menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khánh Chi

Bể nước ngầm Basilica: Cung điện trong lòng đất

Bể chứa nước ngầm Basilica tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ được đế chế Byzantine xây dựng từ thế kỷ thứ VI, qua bao loạn lạc, từng bị lãng quên, hiện trở thành bảo tàng, kết hợp phục vụ nghiên cứu, giáo dục và giải trí.

Byzantine là một thuộc địa cổ của Hy Lạp, nằm ở phía châu Âu của eo Bosporus, một eo biển nối Biển Đen với Địa Trung Hải. Đế chế này đã xây dựng những hệ thống dẫn nước từ rừng, biển, sông suối vào Constantinople phục vụ nhu cầu nước sạch của kinh thành. Hàng loạt hệ thống ống dẫn và bể chứa được xây dựng khắp nơi cung cấp nước đến các cung điện, đền đài cũng như sinh hoạt của người dân.

Constantinople từng có hàng trăm bể chứa nước ngầm, nhưng quan trọng và lớn nhất chính là bể chứa Basilica Cistern - tạm dịch là Bể nước ngầm Thánh đường. Bể nước nằm ngay phía dưới quảng trường Stoa Basilica, trên ngọn đồi thứ nhất thành Constantinople. Từ thế kỷ III-IV, đại thánh đường Stoa nằm ngay tại đó nhưng hỏa hoạn và bạo loạn đã khiến thánh đường bị phá hủy.

Bể nước ngầm Basilica: Cung điện trong lòng đất

Không gian phía trong bể ngầm.

Ban đầu, tôi không có ý định tham quan bể nước ngầm khi đến Istanbul, mà muốn đến thăm chợ Grand Bazaar, nơi có đường bê tông trên mái, xuất hiện trong cuộc rượt đuổi hồi hộp trong bộ phim Taken 2. Nhưng người gác chợ đã từ chối không cho du khách lên mái, vì lo ngại an toàn và gây xáo trộn.

Lang thang trở lại gần Cung điện Topkapi, tôi chú ý vài du khách xếp hàng bên ngoài một cánh cửa như một kiểu văn phòng nào đó. Tấm biển báo tiếng Thổ mà tôi đoán là “bảo tàng” và vài vị khách mở cuốn Lonely Planet trao đổi khiến tôi tò mò. Mở tấm bản đồ giấy kiểm tra, hóa ra tôi đang đứng trước cửa vào Basilica Cistern.

Sau khi bước qua cửa soát vé và kiểm tra an ninh một đoạn ngắn, cửa vào hầm nước hiện ra với hàng tay vịn của bậc thang. Hệ thống khoảng 50 chục bậc đưa khách xuống sâu dần, giống như đi xuống một hang động trong lòng đất. Ánh sáng giảm dần kèm theo cái mát và hơi ẩm phả ra từ khí hậu trong bể ngầm. Từng cây cột đầu tiên hiện ra, trước khi cả rừng cột đập vào mắt. Men theo lối đi bằng gỗ với hệ thống đỡ bằng thép, khách đón chuyến đi vòng quanh bể, ngắm nghía từng cây cột đá, chiêm ngưỡng từng hoa văn...

Bể nước ngầm Basilica: Cung điện trong lòng đất

Cửa vào hầm chứa nước ngầm Basilica Cistern.

Bao phủ một khu vực rộng 9.800m2, Basilica Cistern được xây dựng và nới rộng vào những năm 530, do Hoàng đế Justinian chỉ đạo. Với thiết kế nhằm trữ nước phục vụ cho tổ hợp cung điện và các tòa nhà xung quanh, nước được dẫn về bằng hệ thống cống dẫn nối với một bể chứa khác ở rừng Belgrade, gần Biển Đen cách đó 20 km.

Với chiều dài 140m, ngang 70m uớc tính bể ngầm rộng cỡ đại thánh đường hoặc sân đá bóng với khả năng chứa lên tới 100.000m3, nhưng thường được dùng trữ khoảng 80.000m3, đủ đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố cả tháng.

Nét độc đáo của bể ngầm này, được người dân gọi là “Cung điện dưới lòng đất”, chính là hình ảnh rừng cột đá hoa và cẩm thạch nhô lên từ dưới nước, chống đỡ cho vòm mái của bể, được so sánh như những hàng cột trụ trong các cung điện hoặc thánh đường theo kiến trúc La Mã và Hy Lạp xa xưa.

Nằm tại quận Sultanahmet, Basilica Cistern chẳng khác gì một thánh đường khi có hàng trăm cột đá hình trụ làm từ một khối đá duy nhất. Theo thông tin cung cấp cho du khách, tổng cộng 336 cột đá xếp thành 12 hàng, mỗi hàng 28 cột, mỗi cột cách nhau 4,8m chống đỡ cho hệ thống mái vòm phía trên. Nhiều cột có viền, rãnh, đậm các nét hoa văn chạm khắc tinh xảo. Nhiều cột ở đây được tận dụng từ những ngôi đền hay công trình ở nơi khác đã bị phá hủy, hư hỏng. Tường, nền và mái vòm của công trình được làm bằng gạch đỏ.

Hành trình quanh bể ngầm, du khách sẽ lướt qua cột đá mang tên “cột khóc”. Cây cột này luôn ướt, và có nhiều vòng ô van được khắc họa. Khi nhìn, người thì cho rằng đó là mắt con chim công đẫm nước, người thì lại thấy giống những giọt nước mắt. Có câu chuyện truyền miệng rằng cây cột được dựng lên để tưởng nhớ những người thợ, phần lớn là nô lệ, đã mất mạng khi dựng bể ngầm. Tài liệu ghi lại, có khoảng 70.000 nô lệ đã tham gia xây dựng Basilica Cistern.

Bể nước ngầm Basilica: Cung điện trong lòng đất

Cột khóc.

Một nét độc đáo nữa nằm ở góc phía tây bắc của bể. Đó là hai chiếc đầu Medusa lớn, điển hình thú vị về kiến trúc thời La Mã, được dùng làm bệ đỡ cho chân cột ngay từ ngày đầu xây dựng. Một đầu tượng Medusa nằm nghiêng trong khi đầu còn lại bị lộn ngược. Trong thần thoại Hy Lạp, Medusa là một trong ba chị em nữ quái vật Gorgon thuộc về thế giới ngầm. Các bức vẽ và tượng khắc ba chị em nữ quái vật này thường được dùng trang trí như để cầu mong sức mạnh của họ có thể bảo vệ các công trình hoặc sự kiện lớn thời La Mã. Người ta tin hai bức tượng này thuộc về một phế tích nào đó từ thời La Mã được đưa về đây. Việc để hai đầu người không theo chiều tự nhiên tạo nên nhiều huyền thoại gây tò mò làm nên nét độc đáo của bể ngầm.

Basilica Cistern bị lãng quên trước khi đế chế Byzantine sụp đổ hoàn toàn, sau các cuộc chiến triền miên với đế chế Ottoman trong thế kỷ XIV và XV, và bị Ottoman đánh bại năm 1453. Không ai nhắc tới bể nước ngầm cho tới năm 1545, khi nhà nghiên cứu người Pháp Petrus Gyllius đến Constantinople tìm các di tích thời Byzantine. Ông thấy người dân tại đây dùng xô lấy nước lên từ phía dưới nền nhà thông qua các lỗ nhỏ. Ông tìm hiểu, phát hiện lối vào bể nước ngầm và ghi chú nó lên bản đồ. Đế chế Ottoman không đánh giá cao công trình này, chỉ dùng tưới tiêu cho các khu vườn ở cung điện Topkapi gần kề, để mặc cho nhiều người bỏ rác rưởi, thậm chí là xác người xuống bể ngầm.

Bể nước ngầm Basilica: Cung điện trong lòng đất

Bệ đá hình chiếc đầu Medusa đặt ngược.

Hiện nay, hơn 80 bể ngầm đã được phát hiện và khai quật tại Istanbul, nhưng Basilica là bể lớn nhất và được khai quật trong tình trạng tốt nhất. Bể ngầm được nhà chức trách thành phố Istanbul làm sạch và trùng tu năm 1985, đến năm 1987 thì mở cửa cho công chúng. Ngày nay, Basilica Cistern là một trong những điểm đến nổi tiếng của thành phố, liền kề các công trình nổi tiếng khác như Nhà thờ Hồi giáo Blue Mosque, Cung điện Topkapi và thánh đường Hồi giáo Hagia Sophia.

Năm 2013, Basilica Cistern đón 240.000 du khách trong 1 tháng, đạt kỷ lục số du khách thăm viếng đông nhất sau khi nhà văn Dan Brown đến thăm cùng thời điểm ông ra mắt cuốn sách Inferno. Bộ phim Inferno sau đó được quay tại đây khiến công trình càng nổi tiếng. Tuy nhiên, trước đó nhiều bộ phim bom tấn cũng đã được quay tại Basilica Cistern, như James Bond tập From Russia With Love (1963).

Năm 2017, công trình này được gia cố các dây kết nối chống động đất và ánh sáng nghệ thuật được lắp thêm, tạo nên hình ảnh lung linh huyền ảo hơn cho hầm nước. Basilica Cistern cũng được dùng làm sân khấu tổ chức hòa nhạc cổ điển, hoặc các vở diễn truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ.

Ánh sáng nhẹ vừa đủ để du khách có thể nhìn đường chầm chậm bước đi, nhưng cũng đủ tối để tạo nên những khoảng trống ma mị huyền bí, ẩn hiện giữa các hàng cột bên trong bể chứa. Nếu không gian đủ tĩnh lặng, du khách còn có thể nghe thấy tiếng vang do những giọt nước rơi từ mái vòm xuống mặt nước phía dưới, cũng như nghe được âm thanh của đàn cá quẫy ngay dưới chân, như tiếng thì thầm vọng lại từ ngàn năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại