/68,45 triệu đồng so với vườn đối chứng, chênh lệch 18,8 triệu đồng, tăng 27,48%.
Là một trong 46 hộ tham gia tập huấn, thực hiện mô hình trồng dừa tại xã Phong Nẫm, anh Huỳnh Văn Tâm, ngụ ấp Kinh Cũ chia sẻ: “Hiện nay, thị trường có 4 - 5 loại dừa xiêm nhưng dừa xiêm bầu là hút nhất, kế đến dừa xiêm rặt. Còn dừa xiêm lai thì hầu như không còn giá trị nữa”.
Nhận định về hiệu quả kỹ thuật, theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre, việc sử dụng chế phẩm sinh học (Meta) tuy chưa có điều tra nhưng qua hiện trạng cho thấy dừa phát triển xanh hơn, dịch hại so với những vườn dừa không sử dụng có chiều hướng giảm.
Qua thời gian sử dụng kết hợp phân bón vô cơ (Urea, lân, Kali) với phân hữu cơ vi sinh (4-3-3 65OM) cùng với phân chuồng của nông dân, cây dừa sinh trưởng và phát triển ổn định hơn, khả năng phục hồi sau hạn mặn cũng hiệu quả hơn.
Vườn dừa về cơ bản đã phục hồi, các phát hoa ra đều và to hơn.
Hiện tại, trên tổng số 46 nông hộ tham gia mô hình trồng dừa, chỉ 8 hộ tham gia chuỗi liên kết cùng Công ty MeKong, số hộ còn lại bán cho thương lái.
Địa phương đang vận động những nông hộ này vào tổ hợp tác dừa xiêm canh của xã và đề nghị Công ty MeKong khảo sát để ký hợp đồng thu mua dừa trong thời gian tới.
Mô hình nâng cao năng suất, chất lượng dừa uống nước gắn với tiêu thụ sản phẩm góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm phân bón, thuốc trừ sâu hóa học ra môi trường, cải thiện môi trường sống và an sinh xã hội. Hiệu quả bước đầu của mô hình trồng dừa góp phần thực hiện Kế hoạch số 330/KH-UBND ngày 25-1-2017 của UBND tỉnh về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận