BĐS Khu công nghiệp quý II/2020: Không có doanh nghiệp thua lỗ nhưng chỉ số ít duy trì được tăng trưởng
Becamex IDC, Đô thị Kinh Bắc, IDICO, KCN Nam Tân Uyên,… đồng loạt báo lãi giảm trong khi chiều ngược lại Đầu tư Sài Gòn VRG, Sonadezi, Long Hậu, KCN Tính Nghĩa vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh.
Trước bối cảnh dịch Coivd-19 diễn biến phức tạp, nhóm bất động sản khu công nghiệp được đánh giá tương đối khả quan và là “nơi trú ẩn” khá an toàn cho các nhà đầu tư... nhờ có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực từ sự chuyển dịch của dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Dù vậy, kết quả kinh doanh của nhóm Bất động sản khu công nghiệp đã có sự phân hóa rõ rệt hơn trong quý II vừa qua. Bên cạnh những doanh nghiệp vẫn duy trì được tăng trưởng mạnh cũng có nhiều cái tên gặp khó trong đó bao gồm không ít “ông lớn” với quỹ đất khủng. Tuy nhiên, điểm sáng là không doanh nghiệp nào trong nhóm thua lỗ trong quý vừa qua.
LỢI NHUẬN ĐỔ ĐÈO
“Ông trùm” khu công nghiệp tại Bình Dương Becamex IDC (mã BCM) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề với kết quả kinh doanh sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu thuần quý II/2020 của Becamex IDC đạt 1.254 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 248 tỷ đồng, cũng giảm 65% so với quý II/2019. Đây là số lãi thấp nhất trong một quý công ty ghi nhận kể từ khi lên sàn đầu năm 2018.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Becamex ghi nhận 2.484 tỷ đồng doanh thu thuần và 581 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% và 52% so với cùng kỳ năm 2019. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu và 62% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2020.
Mới đây nhất, Becamex IDC đã được Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) chấp thuận niêm yết toàn bộ hơn 1 tỷ cổ phiếu. Công ty đã công bố bản cáo bạch niêm yết, chờ ngày hủy đăng ký giao dịch trên UpCOM và chuyển sàn niêm yết sang HoSE.
Trong khi đó, Đô thị Kinh Bắc (mã KBC) chỉ đạt vỏn vẹn 172 tỷ đồng doanh thu thuần quý II/2020, giảm tới 84% so với cùng kỳ năm trước. Theo KBC, tình hình đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh công ty, khiến doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng BĐS sụt giảm mạnh.
Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, KBC lãi 1,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2020, giảm đến 99% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số lợi nhuận thấp nhất KBC ghi nhận trong một quý kể từ quý III/2013, thời điểm đó công ty lỗ ròng 58 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, KBC ghi nhận 728 tỷ đồng doanh thu thuần và 55,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 54% và 86% so với nửa đầu năm 2019. Kết quả này còn cách rất xa kế hoạch mà “đại gia” khu công nghiệp phía bắc đề ra cho năm 2020 với doanh thu khoảng 32.000 – 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến 816 – 1.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất trong quý II/2020 là Đầu tư LDG (mã LDG). Đáng chú ý, doanh thu thuần trong kỳ của LDG lại tăng đột biến 9,6 lần lên đạt 393 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ giá vốn và chi phí, LDG báo lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng, giảm tới 99% so với quý II/2019.
Thực tế, lợi nhuận của LDG đã có dấu hiệu tụt dốc từ đầu năm 2020 khi lợi nhuận quý I cũng chỉ hơn 1 tỷ đồng trong khi các quý trước đó đều lãi ròng hàng trăm tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, LDG mới chỉ thu về chưa đến 3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thực hiện chưa đến 1% kế hoạch cả năm 2020.
Trong bối cảnh đó, mới đây nhóm cổ đông tổ chức liên quan đến Đất Xanh Group đã hoàn tất thoái sạch vốn tại doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp này. Bên mua trong các giao dịch trên chưa được công bố do đó LDG hiện chỉ còn một cổ đông lớn duy nhất là ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT LDG đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Đất Xanh, nắm giữ gần 28,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 11,83%).
Bên cạnh đó, những cái tên quen thuộc trong nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng có dấu hiệu “hụt hơi” trong quý II/2020 đáng kể như IDICO (mã IDC), KCN Nam Tân Uyên (mã NTC), Becamex IJC (mã IJC), Tân Tạo (mã ITA), VINARUCO (mã VRG).
SỐ ÍT TĂNG TRƯỞNG MẠNH
Quý II/2020, không nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp có sự tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ tuy nhiên số ít này đều báo lãi tăng mạnh, thậm chí tăng bằng lần.
Dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận trong nhóm thuộc về Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP) với lợi nhuận sau thuế quý II tăng tới 151% so với cùng kỳ, đạt 371 tỷ đồng dù doanh thu sụt giảm nhẹ về mức 1.093 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức tăng trưởng mạnh về lợi nhuận đến từ các hoàn nhập các khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, hoàn nhập chi phí dự phòng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của SIP đạt 2.180 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 65% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế gần gấp đôi cùng kỳ, đạt 418 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 388 tỷ đồng. Kết quả này giúp SIP hoàn thành vượt 74% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm 2020.
“Gã khổng lồ” khu công nghiệp tại Đồng Nai là Sonadezi (mã SNZ) cũng trải qua một quý tương đối khả quan. Theo đó, doanh thu thuần quý II của Sonadezi đạt 1.195 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ nhờ hiệu quả kinh doanh khu công nghiệp, nhà và hạ tầng tại đơn vị thành viên. Trong cơ cấu doanh thu, mảng bất động sản khu công nghiệp đóng góp gần 353 tỷ đồng, xấp xỉ 30% và tăng 73% so với cùng kỳ.
Sau khi khấu trừ chi phí, Sonadezi báo lãi sau thuế hơn 411 tỷ đồng, tăng đến 88% so với quý II/2019, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 242 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Sonadezi ghi nhận 2.273 tỷ đồng doanh thu và 682 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng hơn 13% và 71% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện gần một nửa kế hoạch doanh thu và hoàn thành 74% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2020.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý II vừa qua còn có Long Hậu (mã LHG) và KCN Tín Nghĩa (mã TIP) với mức tăng lần lượt 83% và 22% so với cùng kỳ năm 2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận