Bên lề Quốc hội: Chủ động kiểm soát và phân bổ nguồn lực đầu tư công
Nhiệm kỳ 2016 - 2020, lần đầu Quốc hội ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm theo quy định của Luật Đầu tư công. Nội dung này thu hút sự quan tâm của các đại biểu bên lề kỳ họp.
Nhiệm kỳ 2016 - 2020, lần đầu Quốc hội ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm theo quy định của Luật Đầu tư công. Nội dung này cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau): Kiểm soát tốt nguồn lực
Đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành quy định từ pháp luật về kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm. Điểm nổi bật trong việc ban hành hai kế hoạch này là Quốc hội, Chính phủ cũng như cơ quan Nhà nước có tính chủ động trong xác định nhiệm vụ chi cho đầu tư công, chi hoạt động thường xuyên và các hoạt động chi khác.
Khi có kế hoạch này, có dự toán cân đối trong thu chi, có kiểm soát tốt nguồn lực về tiền bạc trong xã hội, tránh cú sốc thay đổi cân đối thi chi. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn có những hạn chế nhất định, đó là độ trễ của chính sách.
Theo đó, nhiều cơ quan đã có sự thích ứng nhưng cũng có không ít cơ quan, người đúng đầu chưa theo kịp thay đổi này khiến cho tiến bộ giải ngân các dự án đầu tư còn chậm trễ. Như vậy, tác động đến việc huy động nguồn lực nói chung.
Thực tế, đồng tiền bỏ ra vào thời điểm có lợi sẽ sinh sôi và đầu tư công cũng vậy. Nếu được triển khai đúng kế hoạch, mong đợi sẽ tác động đến các mặt phát triển kinh tế - xã hội. Còn nếu chậm trễ thì tác động tiêu cực, không bảo đảm mục tiêu chương trình dự kiến.
Theo tôi, đây là điểm được và hạn chế để Quốc hội khoá mới cần rút ra bài học và có sự điều chỉnh, bổ sung hợp lý.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Tránh yếu tố tiêu cực trong sử dụng vốn
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, lần đầu chúng ta có kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm theo quy định của Luật Đầu tư công. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, tất cả hoạt động trong cả nhiệm kỳ phải được dự tính trước và được Quốc hội phê duyệt ngay từ đầu.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn bảo đảm 2 yếu tố như: chủ động với các dự án đưa vào đầu tư định trước được nguồn vốn có hay không, dự án nào được ưu tiên đưa trước và dự án nào sau.
Như vậy, nhu cầu đầu tư xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công sẽ được bảo đảm thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt từ đầu nhiệm kỳ. Đồng thời, tránh tình trạng xin cho. Bởi, nếu không có kế hoạch này, thực tế rất dễ phát sinh nhu cầu mà đơn vị, cơ quan nào mạnh dạn xin thì được, còn đơn vị cần cấp bách không biết cách thức xin thì không được.
Tôi cho rằng, việc ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn là một trong những phương thức quản lý đầu tư công đảm bảo vừa chủ động, hiệu quả vừa tránh yếu tố tiêu cực.
Thực tế, những dự án đầu tư công trong nhiệm kỳ vừa qua không quá nhiều nhưng dự án nào đã được khởi công đều bảo đảm được nguồn vốn triển khai, bảo đảm tiến độ; không để xảy ra tình trạng khởi công xong không có vốn thực hiện. Hay không có dự án đầu tư và khởi công xong nhưng xã hội cho rằng, đó là dự án không cần thiết, không cấp bách.
Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn trong nhiệm kỳ này cũng có hạn chế nhất định. Bởi, đây là lần đầu tiên thực hiện kế hoạch này cũng như Luật Đầu tư công. Những năm đầu của kế hoạch 2016 - 2021 nhiều dự án được thực hiện rất chậm do vướng thủ tục, quy định pháp lý.
Ngay sau đó, chúng ta đã có sửa đổi Luật Đầu tư công và những thủ tục phê duyệt, triển khai dự án được giải quyết nhanh chóng và dồn dập tiền đầu tư vào giai đoạn cuối trong năm 2019 - 2020.
Năm 2020, Chính phủ rất quyết liệt trong việc thúc đẩy đầu tư công, riêng phần vốn đầu tư công của năm này chiếm 1/3 trong cả nhiệm kỳ. Thực tế, việc này cũng do yếu tố khách quan của việc thay đổi Luật Đầu tư công.
Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ tới, khi Luật Đầu tư công đã được sửa đổi, việc ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ phát huy hiệu quả trong việc quản lý đầu tư công từ ngân sách Nhà nước./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận