BĐS năm 2023: Thời cơ “vàng” cho cá nhân và doanh nghiệp sẵn tiền mặt
Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, năm 2022 thị trường đã được thanh lọc, do đó năm 2023 thị trường sẽ có nhiều dấu hiệu "ấm lên".
Chia sẻ tại buổi hội thảo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà,– Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá thị trường bất động sản năm 2022 có nhiều biến động với các gam màu đối lập.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nền kinh tế Việt Nam đã bước qua năm 2022 với dấu hiệu phục hồi rõ nét sau đợt tàn phá bất ngờ bởi dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh cảnh nền kinh tế nêu trên, thị trường BĐS Việt Nam năm 2022 đã diễn biến với 2 “gam màu" khác biệt: “đầu năm bùng nổ, cuối năm trầm lắng”.
Ngay sau giai đoạn Covid-19, thị trường bất động sản đã có xu hướng hồi phục trong giai đoạn đầu năm, thậm chí có phần bùng nổ. Tuy nhiên kể từ cuối quý II/2022 cho đến nay, thị trường dần trở nên trầm lắng.
Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, nhiều giao dịch bị trì hoãn. Theo đó, giao dịch bất động sản giai đoạn nửa cuối năm 2022 giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm, chỉ bằng 50%.
Tình trạng này không chỉ kéo dài một hai tháng mà đã diễn ra trong suốt nửa cuối năm 2022 và càng về sau thì “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng DN càng suy giảm.
Nguyên nhân chính là dòng vốn gặp khó và lãi suất tăng, khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư. Giá bán có dấu hiệu chững lại, một số dự án đã phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiếu khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay... khiến hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó khăn và tồn kho lớn.
“Thị trường ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch không phải do thực chất thị trường xấu mà do có quá nhiều điểm đã tạo ra sự cưỡng bức, buộc thị trường phải rơi vào trạng thái khó khăn.
Nhìn chung, thị trường bất động sản đang trong trạng thái bình thường, nhưng bị bắt phải “giảm ăn, giảm oxy để thở và giảm bơm máu” nên rất dễ bị rơi vào tình trạng “đột quỵ””, ông Hà nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS chia sẻ tổng quan có thể thấy, thị trường bất động sản năm 2022 đang điều chỉnh và có xu hướng đi xuống vào nửa cuối năm.
Nguyên nhân căn bản là do luồng tiền vận hành vào thị trường giảm đi, không đạt được mức kỳ vọng tăng như cuối năm 2021, thậm chí còn giảm thấp hơn mức cần thiết để duy trì thị trường; giá bất động sản tăng và neo ở mức cao, không giảm trong bối cảnh thị trường suy giảm về giao dịch; hầu hết các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để mở rộng.
Từ tình hình trên, các hoạt động trên thị trường bất động sản được vị chuyên gia dự báo sẽ dần ổn định, nguồn cung tương lai từ số lượng lớn các dự án, đặc biệt các dự án phù hợp với nhu cầu thực người dân như nhà ở giá rẻ, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội... được đưa vào thị trường. Chắc chắc thị trường bất động sản sẽ sớm khởi sắc trở lại.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bất động sản đã và đang nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh về đầu tư sản phẩm hướng đến nhu cầu thực để giải quyết vấn đề cung - cầu trên thị trường – đây cũng là một giải pháp tiên quyết.
Theo dự báo VARS, tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản không sôi động như những năm trước, nên khả năng không có đột biến nào về nguồn cầu, song, tín dụng bất động sản được hỗ trợ từ việc tăng tín dụng lên 1,5 - 2% sẽ là một dòng tiền đáng kể cho thị trường đáo hạn và làm cơ sở chính sách cho năm 2023.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 cho rằng, 6 tháng tới là thời cơ vàng của những cá nhân, doanh nghiệp có sẵn tiền hoặc có thể vay ngân hàng đầu tư mua bất động sản.
Ông Quê đưa ra nhận định trên bởi năm 2023 Chính phủ đã cam kết không tăng lãi suất cho vay, hiện tại đồng loạt các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động khoảng 8-9%, lãi suất cho vay năm 2023 sẽ rơi vào khoảng 10,5-13,5%, lãi suất huy động sẽ rơi vào khoảng 7-9,5%. Tiếp theo, năm 2023 sẽ là năm đầu tư công và bơm vốn ra thị trường khoảng 700 ngàn tỷ.
Sang năm 2023 nền kinh tế sẽ được tiếp cận room lớn của ngân hàng, dự báo room của cả năm 2023 tiếp tục 16%. Do đó, năm 2023 bất động sản sẽ được tiếp cận vốn vay ngân hàng và kênh trái phiếu, chứng khoán.
Bên cạnh đó, hiện tại tâm lý người dân đã tốt hơn. Những tác động của các đại án bất động sản hay sai phạm trong bất động sản đến tâm lý người dân, nhà đầu tư đã giảm dần, trở nên quen thuộc, không còn bị sốc tâm lý. Ông Quê cho rằng, tiền trong dân còn khá nhiều, sẵn sàng tung ra khi nhìn rõ cơ hội đầu tư.
Vị này cho rằng, “đáy” của bất động sản đã được xác lập vào quý 4/2022 - hiện tại tuy chưa tăng giá trở lại nhưng đã cắt hiện tượng giảm giá. Từ quý 2/2023, bất động sản sẽ ấm trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận